Gạo được bày bán ở thủ đô Colombo của Sri Lanka - Ảnh: Guardian
Bên cạnh dịch bệnh và tổn thất về du lịch, cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka cũng bao gồm nhiều vấn đề như chính phủ chi tiêu nhiều hơn, thất thu do giảm thuế, trả nợ cho Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Trong khi đó, lạm phát leo thang do chính phủ in tiền để trả nợ trong lẫn ngoài nước.
Vào tháng 10-2021, Ngân hàng Thế giới ước tính hơn 500.000 người ở Sri Lanka rơi vào đói nghèo do COVID-19, tương đương bước lùi 5 năm của chương trình xóa nghèo.
Lạm phát của Sri Lanka tăng kỷ lục 11,1% trong tháng 11-2021 và giá cả hàng hóa tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình không mua nổi những món hàng phục vụ nhu cầu cơ bản. Dù Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế, cho phép quân đội tham gia bảo đảm bình ổn giá, tình hình vẫn rất khó khăn.
"Rất khó để tôi trả nợ khi còn phải trả hóa đơn điện, nước và mua đồ ăn. Tôi chẳng còn đồng nào cả", tờ Guardian dẫn lời anh Anurudda Paranagama sống ở thủ đô Colombo nói, cho biết anh đã phải làm 2 việc nhưng gia đình anh vẫn phải giảm từ ăn 3 bữa xuống còn 2 bữa mỗi ngày. Tại khu anh ở, các món như bột sữa, đậu được bán theo gói 100g vì không nhiều người mua nổi gói lớn.
Anh Anushka Shanuka, một người có mức sống thoải mái trước đại dịch, cũng than thở rằng tình hình trở nên khó khăn hơn. "Chúng tôi không thể sống như trước đại dịch", anh nói về việc giá rau củ đã tăng hơn 50%.
Chồng lên những điều đó là khoản nợ khổng lồ mà Sri Lanka đang mang. Nước này đang nợ Trung Quốc 5 tỉ USD và năm ngoái phải vay thêm 1 tỉ USD để đối phó với khủng hoảng tài chính.
Trong 12 tháng tới, Sri Lanka sẽ phải trả khoản nợ đáo hạn lên đến 7,3 tỉ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của nước này hiện còn khoảng 1,6 tỉ USD.
"Đất nước này sẽ hoàn toàn vỡ nợ", ông Harsha de Silva, một chính trị gia đối lập và nhà kinh tế của Sri Lanka, cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận