15/10/2019 11:55 GMT+7

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 2: Xà nu - lễ vật hôn nhân

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Người dân xã Xốp, huyện Đắk Glei, Kon Tum sống giữa trùng điệp núi rừng Vườn quốc gia Ngọc Linh, dùng cây thông ba lá làm củi, đèn thắp sáng và làm cả lễ vật hôn nhân linh thiêng...

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 2: Xà nu - lễ vật hôn nhân - Ảnh 1.

Tranh sơn mài cụ A Mết được con cháu thờ - Ảnh: THÁI LỘC

Con cháu cụ Mết

Đó chính là cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc). Địa danh gắn liền bối cảnh "làng Xô Man" xưa, nơi hoạt động của cụ Mết, một nhân vật giàu tình cảm và hùng tráng, có thật giữa đời thường...

Ngược sơn cước những ngày mưa bão mịt mờ, người đầu tiên tôi tìm gặp là ông Đinh Như Rươn ở thị trấn Đắk Glei. Ông nói ngay: "Bố tôi là Đinh Môn, còn gọi A Mết, người Tà Rẻ (còn gọi T’rẻ, Giẻ, được xếp thuộc dân tộc Giẻ Triêng - PV), nhân vật trong truyện Rừng xà nu".

Gợi chuyện xưa, ông cho biết cha mình từng là thủ lĩnh đồng bào trong chiến tranh chống Pháp. Sau Hiệp định Genève 1954, cụ Mết dẫn người vợ đầu Y Roal và con trai Đinh Như Rươn (2 tuổi) tập kết ra Bắc.

Năm 1959, đau đáu nhớ núi rừng và cuộc sống ở "làng Xô Man", cụ Mết được về quê xưa, để lại mộ phần người vợ cùng con trai đang học hành đất Bắc.

Cụ Mết được giao làm bí thư Huyện ủy H30 cho đến ngày thống nhất 1975. Năm 1976, khi H30 và H40 sáp nhập thành huyện Đắk Glei, A Mết tiếp tục làm chủ tịch MTTQ huyện cho đến về hưu năm 1980.

Ông cụ mất năm 2000, thọ 87 tuổi. Đến ngày 27-4-2012, cụ được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Rươn lớn lên, theo học ngành y và công tác ở các bệnh viện miền Bắc, sau chuyển vào Kon Tum làm giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei cho đến khi về hưu.

Hiện ông ở cùng con trai Đinh Quốc Tú đang công tác tại cơ quan cũ của ông. Ông Rươn khoe với tôi về kỷ vật còn lại là cây kiếm mà người cha luôn đeo bên mình.

Kiếm dài hơn bảy tấc, lưỡi thép nhọn hoắc, bao gỗ bọc da, trang trí bằng những đường diềm đan dây mây trông rất ấn tượng. Di ảnh A Mết trên bàn thờ là một bức tranh sơn mài rất có thần thái, được giới thiệu do cụ Đỗ Mười tặng trước đây...

Vào "làng Xô Man"...

Từ đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh, tôi theo con đường xuyên qua Vườn quốc gia Ngọc Linh để đến làng Xốp Nghét của xã Xốp (huyện Đắk Glei).

Ngôi làng với dãy nhà nhỏ ven đường ngoằn ngoèo theo khe suối chạy dài giữa thung lũng này thường được đồng nhất với "làng Xô Man", quê hương của cụ A Mết trong truyện ngắn Rừng xà nu.

Chiều mưa sơn cước, gặp các cụ già Xốp Nghét bên bếp lửa rừng thiêng, tôi nghe kể nhiều về A Mết lãnh đạo dân làng vừa kiên cường qua hai cuộc kháng chiến, vừa rất giàu tình cảm. Họ tâm sự rằng rất tin A Mết, kể cả sau chiến tranh A Mết xuất hiện, lên tiếng là làm theo.

Thực ra, bối cảnh "làng Xô Man" trong truyện Rừng xà nu ở cách làng Xốp Nghét hiện nay rất xa.

Tác giả Văn Công Hùng tìm thăm bối cảnh làng xưa cùng chính nhà văn Nguyên Ngọc cho biết đã không tìm ra làng. Bởi làng xưa cách Xốp Nghét ngày nay chừng 70 cây số. Việc di chuyển do tập quán du canh du cư, hoàn cảnh chiến tranh cùng nhiều nguyên nhân khác.

Ông A Thảo, phó bí thư Đảng ủy xã Xốp, cũng dẫn lời các cụ ngày xưa cho rằng giai đoạn chiến tranh, người Tà Rẻ (của cụ A Mết) sống cách địa điểm hiện nay rất xa, sau đó chuyển đến khu vực suối Nước Rùi giáp vùng núi các xã Mường Hoong và Ngọc Linh (cùng huyện Đắk Glei) sinh sống.

Mấy chục năm trước, họ lại tách ra, một nhóm chuyển về ven suối Đắk Nghét lập làng Xốp Nghét. Số ở lại thì nay là làng Xốp Dùi...

Bên chiếu rượu lừng thơm mùi đại ngàn, tôi trò chuyện với A Mếp, người con trai thứ của cụ Mết đang sống trong căn nhà nhỏ ven bờ suối Đắk Nghét.

Mếp nói mẹ mình là Y Rinh, năm 1960 được cha mình cưới làm vợ hai và sinh ba người con đều sinh sống ở làng Xốp Nghét.

A Mếp vừa chỉ đám người đang đứng chuyện trò, vừa giới thiệu về ba người con của mẹ mình: "Đây là Y Bang, chị gái mình có hai người con. Mình là con thứ hai của mẹ, cũng có được hai đứa. Sau mình còn có em trai là A Phim, hắn đẻ bốn đứa con".

Cũng theo lời A Mếp, sau khi mẹ anh mất, cha Mếp lấy vợ ba là Y Múi, sinh thêm em trai A Rơn. Y Múi cũng đã qua đời và A Rơn đang sống cùng vợ con ở làng Xốp Dùi, cách Xốp Nghét chừng 3 cây số. A Mếp tâm sự toàn bộ con cháu cụ Mết sống ở xã Xốp không ai làm cán bộ, tất thảy đều gắn với vườn rẫy...

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 2: Xà nu - lễ vật hôn nhân - Ảnh 2.

Con cháu A Mết dưới tán rừng xà nu - thông ba lá - Ảnh: THÁI LỘC

Lễ vật hôn nhân

Từ trước đến nay, vài ý kiến cho rằng xà nu chính là cây thông ba lá - loại cây tự nhiên từng mọc bạt ngàn trong không gian truyện ngắn Rừng xà nu.

Trong khi một số ý kiến khác lại cho rằng tên gọi ấy không chính xác, thậm chí có tác giả sau chuyến thực địa đã nghi ngờ nhà văn... bịa chuyện.

Ông A Thảo, phó bí thư Đảng ủy xã Xốp, khẳng định tên gọi xà nu của nhà văn có liên đới với cách gọi loại cây thông ba lá của người Giẻ Triêng.

"Người Giẻ Triêng gọi cây thông ba lá khi còn sống là loong xinu, khi đã chết thành củi rồi thì gọi là xinu. Cây xinu ngày nay ít đi chứ ngày xưa cả rừng bạt ngàn" - ông Thảo kể thêm xưa kia trong rừng sâu không lấy đâu ra dầu, người ta lấy sợi kim loại cuộn 2-3 vòng treo giữa nhà rồi đặt mấy thanh xinu, đốt lên thắp sáng cho cả nhà.

Khi trai gái thành vợ thành chồng thì xinu không thể thiếu trong quà biếu của nhà gái "đáp lễ" cho nhà trai.

Trong khi đó, một "nhánh" của Giẻ Triêng là người Tà Rẻ lại gọi cây thông ba lá là t’nủ, cũng là lễ vật nên vợ chồng.

Ông Đinh Như Rươn diễn giải rành mạch phong tục hôn nhân người Tà Rẻ của mình. Rằng thịt chuột núi vẫn là thứ quan trọng nhất trong hôn nhân, phải cho đôi lứa ăn mới thành vợ chồng, mới được động phòng.

Song t’nủ là thứ không thể thiếu trong số quà biếu nhà gái đáp lễ nhà trai khi cưới hỏi. Tục truyền từ xa xưa theo câu ca: "Con đi trước t’nủ theo sau".

Ông Rươn say sưa kể về dịp cưới gần đây của người cháu gái Y Tuyết gọi ông bằng cậu, tức cháu ngoại cụ Mết. Khi Y Tuyết về nhà chồng, phía nhà trai đưa sang rất nhiều sính lễ, gồm mấy chục cái gùi, giỏ và nia tre, nhiều thịt, cá suối, heo, bò, bột ngọt và muối...

Về phía nhà gái, từ cả tháng trước già trẻ kéo nhau lên núi cao tìm chặt gần 100 khúc t’nủ dài hơn nửa mét đem về phơi khô. Số t’nủ kia trở thành lễ vật của nhà gái hồi đáp cho nhà trai, kèm mấy chục bó củi dẻ, gạo xay, bánh nếp, măng rừng, củ kiệu và một số loại cây gia vị.

"Khi có t’nủ rồi, nhà trai mới tổ chức tiệc cưới. Số t’nủ ấy, sau được nhà trai chia đủ cho anh em họ hàng, chẳng khác nào sự thể hiện chung vui của cả dòng tộc" - ông Đinh Như Rươn diễn giải.

Và loài cây bạt ngàn trong truyện Rừng xà nu nổi tiếng là thế, vừa gần gũi vừa linh thiêng với tộc người sơn cước...

Nghe hỏi "Cô bé nhà bên" là ai? Nhà thơ Giang Nam bất ngờ nói: "Đó là vợ tôi". Và câu thơ "đau xé lòng anh chết nửa con người" trong bài Quê hương đã chảy máu con tim như thế nào?

Lửa tình yêu

"Thông ba lá người Giẻ Triêng gọi là xinu, dùng để chụm lửa và thắp sáng ban đêm cho người dân. Khi đôi trai gái lấy nhau thành vợ chồng, nhà gái dùng xinu làm quà biếu đáp lễ cho nhà trai. Nhưng chỉ những cây thông ba lá nào chứa hàm lượng nhựa nhiều, khi khô mới gọi là xinu. Không phải cây thông nào cũng gọi tên như vậy" - ông A Thảo, phó bí thư Đảng ủy xã Xốp, tâm sự.

Kỳ tới: Đi tìm "Cô bé nhà bên"

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên