14/02/2019 18:09 GMT+7

'Sữa dừa khoe ngực to' bị chê là quảng cáo láo

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Tung quảng cáo sữa dừa (nước cốt dừa) ‘giúp ngực đầy đặn hơn’, một công ty nổi tiếng ở Trung Quốc đang nhận nhiều búa rìu dư luận. Vụ việc nghiêm trọng đến mức nhà chức trách nước này đã vào cuộc.

Sữa dừa khoe ngực to bị chê là quảng cáo láo - Ảnh 1.

Các quảng cáo sữa dừa với những khẩu hiệu cuốn hút cùng người mẫu có vòng 1 "khủng" - Ảnh: WEIBO

Năm 2017, Coconut Palm - công ty sản xuất sữa dừa nổi tiếng ở miền nam Trung Quốc - từng phát động một chiến dịch quảng cáo gây nhiều sự chú ý. Họ tung một loạt quảng cáo với khẩu hiệu uống sản phẩm của họ "sẽ cho bạn làn da trắng hơn, vòng 1 to hơn, nhiều đường cong hơn".

Năm 2019, hãng này đã trở lại và "lợi hại hơn xưa"! Họ tung ra một loạt khẩu hiệu hấp dẫn hơn và khiến khách hàng "sốc toàn tập".

Ngoài tung quảng cáo trên truyền hình cho thấy các cô gái xinh đẹp chạy nhảy trên bãi biển và đọc to các câu như "Uống từ nhỏ tới lớn", Coconut Palm còn cho ra các quảng cáo in với nhiều câu nói cuốn hút để câu khách hàng.

"Mỗi ngày một ly, bạn sẽ có thân hình hấp dẫn, trắng hơn và tròn trĩnh hơn", "Uống nhiều sữa dừa hơn mỗi ngày giúp ngực đầy đặn hơn" là các khẩu hiệu đi kèm hình ảnh những cô gái ngực "khủng" mặc các trang phục bó sát giúp tôn vòng 1.

Sữa dừa khoe ngực to bị chê là quảng cáo láo - Ảnh 2.

Coconut Palm quảng cáo rằng sữa dừa của họ có thể giúp vòng 1 của phụ nữ to ra - Ảnh: WEIBO

Tưởng chừng chiến dịch quảng cáo này sẽ nhận được phản ứng tích cực và thu hút được nhiều khách hàng, Coconut Palm nào ngờ họ đã trở thành tâm điểm chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua.

Tuần này, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự thất vọng với cách quảng cáo của hãng này, theo trang Sup China. "Họ đang cố gắng bán thức uống thật sao? Quảng cáo này chẳng khác nào một công ty đang bán các sản phẩm nâng ngực", một người dùng Weibo chỉ trích.

Một người dùng Weibo khác chia sẻ: "Điều này cho thấy sức mạnh của quảng cáo. Xem quảng cáo này xong, tôi không muốn uống đồ của hãng này nữa!".

Trong khi đó, một người dùng khác bày tỏ sự thất vọng khi một thương hiệu uy tín như Coconut Palm lại dùng cách tiếp thị phản cảm như vậy: "Thương hiệu lâu đời như thế mà vẫn cần những thứ quảng cáo này!".

Trang web của Coconut Palm cho biết loại "sữa dừa" hay nước cốt dừa của cônh ty này được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến với thành phần gốc là những quả dừa trồng ở tỉnh Hải Nam. Loại thức uống này có chứa chất béo, protein, 17 loại axit amin, các nguyên tố như canxi, sắt…

Coconut Palm cho biết sản phẩm này hiện được bán tại Trung Quốc cùng hơn 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Coconut Palm ngoài ra cũng có nhiều sản phẩm khác như nước dừa nguyên chất, nước ép thơm, trà hoa cúc mật ong…

Các quảng cáo của Coconut Palm hồi năm 2017 - Nguồn: Youku

Mạng xã hội Trung Quốc cũng tràn ngập dòng hashtag "Quảng cáo sữa dừa khiến tôi nôn mửa" sau quảng cáo của Coconut Palm.

Theo báo SCMP, sau khi xem các quảng cáo trên, nhiều người còn đặt ra nghi vấn liệu sữa dừa của Coconut Palm có thật sự chứa các thành phần giúp ngực to ra hay không.

Câu chuyện quảng cáo phản cảm càng nóng hơn khi hôm qua (13-2), Cục Quản lý công thương thành phố Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam cho biết họ đã mở một cuộc điều tra nhằm vào Coconut Palm, với cáo buộc tung quảng cáo có nội dung thô tục và sai lệch.

Coconut Palm - có trụ sở tại tỉnh Hải Nam của Trung Quốc - sản xuất sữa dừa từ năm 1988. Công ty này được thành lập năm 1956, ban đầu sản xuất lon nhôm.

Đối với nhiều công ty tại Trung Quốc, việc sử dụng hình ảnh các cô gái nóng bỏng để quảng cáo đã trở thành một chiêu trò phổ biến nhằm thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, không ít công ty nhận trái đắng khi thử "trò mạo hiểm" này. Năm 2017, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Juewei Duck Neck ở nước này đã bị phạt 600.000 nhân dân tệ (88.750 USD) vì các quảng cáo "khêu gợi tình dục".

Quảng cáo Korea, nhưng 99,3% sản phẩm Mumuso từ Trung Quốc Quảng cáo Korea, nhưng 99,3% sản phẩm Mumuso từ Trung Quốc

TTO - 99,3% sản phẩm chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso của Hàn Quốc bán tại Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc dù quảng cáo chữ KOREA (Hàn Quốc).

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên