21/10/2019 11:17 GMT+7

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Mái nhà rêu phong, hoang lạnh giữa mảnh vườn um tùm cây cối đang là nơi thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn. Nơi ấy vẫn vẳng tiếng xình xịch những chuyến tàu đến rồi đi và 'Hai đứa trẻ' đầy hoài niệm của Thạch Lam...

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn - Ảnh 1.

Cụ Nguyễn Thanh Đạm và khu vườn xưa hoang tàn của Tự Lực văn đoàn - Ảnh: THÁI LỘC

Tôi biết khu vườn của mình rất đặc biệt, gắn liền với dòng văn học nổi tiếng của đất nước. Tôi đã 92 tuổi, mười năm nay phải rời nó để về ở với con cháu nên buộc để hoang tàn, xót lắm mà đành chịu.

Cụ Nguyễn Thanh Đạm

Vườn xưa hoang lạnh

Vườn xưa Tự Lực văn đoàn, cửa khóa kín, trên có tấm biển nhỏ "Nơi lưu niệm Tự Lực văn đoàn 1932 - 1942" hướng ra tuyến đường sắt xưa cũ mà nhà văn Thạch Lam đã đi vào lòng người với tác phẩm Hai đứa trẻ

Tôi gọi số điện thoại treo ở cửa, chờ cụ Nguyễn Thanh Đạm, chủ nhân khu vườn ở cách đó mấy trăm mét, đến mở cổng. Bước trên đám lá khô rải đều lối đi hẹp giữa một bên là tường nhà loang lổ rêu phong, một bên là hàng cây bụi lâu ngày không được tỉa tót, cảm xúc tràn trề...

Khu vườn hoang lạnh đầy lá khô và cỏ dại, rợp bóng mít, nhãn và cây cổ thụ. Áng thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn đặt giữa ngôi nhà ba gian. Bốn bức tường bong tróc, loang lổ vôi trát được treo nhiều ảnh tư liệu và tác phẩm văn chương. Những vệt rêu chạy dài theo đường nứt nẻ, mấy rễ cây xuyên tường đâm xuống như phủ dấu một thời đã qua...

Cụ Đạm cho biết khu nhà đất ngày xưa của gia đình họ Nguyễn Tường vốn rất rộng, đến khoảng 3 mẫu, ở từ mấy đời trước. Thời thuộc địa, ông Phán Nhu, tức Nguyễn Tường Nhu, thân sinh nhà văn Thạch Lam, làm quan huyện, chuyển sang Lào công tác rồi mất bên ấy. Khu nhà trở thành trại văn Tự Lực văn đoàn, nơi thường xuyên đón các văn nhân đương thời về hoạt động sáng tác.

Khi Tự Lực văn đoàn lùi vào quá khứ, khu nhà được nhượng cho ông Nguyễn Văn Thiệp, lúc đó là trưởng ga Cẩm Giàng. Khoảng năm 1980, ông Đạm đã mua khu nhà với giá 8 triệu đồng khi ông Thiệp chuyển lên làm việc ở Hà Nội.

Thực ra, ngôi nhà hiện nay chỉ mới được xây dựng khoảng cuối thập niên 1970. Ông Trần Quang Thông, một nhà nghiên cứu địa phương, cho hay khu trại Tự Lực văn đoàn xưa "hàng dãy dài, có nhà nghỉ, nhà tạ hóng mát". Tất cả bị phá hủy trong đợt tiêu thổ kháng chiến giữa thập niên 1940. Nền móng còn lại cũng bị bom phá giai đoạn Mỹ oanh tạc miền Bắc. Dấu tích duy nhất còn lại là cái ao vuông, vốn được người mẹ tảo tần Lê Thị Sâm tổ chức đào đất làm gạch để nuôi bảy người con dòng họ Nguyễn Tường.

Đêm Cẩm Giàng

Cẩm Giàng đêm thanh vắng, thi thoảng mới có chiếc xe máy vụt qua giữa hai dãy phố đóng cửa im lìm dưới ánh điện hiu hắt. Ngã ba đường vào ga Cẩm Giàng có chút sinh động: quán nước bên này dăm người xem phim chưởng, quán bên kia một nhóm thanh niên í ới chuyện trò. Đường vào ga tối om, chó sủa liên hồi. Sân ga rất tối, chỉ thấy lờ mờ mấy quán xép phủ bạt, cửa đóng. Tôi chạy xe máy men theo đường Thạch Lam, đi ngang trước vườn Tự Lực văn đoàn để tiến vào sân trong nhà ga. Bóng tối đen đặc, chỉ có ba chấm đỏ tín hiệu đường sắt, tiếng chó sủa um, vắng đến rợn người.

Nhân viên trực chạy tàu Nguyễn Văn Anh rất ngạc nhiên trước người lạ xuất hiện. Anh cho biết chuyến tàu khách cuối cùng đã qua ga trước đó gần hai tiếng, tức tàu Hải Phòng đi Hà Nội ghé lúc 20h05, cũng là lúc những người khách cuối cùng rời ga. Nhà ga này hiện có tám chuyến/bốn đôi tàu khách đến và đi. Ngày thường khách lèo tèo, cuối tuần, lễ lạt có thể đông đến vài ba chục người. Anh Nguyễn Văn Anh quê ở Lương Tài, Bắc Ninh, làm việc tại Cẩm Giàng từ năm 2014.

Anh kể sau hơn nửa tháng đầu làm việc, tình cờ đi ngang trông thấy tấm biển nhỏ giới thiệu nhà xưa Tự Lực văn đoàn đặt trên cổng ngôi nhà vắng. Anh giật mình, quá đỗi bất ngờ vì chỗ làm việc của mình ngay sát nơi ở của Thạch Lam và không gian truyện Hai đứa trẻ từng mê mẩn thời học phổ thông. Những đêm trực một mình, anh chợt nhớ đến câu chuyện của An và Liên trong mạch văn trong trẻo, nhiều xúc cảm lay động lòng người. Rồi anh nghĩ đến khu vườn đã đi vào lòng người ấy giờ đang tối tăm, hoang lạnh mà ngậm ngùi...

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn - Ảnh 3.

Bàn thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn nơi bức tường mốc meo - Ảnh: THÁI LỘC

Chuyện đường Thạch Lam

Trong các tuyến phố có tên ở Cẩm Giàng, điều ngạc nhiên nhất là chỉ phố Thạch Lam đặt theo tên người. Ông Thông nói rất vinh dự thực hiện "bước đi dũng cảm" khi đặt tên đường Thạch Lam vào năm 1996. 

Trước đó, khi bàn chuyện đặt tên đường, nhiều người đề nghị đặt theo tên các danh nhân lớn như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Là phó bí thư Đảng bộ phụ trách văn hóa, ông nêu quan điểm: "Nhà người ta giàu có thì Mộng Điệp, Ánh Tuyết. Còn mình chân quê, nếu chăn trâu cắt cỏ thì cứ cái Tí, cái Tẹo mà đặt, phải làm sao gắn với truyền thống địa phương".

Hội đồng thống nhất đặt tên Độc Lập cho tuyến đường chính, kỷ niệm Cẩm Giàng tách ra thành đơn vị hành chính độc lập. Đường Vinh Quang thì kỷ niệm sự kiện giành chính quyền, cả huyện Cẩm Giàng được giải phóng. Đường Thanh Niên nhằm ghi công thế hệ thanh niên khôi phục thị trấn sau chiến tranh...

Khó nhất vẫn là con đường nối từ đường Độc Lập vào vườn xưa Tự Lực văn đoàn, ông Thông đề xuất tên Thạch Lam với lý do: kỷ niệm dòng họ Nguyễn Tường từng sinh sống tạo nên dòng văn học lớn ngay tại quê hương. 

Tất nhiên, ông chưa dám nghĩ đến một cái tên khác trong Tự Lực văn đoàn, mà chỉ nghĩ đến Thạch Lam bởi "cuộc đời nhà văn tròn trịa, cũng là một đại diện xứng đáng, và rất nhiều tác phẩm khởi nguồn từ cuộc sống trên chính mảnh đất này". Hồi ấy, tuyến đường mòn này bằng đất nhỏ, chỉ dài khoảng 300m, mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa bị nước đọng buồn tênh...

Từ ngày có đường Thạch Lam, người địa phương "mạnh dạn xen lẫn tự hào hẳn lên", khi nhắc đến các tác giả, tác phẩm, thậm chí nhiều người bàn bạc "cần phải làm gì đó" để tôn vinh Tự Lực văn đoàn ngay trên chính mảnh vườn xưa. Chính quyền thị trấn Cẩm Giàng tổ chức "bước đệm" với hai cuộc tọa đàm tại địa phương: Văn chương Tự Lực văn đoàn với thị trấn Cẩm Giàng và Văn chương Thạch Lam với thị trấn Cẩm Giàng.

Đến tháng 5-2008, cũng tại thị trấn này, hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy cố trạch của Tự Lực văn đoàn được tổ chức, thu hút nhiều tên tuổi nổi tiếng tham gia. Hội thảo đã làm sáng rõ hơn nội dung: thị trấn Cẩm Giàng là quê hương các nhà văn trụ cột của Tự Lực văn đoàn, đồng thời là "quê hương" của nhiều tác phẩm thuộc dòng văn học vàng son một thuở...

Nam Cao viết Chí Phèo từ nhiều con người thật sống ở làng Đại Hoàng. Dù pha quyện hư cấu, đổi tên người, tên làng, ngòi bút hiện thực của nhà văn vẫn làm dân làng biết chắc viết về ai...

Tháng 2-2012, quy hoạch chi tiết công viên Tự Lực văn đoàn được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt. Kèm theo là dự án xây dựng quần thể khu biểu trưng văn hóa, nhà văn hóa, thư viện, hội trường, nhà khách, nhà ẩm thực và các công trình phụ trợ, trên diện tích gần 2,4ha (toàn bộ khu vườn và khu vực lân cận) với tổng vốn gần 60 tỉ đồng.

Tuy nhiên vì nhiều lý do mà dự án trên vẫn "treo lơ lửng" đến nay trong sự nóng ruột mong chờ của nhiều người.

____________________________

Kỳ tới: Có 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 7: Đi tìm vợ chồng A Phủ Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 7: Đi tìm vợ chồng A Phủ

TTO - Chuyện về "Vợ chồng A Phủ" trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài đối với người Hồng Ngài vẫn như một huyền thoại.


THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên