Khoản vay từ Trung Quốc được dùng để trả cho 41km đầu tiên của đường cao tốc nối Serbia. Dự án dự kiến hoàn thành cách đây 2 năm, nhưng vẫn dở dang vào thời điểm hiện tại và phải gia hạn đến tháng 11-2021 - Ảnh: AFP
Năm 2014, Montenegro vay vốn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc nối thành phố cảng Bar với Serbia.
Vào thời điểm đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều cho rằng dự án đường cao tốc này không khả thi về mặt thương mại. Một số tờ báo cũng chỉ ra đây là đường cao tốc "dẫn tới hư vô", chỉ ra các bài học nhãn tiền là những nước nghèo đi vay Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp các cảnh báo, Montenegro vẫn kiên quyết vay 1 tỉ USD từ Trung Quốc. Khoản nợ gốc và lãi tương đương 1/5 GDP của đất nước vào năm 2019, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Khó khăn trong việc trả nợ đã đẩy Montenegro một lần nữa nghiêng về EU dù chưa bao giờ là một thành viên của khối này. Mỹ cũng vào cuộc và đứng sau EU trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.
Hôm 8-7, Bộ trưởng Tài chính Montenegro, ông Milojko Spajic, đã không giấu được sự vui mừng khi đất nước của ông đạt được một thỏa thuận với 2 ngân hàng Mỹ và 1 ngân hàng của Pháp.
"Với sự giúp đỡ từ các đối tác Mỹ và châu Âu, lãi suất cho khoản vay Trung Quốc đã giảm từ 2% xuống còn 0,88%", ông Spajic thông báo nhưng từ chối cho biết các ngân hàng đã giúp Montenegro.
Việc điều chỉnh lãi suất dự kiến sẽ giúp Montenegro tiết kiệm được 8 triệu euro (khoảng 9,5 triệu USD) mỗi năm. Thỏa thuận giữa Montenegro với các ngân hàng được công bố chỉ vài giờ sau cuộc gặp giữa ông Spajic với phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Matthew Palmer tại thủ đô Podgorica.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Montenegro, ông Palmer đã khuyên Podgorica hướng về EU và "khuyến cáo Montenegro thận trọng" trong các giao dịch kinh doanh với Trung Quốc.
Một phần dự án đường cao tốc Montenegro đi vay từ Trung Quốc - Ảnh: AFP
Vì sao EU chìa tay giúp?
Việc Montenegro mắc nợ Trung Quốc đã trở thành một vấn đề nóng ở EU, theo báo SCMP. Từ chỗ mặc kệ, EU đã tìm cách giúp Podgorica trong bối cảnh một số nước chỉ trích khối này xem thường các nước thành viên thuộc khu vực Tây Balkan.
Hiện vẫn chưa rõ EU có vai trò gì trong thỏa thuận giúp Montenegro điều chỉnh lãi suất khoản vay Trung Quốc. Nhà phân tích Stefan Vladisavljev (Serbia) nhận định Brussels có thể đã tác động để gửi thông điệp đến các nước thành viên Tây Balkan rằng khối này vẫn xem trọng họ.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Vuk Vuksanovic (Serbia) cho rằng việc EU ra tay cứu Montenegro nhằm giữ thể diện và ngăn chặn chiến dịch mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
"Nếu EU không hỗ trợ Montenegro về khoản nợ của mình, họ sẽ gửi tín hiệu tới các nước Balkan rằng khu vực này không phải là ưu tiên của Brussels", ông Vuksanovic nêu quan điểm với báo SCMP.
Theo giới quan sát, những gì đang xảy ra với Montenegro sẽ không ngăn được các nước nhỏ ở châu Âu đến với Bắc Kinh, trừ khi phương Tây có các đề nghị hấp dẫn hơn.
"Các quốc gia Balkan sẽ tiếp tục để mắt đến các cơ hội hợp tác với Trung Quốc, miễn là rủi ro không quá cao và có thể kiểm soát được", ông Vuksanovic nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận