20/10/2019 14:56 GMT+7

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 7: Đi tìm vợ chồng A Phủ

VŨ TUẤN - THÁI LỘC
VŨ TUẤN - THÁI LỘC

TTO - Chuyện về "Vợ chồng A Phủ" trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài đối với người Hồng Ngài vẫn như một huyền thoại.

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 7: Đi tìm vợ chồng A Phủ - Ảnh 1.

Hang A Phủ ở Hồng Ngài được viết là nơi A Phủ trú lánh - Ảnh: THÁI LỘC

A Phủ ở đâu?

Người Mông ở Hồng Ngài bảo, ngày xưa, xưa lắm, A Phử (nguyên mẫu của nhân vật A Phủ) với Mỉ (nhân vật Mị) chạy trốn khỏi nhà thống lý ở xã Hang Chú, sang Hồng Ngài cùng huyện Bắc Yên, Sơn La.

Họ sống ở hang Thông, tức thông qua một đỉnh núi ở Hồng Ngài, rồi theo kháng chiến. Hang Thông giờ được gọi là hang A Phủ. Chính quyền xã đã mở lối đi để khách du lịch tham quan.

Chúng tôi đến xã Hồng Ngài, "quê hương" của nhân vật trong truyện Vợ chồng A Phủ, thuộc huyện Bắc Yên. Chủ tịch xã Mùa A Chồng bảo người cao tuổi trong bản vẫn kể chuyện A Phử (tức A Phủ trong truyện) dám chống lại thống lý, giúp cách mạng, giúp người Mông đòi được đất, không phải làm phận con trâu, con ngựa.

Theo ông, A Phử và Mỉ đã đến Hồng Ngài, phát cây làm nương, lên rừng đuổi con hổ, con trăn, không cho nó bắt dê của dân bản. Lâu lắm rồi, chuyện A Phử chỉ được kể bên bếp lửa trong những ngày đông.

A Phử giờ ở đâu? Con cháu ra sao? Ông Chồng lắc đầu: "Ngày xưa chiến tranh, không ai dám nhận con cháu A Phử cả. Quan Pháp biết được, nó bắt. Hòa bình rồi, có một vài người nhận nhưng việc xác minh rất khó".

Chỉ tay lên núi cao trước ủy ban xã, ông tỏ vẻ nắm rõ chuyện: Ngày xưa A Phử dẫn Mỉ chạy theo sống núi, đến khi hết núi, nơi có con suối lớn đổ vào sông Đà thì dừng lại dựng lán để ở. Nơi ấy giờ là bản Lung Tang - bản cuối cùng của xã Hồng Ngài. Đến Lung Tang là hết đường, con ngựa cũng không qua được suối.

Ông Chồng kể tiếp hồi đó, bên bờ suối ấy có hai người tay chân của thống lý đến tận nơi tìm A Phử. Chúng là người Tàu, biết võ, thống lý thuê để đi bắt A Phử.

Hai bên đánh nhau bên bờ suối. A Phử vốn rất khỏe, đánh nhau với hai người. Người Mông không biết kết quả bên nào thắng, chỉ thấy cây cỏ bên suối chết rạp vì bị quần nát. Cả ba sang bên kia suối Bàu, từ đó không ai có tin tức về A Phử nữa.

Con đường hơn 20km từ trung tâm xã đến bản Lung Tang vắt vẻo trên đỉnh núi, hai bên vực sâu hút mắt. Người Lung Tang bảo trong bản có người là con cháu A Phử, giờ vẫn còn sống. "Nó là Lầu A Lia, cháu nội của Lầu A Phử. Giờ nó già hơn 60 tuổi rồi, nhưng nó khỏe như con trâu to của bản" - Mùa Thị Súa, một người trong bản, nói.

A Lia đã là một trong những người cao tuổi ở bản, nhưng còn khỏe, rắn rỏi như hòn đá núi. A Lia uống cạn bát rượu rồi kể với khách: "Ông nội tên là Lầu A Phử, nghe bố A Lia kể lại thì ông A Phử quê gốc ở Tà Xùa, sang Hồng Ngài lập bản. Ông A Phử có cái bụng thẳng như cây thông trong rừng.

Ngày xưa khổ lắm, không có cái nhà tốt để ở, không có ruộng, không có cái ăn. Nghe các cụ bảo, bọn phìa, bọn thống lý lại bắt nộp thuế, đi lính. Không có tiền nộp thì nó đánh. Cách mạng về, các cụ đi theo nên mới được sống như giờ". A Phử giúp cách mạng và sau này làm cán bộ xã Hồng Ngài.

Ông Mùa A Chồng cũng xác nhận ông A Phử ở bản Lung Tang chỉ có nhiều điểm giống với A Phử chứ không phải nguyên mẫu nhân vật A Phủ của Tô Hoài. Bởi lẽ, Lầu A Phử và Mỉ quê Tà Xùa, vẫn còn mồ mả người thân bên đó, chứ không phải quê Hang Chú như trong truyện...

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 7: Đi tìm vợ chồng A Phủ - Ảnh 2.

Cụ Đinh Tôn là người kể chuyện cho nhà văn Tô Hoài viết Vợ chồng A Phủ - Ảnh: THÁI LỘC

Người kể chuyện cho Tô Hoài

"Tôi chính là nhân vật A Châu, cũng là người kể chuyện cho anh Tô Hoài để viết nên truyện Vợ chồng A Phủ" - cụ Đinh Tôn nói ngay khi chúng tôi lần được manh mối và tìm đến ngôi nhà sàn gỗ ở tiểu khu 2, thị trấn Bắc Yên, Sơn La.

93 tuổi, nhanh nhẹn và minh mẫn, cụ Tôn kể chuyện mấy mươi năm trước mà tươi mới như đang diễn ra trước mắt. Tháng 8-1950, Đinh Tôn được phân công làm bí thư chi bộ 99 - một đơn vị hành chính tại Bắc Yên ngày nay. Lúc ấy, vùng đất này có vị trí trọng yếu chính trị lẫn quân sự. Nhiệm vụ của Tôn là xây dựng đội du kích, tuyên truyền người dân...

Để chuẩn bị thành lập Khu tự trị Thái - Mèo (Mông), đầu thập niên 1950, ông Đinh Tôn biết tiếng Mông được phân công điều tra nguồn gốc, đời sống dân tộc Mông trong vùng. "Ngày đó, điều tra để biết họ đến từ đâu, ăn ở, sinh hoạt như thế nào? Rồi cuộc đấu tranh sinh tồn của họ với thiên nhiên, đấu tranh chống phong kiến, giai cấp...".

Trong cuộc điều tra này, ông được một người Mông tên Giàng A Cở kể lại câu chuyện Lầu A Phử - một chàng trai Mông mạnh khỏe ở xã Hang Chú (cách Hồng Ngài hơn 20km). A Phử và Mỉ muốn lấy nhau nhưng thống lý Mùa Giảng Cở không cho.

Gã còn lấy cớ bắt vạ, bắt A Phử phải ở đợ trả nợ. Không chịu áp bức, A Phử và Mỉ dắt nhau trốn về Hồng Ngài. Chưa có nhà, chưa có ruộng, đôi trai gái sống tạm ở hang Thông, trên đỉnh một ngọn núi ở bản Hồng Ngài...

"Hồi đó, anh Tô Hoài lên làm việc, vì tôi biết tiếng Mông nên lãnh đạo huyện cử dẫn anh đi trong khoảng một tháng. Tôi kể anh nghe rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện A Phử và Mỉ. Ít lâu sau thấy có truyện gửi lên huyện xem qua, và sau đó thì cử đoàn lên làm phim Vợ chồng A Phủ, tôi cũng là người dẫn đoàn đi" - cụ Đinh Tôn kể.

Nhưng cụ cũng không biết nhiều hơn về chuyện A Phử và Mỉ sau này. Bởi khi cụ nghe Giàng A Cở kể chuyện thì họ đã chết nhiều năm trước đó. Sau này, cụ Tôn có ý gặp lại để hỏi chuyện thì ông Cở cũng đã qua đời.

Cũng theo cụ Tôn, truyện của Tô Hoài khi đưa lên huyện xem trước, nhân vật lấy nguyên tên họ Lầu A Phử và thống lý Mùa Giảng Cở. Lãnh đạo huyện và ông Tôn đề nghị nhà văn điều chỉnh vài chi tiết, trong đó gọi chung chung là A Phủ - nhân vật tiêu biểu cho thế hệ đấu tranh chống phong kiến.

Còn thống lý Mùa Giảng Cở trước đó tàn ác, nhưng sau nghe theo cách mạng và ủng hộ rất nhiều. Cái tên Pá Tra được đề nghị thế vào có nguyên mẫu là thống lý rất tàn ác ở Mù Cang Chải (Yên Bái), sau cách mạng chạy dạt sang Lào làm thổ phỉ.

Ngoài ra, trong truyện của Tô Hoài, vợ chồng A Phủ gặp đội trưởng du kích A Châu ở Hồng Ngài, được tuyên truyền theo cách mạng chính là chi tiết nhà văn hư cấu.

Bởi lẽ, A Châu chính là cụ Đinh Tôn. Còn nguyên mẫu A Phử và Mỉ, theo cụ Tôn, thì họ đã chết trước Cách mạng Tháng Tám (1945) khá lâu trước khi Đinh Tôn được nghe người ta kể chuyện để rồi kể lại cho Tô Hoài viết...

"Câu chuyện của A Phủ, Mị trong cuộc đấu tranh với thống lý tàn ác đều có thật, do chính tôi thu thập từ thực tế và kể lại cho anh Tô Hoài viết nên truyện Vợ chồng A Phủ. Tất nhiên, nhà văn có thay đổi, hư cấu một số điểm cho phù hợp với hoàn cảnh lúc ấy, kể cả việc lấy tôi làm nguyên mẫu cho nhân vật A Châu trong đó" - cụ Đinh Tôn.

Mái nhà rêu phong, hoang lạnh giữa mảnh vườn um tùm đang là nơi thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn. Nơi ấy vẫn vẳng tiếng xình xịch những chuyến tàu đến rồi đi và Hai đứa trẻ đầy hoài niệm của Thạch Lam...

_________________________________

Kỳ tới: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 6:  Sự thật ở thôn Vỹ Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 6: Sự thật ở thôn Vỹ

TTO - “Sao anh không về chơi thôn Vỹ? - Nhìn giá nhà lên giá đất lên - Vườn ai tuốt luốt sâu trong hẻm - Sáng mở mắt ra hóa mặt tiền…”.


VŨ TUẤN - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên