Ông N.T.C. (57 tuổi, tài xế giao hàng) điều khiển xe máy trên đường 3 Tháng 2 để giao đồ ăn cho khách. Đến giao lộ 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong (phường 12, quận 10), ông C. đi xe máy lên vỉa hè thì bị tổ công tác của Đội cảnh sát giao thông Bàn Cờ thuộc Phòng cảnh sát giao thông (PC08) dừng xe xử phạt.
"Méo mặt" nhưng đồng tình
Qua làm việc, ông C. cho biết do đường đông xe nên di chuyển lên vỉa hè để đi cho nhanh hơn. Khi nghe tổ công tác thông báo mức phạt theo nghị định 168 là 5 triệu đồng, ông C. "méo mặt" vì đây là số tiền lớn và ông phải làm cả tháng mới dành dụm được.
"Thu nhập hằng tháng của tôi khoảng 5 triệu đồng. Với số tiền phạt trên thì coi như tôi bị mất tháng lương", ông C. buồn rầu và cho hay đây là lần thứ hai ông bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm luật giao thông trong bảy năm làm nghề giao hàng.
Chia sẻ với phóng viên, ông C. đồng tình việc nâng mức xử phạt các lỗi vi phạm luật để người dân tự nâng cao ý thức và mong muốn cơ quan chức năng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng đường, giải tỏa các điểm ùn tắc để người dân thuận lợi di chuyển.
Lúc 9h30 ngày 3-1-2025, anh T.N.L. (37 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) chạy xe máy chở theo tấm kính lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt hướng quận 1 đi quận 5. Khi đến giao lộ Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương, quận 5, anh L. bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe vì chạy quá tốc độ.
Kết quả từ máy kiểm tra tốc độ, anh L. vi phạm 59/50km/h. Thời điểm trên nam tài xế cho biết đã mất giấy phép lái xe khoảng sáu tháng trước.
Theo nghị định 168, anh L. sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng với lỗi điều khiển xe mà không có giấy phép lái xe (trước đây phạt 1,5 triệu đồng); phạt 500.000 đồng với lỗi chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10km (trước đây phạt 350.000 đồng).
Ngoài ra, chủ xe cũng sẽ bị phạt 9 triệu đồng do giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông (trước đây phạt 1,4 triệu đồng). Sau khi nghe cảnh sát giao thông thông báo mức phạt, anh L. tỏ ra lo lắng, sau đó gọi cho chủ cơ sở nơi anh làm việc.
"Sáng nay tôi chở kính chắn gió ô tô từ tỉnh Bình Dương lên TP.HCM giao cho khách. Khi đi qua đường này tôi không để ý nên chạy quá tốc độ. Xe tôi được chủ giao cho đi làm. Tôi có biết mức phạt tăng nhưng không ngờ cao như vậy. Giờ không biết ăn nói sao với ông chủ", anh L. phân trần.
Trước đó, Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Thủ Đức phát hiện ông P.Q.T. (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chạy xe máy trên đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu có biểu hiện say xỉn. Qua kiểm tra, ông T. có mức nồng độ cồn 0,310mg/l khí thở (mức 2).
Với lỗi này ông T. sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe (mức cũ 4 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 16 - 18 tháng).
Ông T. cho biết làm nghề thợ hồ, sau khi hoàn thành căn nhà, chủ nhà mở tiệc nên mời ở lại uống bia.
"Tôi nghe là giấy phép lái xe bị trừ hết 12 điểm phải đi thi để phục hồi, giờ bị trừ 10 điểm rồi, từ đây tới cuối năm không dám vi phạm nữa, để còn điểm mà lái xe đi làm", ông T. phân trần.
Duy trì liên tục và xử phạt nghiêm vi phạm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết sau khoảng ba ngày triển khai các quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và các nghị định liên quan, ý thức tham gia giao thông của người dân bước đầu đi vào kỷ cương, chấp hành.
Cơ quan thực thi cũng cho biết sẽ duy trì việc xử lý nghiêm các vi phạm trong thời gian dài, để hình thành thói quen chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông.
"Tương tự như việc nghị định 100/2019 về xử lý vi phạm nồng độ cồn, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm... việc xử lý các vi phạm tại nghị định 168/2024 sẽ được duy trì liên tục, xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết.
Trước mắt từ nay tới 14-2, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tập trung thực hiện nghiêm đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội đầu xuân 2025.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm đối với tài xế, lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo lực lượng thực thi phải thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cán bộ, chiến sĩ thực thi nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và ngành công an.
Một số hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... lực lượng chức năng sẽ ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình, xử lý người vi phạm.
Đối với phạt nguội, lực lượng chức năng sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản.
Với phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách hệ thống giám sát sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý. Đồng thời nếu người vi phạm còn băn khoăn, trung tâm giám sát sẽ gửi clip cho cảnh sát tại chốt để thông báo và cho người vi phạm theo dõi, quan sát.
Ngoài ra, để tăng ý thức chấp hành của tài xế về xử lý phạt nguội qua camera, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định: Chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Đồng thời từ chối kiểm định phương tiện vi phạm khi chủ phương tiện chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Tới đây Cục Cảnh sát giao thông cho biết trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ Công an theo đề án 165, sẽ được khánh thành và do đơn vị này trực tiếp quản lý.
"Đây là trung tâm lớn, được trang bị công nghệ hiện đại. Từ đây sẽ chuyển trạng thái đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác của cảnh sát giao thông từ thủ công sang hướng ứng dụng công nghệ", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết.
Trong hai ngày đầu áp dụng nghị định 168, cảnh sát giao thông toàn TP.HCM đã xử phạt gần 3.300 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 1.200 xe máy, 29 phương tiện khác và tước giấy phép lái xe của gần 650 trường hợp... với số tiền xử phạt hơn 12 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận