22/10/2019 13:47 GMT+7

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Nam Cao viết truyện Chí Phèo từ nhiều con người thật sống ở làng Đại Hoàng. Dù pha quyện hư cấu, đổi tên nhân vật, tên làng, nhưng ngòi bút hiện thực của nhà văn tài hoa vẫn làm cho người làng biết chắc viết về ai...

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Hồng và cuốn sách viết về người cha Nam Cao - Ảnh: THÁI LỘC

Những nhân vật trong tác phẩm của cha tôi đều là các nguyên mẫu ở ngay trong gia đình, trong xóm ngoài làng, gần gũi thân thương với cha tôi.

Bà TRẦN THỊ HỒNG

Làng thực của Chí Phèo

Ghé làng Đại Hoàng (Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, bối cảnh làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo) giữa trưa nắng gắt, tôi theo tấm biển chỉ đường tìm đến nhà Bá Kiến trong một con hẻm.

"Nhà Bá Kiến" trong tưởng tượng nguy nga lắm, nhưng xem ra chỉ ngang ngôi nhà nông thôn bậc trung ngày nay. Người giữ nhà Trần Thị Hương cho hay đây là nhà xưa của ông nghị Bính - nguyên mẫu Bá Kiến trong truyện Chí Phèo, được ngành văn hóa Nam Định mua lại giao chị trông nom.

Mộ nhà văn Nam Cao hướng ra cái ao rộng ven đường tỉnh 972, xây bằng đá, gắn di ảnh và khắc hai đoạn trích "quan niệm sáng tác".

Ông Trần Hữu Vịnh, 70 tuổi, giới thiệu về người chú họ mình: "Cái tài của Nam Cao là viết rất thật và sinh động về những câu chuyện có thật ở làng Đại Hoàng này, không bôi đen, tô hồng".

Ông nói tiếc lắm cái lò gạch cũ vốn là nơi ở của Chí Phèo đã bị phá vào năm 1962 vì nằm ngay sát đường lớn và cạnh mặt nước Châu Giang...

Quay sang tôi, ông Vịnh khoe làng mình sở hữu hai đặc sản lừng danh: cá kho và chuối ngự. Giống chuối nổi tiếng của làng càng trở nên đặc biệt nếu trong khu vườn nơi đặt mộ nhà văn, vốn là vườn xưa của nguyên mẫu Lão Hạc.

Rồi ông thao thao về món cá kho Đại Hoàng, rằng cũng do làng xưa nghèo khó, người làng làm lụng vất vả quanh năm mà chưa đủ cái ăn. Tết đến, chẳng có gì ngoài cá trong ao, vậy là người làng chế biến sao cho đặc biệt, vừa để dâng cúng tổ tiên, vừa để con cháu hưởng lộc dài ngày.

Trong sự tự hào, ông mách nước bí quyết kho cá rất đặc biệt được truyền nối bao đời: cá trắm đen thả ao nhiều năm để nguyên vảy, cắt khúc, ướp với nước chanh tươi cô đặc lẫn riềng, gừng và nước mắm cua đồng...

Sau gần một ngày đêm kho liu riu trên bếp, miếng cá ngả vàng, săn chắc, xương giòn tan, ăn không chừa thứ gì...

"Cha nghe mẹ tôi kể lại"

Lần theo chỉ dẫn của ông Vịnh, chúng tôi ngược lên Hà Nội tìm đến bà Trần Thị Hồng, người con gái đầu của cố nhà văn Nam Cao sống trong hẻm phố Minh Khai (Q.Đống Đa). Bà nói rất tự hào về tài năng nhưng ngậm ngùi về sự khốn khó một thời của cha.

Mẹ lấy cha 18 năm thì qua đời, có năm mặt con. Cha đi công tác suốt năm, lâu lâu mới về, ở ít hôm rồi lại đi nên sống cùng vợ con rất ít. Người con gái thứ ba qua đời ít lâu nhà văn mới biết. Ngay người con trai út Trần Hữu Thực cũng chưa từng gặp mặt cha.

Nhà văn - liệt sĩ Nam Cao hi sinh năm 1951, khi bà Hồng 13 tuổi. Bà may mắn được sống cùng mẹ Trần Thị Sen cho đến khi mẹ mất vào năm 2002, nên được nghe kể rất nhiều chuyện xưa về cha, cả đời sống riêng tư lẫn ngóc ngách các tác phẩm.

Nhờ vậy, bà viết nên sách Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao với rất nhiều câu chuyện hấp dẫn, lý thú.

Bà cho biết: "Mỗi khi đọc những tác phẩm cha viết, tôi cứ hình dung rõ từng con người một sống ở làng mình, từ ông bà, chú bác, cô dì, hàng xóm, bản thân cha, mẹ, và cả tôi ở trong đó nữa...".

Bà Hồng khẳng định nhân vật ông giáo Thứ và Liên chính là cha và mẹ trong truyện Sống mòn. Truyện Mua nhà cha viết chuyện thật của chính mình, mua của ông Luân, bán do vợ chết và hai người con đang ốm.

Còn Lão Hạc là cụ trùm Duyên, một hàng xóm của "ông giáo" - chính là nhà văn. Truyện Dì Hảo thì nhân vật chính là bà Thảo, vợ ông quản Phượng trong làng. Riêng truyện Quét nhà, nhà văn viết về chính bà Hồng lúc 5 tuổi.

Ngoài thay tên đổi họ hay hư cấu vài chi tiết, rất nhiều nhân vật được nhà văn giữ nguyên tên tuổi lẫn sự việc, tính cách khi viết.

Tôi nêu thắc mắc nhà văn ít ở quê, làm sao bê cả hiện thực của làng Đại Hoàng vào truyện như thế được?

"Cha nghe mẹ tôi kể lại. Cha tôi không mấy khi ở làng, nhưng hằng năm cũng có kỳ nghỉ, về nhà ít bữa hoặc có khi vài tháng. Mẹ tôi sống ở quê nên nắm bắt được rất nhiều chuyện, kể lại cho cha tôi nghe" - bà Hồng trả lời ngay.

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời - Ảnh 3.

Khu nhà được viết là của Bá Kiến - Ảnh: THÁI LỘC

3 Chí Phèo, 2 Thị Nở

Nhiều người dân Đại Hoàng vẫn còn kể vanh vách về những con người thật được đưa vào truyện Chí Phèo. Rằng Chí Phèo là sự "tổng hợp" của ba người đàn ông, Thị Nở dựa trên hai người phụ nữ.

Bà Hồng khẳng định: "Trong ba người mà cha tôi chọn để xây dựng nhân vật Chí Phèo thì hai ông vẫn sống ở làng cho tới lúc già mới mất, ông còn lại đi biệt tích chứ không đâm chém với Bá Kiến như cha tôi viết".

Theo đó, làng xưa có người tên Chí, mổ lợn giúp người ta không đòi tiền mà chỉ xin phèo và rượu nhấm nháp. Khi say lảo đảo, ông không "rạch mặt ăn vạ" mà thường tìm lều chợ để ngủ, hễ ai hỏi đi đâu thì ông luôn nói "đi phèo", ý là đi ngủ. Do vậy, người làng gọi luôn tên Chí Phèo.

Ông Chí không lấy vợ, nhưng khoảng cuối thập niên 1930 thì có với bà bán trứng trong làng một người con trai đặt tên Rụ, có vợ và sinh hai con gái. Ông Chí về sau bỏ làng biệt xứ.

Người thứ hai tên là Trinh, vốn là đứa trẻ được nhặt từ cái lò gạch trong làng, có vợ và đàn con. Người này "uống rượu nhiều như người ta uống nước, mỗi khi say thường chửi trời, chửi mọi người và ăn vạ".

Người thứ ba tên Đào, chính là lực điền đi ở cho ông chánh Bính ở làng. Đào từ thanh niên hiền lành, sau khi bị tù, trở về làng sa vào rượu chè và tính tình ngỗ ngược.

Về hai nguyên mẫu Thị Nở, người thứ nhất đúng tên Trần Thị Nở, nhà văn gọi là mợ.

"Bà Nở là con một ông chuyên đóng cối xay thóc trong làng, bề ngoài xấu xí, tính tình dở hơi, vô tâm và dễ ngủ; sau khi lấy ông trùm Đào thì trở thành mợ của cha tôi" - bà Hồng kể.

Người thứ hai là Trần Thị Thìn: "Cô Thìn mặt ngắn, mũi to, da sần sùi, vừa xấu vừa dở tính nên không lấy được chồng, bị bệnh mất năm 1960".

Riêng về ông chánh tổng Trần Duy Bính - nguyên mẫu Bá Kiến - còn sống đến sau năm 1945, về sau có nhiều con cháu tham gia kháng chiến hoặc thành đạt ở nhiều nơi...

Được biết, tại làng Đại Hoàng, ông Rụ, con trai của ông Chí, khi qua đời để lại hai người con gái. Một người đi lấy chồng xa, một người hiện có chồng con sống ở làng.

Tôi hỏi đường tìm đến nhà người này thì tất cả đều khuyên nên bỏ ý định vì là chuyện tế nhị, có đến cũng không cho gặp, thậm chí có thể mắc phiền toái. Theo lời ông Trần Hữu Vịnh: "Dù có thật đi nữa, nhưng ai lại đi nhận mình là con cháu Chí Phèo bao giờ".

Bút danh Hoàng Cầm của nhà thơ Bùi Tằng Việt là tên loại thuốc đắng như mật. Tìm về chốn xưa trong thơ, chiếc lá diêu bông mà người con gái ấy đã tìm cũng có vị đắng ngắt...

Kỳ cuối: Lá diêu bông và vị đắng tình


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn

TTO - Mái nhà rêu phong, hoang lạnh giữa mảnh vườn um tùm cây cối đang là nơi thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn. Nơi ấy vẫn vẳng tiếng xình xịch những chuyến tàu đến rồi đi và 'Hai đứa trẻ' đầy hoài niệm của Thạch Lam...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên