09/04/2012 10:16 GMT+7

Sống trong vựa lúa vẫn nghèo

MỄ THUẬN - QUANG VINH(còn tiếp)
MỄ THUẬN - QUANG VINH(còn tiếp)

TT - Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa, vựa cây ăn trái lớn nhất nước. Thế nhưng nhiều nông dân ở đây lại rất nghèo. Không chỉ những gia đình không có ruộng phải đi làm thuê nên nghèo mà ngay cả các hộ có ruộng đất sản xuất cũng khó khăn không kém.

NHrpowfF.jpgPhóng to

Ông Đo đang chăm sóc bà Bé, vợ ông, vừa bị chấn thương cột sống do trượt chân té khi đi bán xôi - Ảnh: Mễ Thuận

Tháng 4, chúng tôi đi xuyên ruột vùng Tháp Mười (Đồng Tháp - Long An). Lúa chính vụ đông xuân bạt ngàn, lúa đầy đồng, đầy sân, bội thu. Thoạt nhìn cảnh ngày mùa chộn rộn thật náo nhiệt, nhưng khi chạm hỏi nông dân thì lại gặp những cái lắc đầu buồn thiu.

Làm lớn thất lớn

Trên con đê lộ ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), vợ chồng ông Lê Văn Đá (Ba Đá) đang dọn dẹp lại đống lúa chuẩn bị bữa cơm chiều. Khi ăn cơm, vợ ông hỏi chuyện giá lúa, ông lắc đầu huơ tay: “Thôi tạm quên vụ giá lúa đi, tới đâu hay tới đó, lo cũng không được gì. Chuyện với không tới! Bà nói với sắp nhỏ chờ vài ngày nữa tui kiếm được việc làm sẽ gửi tiền học cho nó!”. Vợ ông từ tốn: “Làm gì thì làm phải bán lúa trả nợ, hồi đầu vụ đã hứa gặt lúa xong sẽ bán trả cho người ta mà”. Ông Đá dù không muốn thất hứa nhưng cũng phải chống chế: “Lúa rớt giá, nợ dây chuyền với nhau mà, biểu người ta thông cảm chờ vài bữa coi đài nói giá cả sao rồi hãy tính. Thôi bà ăn đi!”. “Nhưng không bán lúa lấy đâu tiền gửi cho con Hai học trên Sài Gòn?”- vợ ông hỏi dồn. Ông Ba Đá nhìn vợ trấn an: “Nó không sao đâu, bà quá lo!”.

Bữa cơm sau ngày mùa từ câu chuyện giá lúa và nợ nần giữa những người trong gia đình xem ra đầy trăn trở. Xong bữa cơm, bà ôm chén ra sau hè, ông ngồi rít thuốc miên man.

Đang lúc miên man buồn, ông mới kể sự tình, nhà có hai đứa con, đứa lớn đang học ở Sài Gòn, đứa nhỏ lớp 9, đã biết đi giăng câu soi ếch. 20 năm trước vợ chồng ông theo cha mẹ về Tháp Mười mua 5 công đất (một công tương đương 1.000m2) làm lúa. Hai đứa em bà con cũng theo ông vào vùng Tháp Mười mua đất khai hoang, trồng mùa nào trúng mùa đó. Dân cư lúc đó thưa thớt, môi trường thuận lợi, không như bây giờ rớ vào cái gì cũng tiền.

Ông Đá kể: “Thời trước lỡ khi lúa có thất giá, tụi tui cũng không bị nợ bủa vây như bây giờ, vẫn còn nhẹ lo. Còn hiện nay giá vật tư leo thang từng ngày, vụ sau tăng hơn vụ trước 5-10%. Nắng hạn, mưa lũ và sâu bọ cũng dữ dội hơn, trong khi nhu cầu con cái ăn học ngày một nhiều. Sức lực của vợ chồng tui đâu được như 20 năm về trước... Trong tình cảnh ấy, nông dân có 5 công đất hay 10 công cũng vậy, làm lớn thất lớn, rất khó có dư”.

“Ông có đến 5 công đất, chỉ có hai đứa con, nhà lại gần lộ lẽ nào khổ như vậy. Ông có nhậu nhẹt đề đóm đàn đúm gì không?” - chúng tôi hỏi. Ông Đá không né tránh, nói: “Không. Tui chỉ mê đọc sách nhân tâm thôi, nhưng lâu lắm rồi đâu có thời gian đọc. Đi làm về rêm mình mẩy chỉ muốn ngả lưng. Nói thật trồng lúa đôi lúc tui cũng nản chí, nhưng không buông tay. Ý tui muốn nói là cuộc sống của người nông dân lương thiện đang khó chịu lắm. Ngoài việc làm nông ra, đi làm mướn, chăn nuôi, mua bán lặt vặt, suy nghĩ nát nước rồi tui đâu biết làm gì nữa. Nếu trồng lúa mà biết chắc cuối vụ dư ra bao nhiêu, thế mới vui. Đằng này, đó, ăn cơm cũng thấy đắng!”.

Nhiều nông dân có đất trồng lúa, tuổi 40 trở đi cũng có những suy tư, bức xúc giống như ông Đá, nhưng ít ai có triết lý nhân quả đắng - đau sâu sắc với nghề tay lấm chân bùn thời buổi hiện nay như ông.

Ngày ăn hai bữa

Trồng 5 công lúa, vụ nào cũng trúng mùa, lại nuôi heo, bán xôi, làm mướn không ngơi tay, vậy mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Đo (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bé (62 tuổi) ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vẫn không có tiền nuôi ba đứa con ăn học. Hiện con gái út học trung cấp y tế ở Cần Thơ, anh kế học ĐH Đồng Tháp ngành ngân hàng, anh lớn học ngành xây dựng ở ĐH Cửu Long (Vĩnh Long).

Khi chúng tôi đến, ông Đo vừa đi xin cặn cơm về cho heo ăn. Vợ ông cũng vừa bán xong xề xôi bước vào nhà. Đàn heo đói ăn kêu ỏm tỏi, căn nhà rộng tuênh nhưng trở nên ngột ngạt bức bối khi chúng tôi lỡ hỏi đến nợ nần và đất đai.

Bà Bé giãi bày: “Trồng lúa đạt năng suất, đúng kỹ thuật, một cọng cỏ trong ruộng cũng không có vậy mà lúa vẫn rớt giá hoài. Bây giờ nhà tui đang lâm nợ mấy chục triệu đồng. Nợ thì ráng cày để trả, chứ nhà nông thì không thể bán đất. Cũng không thể bắt tụi nhỏ nghỉ học vì như thế bị bà con cười chê là đẻ con ra mà không chu toàn cho con”.

Ông Đo trấn an vợ: “Bây giờ tui vẫn vác thùng xịt lúa mướn 20kg trên vai được, vẫn đi đào đất mướn trường kỳ trong mùa lũ, vẫn có thể sớm tối đi xin cặn cơm về nuôi heo. Bà cũng chèo xuồng đi bán xôi được. Còn sức thì còn làm tới đâu hay tới đó, có chủ nợ nào đến xiết nhà đâu mà sợ”.

Sợ vợ chưa yên tâm, ông Đo lại chìa hai bàn tay cụt móng do ngâm nước quá nhiều khi đi xắn đất mướn trong sáu tháng mùa lũ, nói tiếp: “Mình chịu khổ mấy cũng được, miễn sao mấy đứa con học tới nơi tới chốn”. Nghe chồng nói, bà Bé vẻ mặt buồn so, tự an ủi mình: “Cũng trông cho ngày mau qua để mấy đứa con sớm ra trường đi làm có tiền phụ giúp cha mẹ trả nợ”.

Không khí nợ nần bao trùm ngôi nhà khiến vợ chồng bà Bé quên cả bữa cơm chiều mà bà thường gọi là cơm lửng. Lửng vì ăn lỡ bữa, thay vì ngày ăn ba bữa, nhưng hai vợ chồng bà đã gói lại còn hai. Một vào giữa buổi sáng và một giữa buổi chiều. “Tiền đâu mà ăn ba bữa, từ mấy năm qua vợ chồng tui đã nhín ra một bữa cho các con rồi”- ông Đo thật thà nói.

Từ ngày các con học chuyển lên THPT, vợ chồng ông Đo đã phải vay ngân hàng 20 triệu đồng. Số tiền ấy nhiều năm nay chưa thể trả tiền gốc. Cái sổ đỏ cứ xoay vòng ở ngân hàng. Mỗi lần đáo sổ là lại một lần tốn kém những “khoản tiền không tên”. Hiện mỗi quý vợ chồng ông lại nặng lo vì phải chạy cho đủ 2 triệu đồng tiền lãi, phải chu cấp 2-3 triệu đồng cho ba con ăn học.

“Từ huề đến lỗ”

Ông Nguyễn Văn Thượng (nông dân ấp 2, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) có hơn 1ha ruộng. Ông cho biết với năng suất lúa như hiện nay, một vụ ông thu được 12 tấn lúa. Nhưng giá lúa ngày 5-4 chỉ còn 3.800-4.000 đồng/kg, coi như từ huề tới lỗ. Bởi công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ cỏ, trị bệnh, công thu hoạch, vận chuyển quá tốn kém. Trong đó, riêng công máy cắt lúa vụ vừa qua đã đội lên hết 500.000-600.000 đồng/công đối với lúa bị ngã rạp. Thu hoạch 1ha lúa hết vài triệu đồng. Không có sức lao động để lấy công làm lời thì người dân trồng lúa không thể có lãi. Nếu gia đình nào phải nuôi con học đại học thì xem như chỉ còn cách vay nợ hoặc làm thêm nghề khác mới lo nổi.

MỄ THUẬN - QUANG VINH(còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên