24/05/2019 10:08 GMT+7

Sự tử tế bị đánh cắp

THÁI HOÀNG
THÁI HOÀNG

TTO - Giả khổ để xin tiền từ những người có thể còn nghèo hơn mình, giả tật nguyền, lỡ đường với những câu chuyện thật giả khó lường… cũng để xin tiền.

Sự tử tế bị đánh cắp - Ảnh 1.

Một nhóm người thường xuyên có mặt trên cầu Ông Lãnh, TP.HCM vào ban đêm để xin tiền, thức ăn từ những người hảo tâm - Ảnh: T.T.D.

Kiếm tiền bằng sự dối lừa, lười lao động đang đánh cắp sự tử tế và lòng thương cảm của người đời.

Chia sẻ hay không? Tử tế với ai, trong những trường hợp nào? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời, nhất là khi chúng ta chưa thể biết đâu là sự thật. Bạn chọn cách nào trong những tình huống này?

Bạn chọn cách ứng xử nào với những người này?

1 Tôi vẫn hay làm "xe ôm miễn phí" cho người đi lỡ đường, nhiều khi chở họ đến tận chỗ làm. Đoạn đường đi cùng nhau có khi chỉ một vài cây số nhưng những câu chuyện, chia sẻ của họ có khi thành bài học quý, là động lực cho tôi.

Trưa 21-5, trời nắng như đổ lửa, đi xe máy trên xa lộ Hà Nội đoạn thuộc P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM, tôi thấy một thanh niên đầu đội mũ bảo hiểm, vai khoác túi vải đang đi bộ, thỉnh thoảng ngoảnh lại mong có người cho đi nhờ xe. Tôi mời cậu lên xe. Trên chặng đường hơn 10km, cậu kể một câu chuyện dài và cho biết sẽ phải đi bộ từ TP.HCM về Nha Trang.

Có thể tóm tắt như sau: cậu 29 tuổi, quê Nha Trang, trước đây làm nghề đánh bắt cá ở Nha Trang. Sau đó, cậu được chủ tàu chuyển sang làm cho một chủ tàu cá ở Kiên Giang. Làm từ tháng 6-2018 tới nay nhưng chủ không trả lương. 

Khi gặp tôi, cậu ấy đã đi bộ một tuần từ Kiên Giang đến TP.HCM, ai cho gì ăn nấy. 

Tôi hỏi vì sao không đón xe về ngoài ấy rồi gọi người nhà đến trả tiền, cậu trả lời rằng đã hỏi nhưng các nhà xe không chịu. 

Tôi lại hỏi sao không làm tạm phụ hồ để có tiền xe về thì cậu bảo bị chủ tàu giữ giấy tờ, bắt làm thêm mấy tháng nữa, điện thoại thì bị hư...

Tôi nửa tin nửa ngờ, định hỏi đến cùng sự thật. Cũng đã vài lần tôi phải nghe "người đồng hành" kể những lời giả dối. Nhưng lại nghĩ có khi mình vô tình làm tổn thương người khác và giúp ai điều gì nên làm cho trọn. 

Đến gần cầu Đồng Nai - nơi cậu có thể xin xe đi tiếp, còn tôi rẽ đường khác, tạm biệt nhau, tôi gửi lời chúc cậu may mắn và tặng ít tiền uống ly nước, ăn bữa cơm. Tôi vẫn tin, trên thực tế, có nhiều trường hợp từng rơi vào hoàn cảnh như cậu khi bị quỵt tiền công.

Và rồi ngay hôm sau, 22-5, tôi được gặp lại "người quen" cũng trên đoạn đường tôi đã chở cậu đi qua, đoạn ngay P.Long Bình, Q.9 (giáp thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cũng với dáng điệu hôm trước.

2 Cách đây chưa lâu, một lần đi qua cầu Đồng Nai, tôi thấy một phụ nữ trạc 50 tuổi đi xe Chaly màu trắng đứng phía đầu cầu vẫy tay. Nghĩ chị cần sự giúp đỡ, tôi dừng xe hỏi thăm. Chị nói xe hết xăng mà tiền chẳng có. Tôi gửi chị vài chục ngàn đồng để đủ đổ xăng về nhà. Tôi lên xe đi và thấy chị ta vẫn tiếp tục xin người khác. 

Mấy hôm sau, đi đường khác, qua cầu vượt Sóng Thần, tôi thấy chị ta với chiêu cũ. Tôi dừng lại, hỏi thử, vẫn là chiêu xe hết xăng. Tôi nhắc lại việc gặp nhau ở cầu Đồng Nai: "Chị đừng lợi dụng lòng tốt của người khác. Còn khỏe mạnh, cần kiếm tiền bằng sức lao động của mình". Chị lên xe, chạy đi.

Chiêu xin tiền đổ xăng sau này đã thành cũ nhưng nhiều người vẫn dùng, vẫn bịa ra những "nỗi khổ" để nhận tiền từ lòng tốt của người khác. Cũng như những con người lười lao động, những kẻ chăn dắt người già, trẻ em, người khuyết tật đang lợi dụng lòng tốt của người đi đường. Sự tử tế của bao người đã bị lợi dụng, đã bị đánh cắp. 

Giờ đây, mỗi lần ra đường chúng ta thường dễ bắt gặp những hình ảnh như thế. Khó phân biệt được thật giả. Nếu cho tiền là dung dưỡng và tiếp tay thói xấu. Ngược lại, vẫn không khỏi áy náy khi nghĩ họ đang cần được giúp đỡ.

Có bao nhiêu người khơi gợi cảm thương, khiến người khác mủi lòng vì câu chuyện thật giả khó đoán của mình. Với tôi, từ ngày thêm chiếc mũ bảo hiểm chở người đi lỡ đường, tôi gặp khá nhiều câu chuyện tương tự. Và đây không phải lần đầu tôi gặp lại "cố nhân", những người chọn cách giả làm người nghèo khổ lỡ đường thay vì với thời gian đó, họ có thể chọn cho mình một việc để lao động.

Hai việc phải làm

Chuyện "cho tiền người ăn xin" không mới, nhưng chuyện người ăn xin chuyên nghiệp ngửa tay nhận tiền từ những người nghèo hơn mình (Tuổi Trẻ 23-5) là một hiện tượng cần suy nghĩ.

Người đi xin cũng lành lặn, cũng khỏe mạnh, cũng (có thể) xuất thân từ một làng quê nào đó, vì sao người ta đến quê nghèo để xin đồng tiền từ những người nghèo hơn mình? Có nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ ở nhiều đô thị mọi người đã tỉnh táo hơn với nạn "giả khổ xin tiền", trong khi ở các làng quê mọi chuyện còn khá mới và lòng hảo tâm sẵn có, khiến người nghèo mấy cũng sẵn lòng chia sẻ một ít tiền cho người có vẻ như nghèo khó hơn mình.

Không thể đánh đồng rằng tất cả người ăn xin đều không đáng cho tiền bởi việc chia sẻ với ai, cách này hay cách khác, suy cho cùng là một nghĩa cử có giá trị nhân bản. Hành động cho tiền những người nghèo khổ không dừng lại ở việc giúp đỡ nhằm thỏa mãn tâm lý chia sẻ, mà qua hành động cho đi ấy thì tình thương, lòng trắc ẩn được nuôi dưỡng. Điều này rất quan trọng với xã hội. Vì thế, ứng xử với chuyện ăn xin, tôi nghĩ cần phải cân nhắc và chọn cách ứng xử phù hợp.

Và chúng ta chọn cách ứng xử nào với những người ăn xin "chuyên nghiệp" này? Khó có thể kêu gọi mọi người không cho tiền người ăn xin. Những người giả khổ vốn đã bất chấp mọi chuyện, có phát loa kêu gọi bên tai hay treo bảng cấm trước mắt cũng không thành vấn đề với họ. Tương tự như chuyện ở các thành phố lớn có hẳn những đợt tuyên truyền và thu gom người ăn xin, quá nhiều vụ giả khổ xin tiền triệu được đăng tải... cũng không mấy tác dụng.

Nghĩ tận cùng vấn đề, có hai việc phải làm: tự mỗi người xóa nghèo bằng lao động và luật pháp liên quan chuyện này phải được thực thi, nhiệm vụ của chính quyền là phải phát hiện các hành vi "kinh doanh ăn xin" để xử lý đến nơi đến chốn.

KHÁNH HƯNG

Sự tử tế khiến chúng tôi yêu Việt Nam Sự tử tế khiến chúng tôi yêu Việt Nam

TTO - Hỏi nhiều người nước ngoài về ấn tượng tốt đẹp của họ khi đến Việt Nam thì hầu như tất cả đều nói lòng tốt, sự tử tế của người dân là điều tuyệt vời, mang dấu ấn đậm nét.

THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên