23/08/2015 10:45 GMT+7

​“Sống sướng hơn dân, coi sao được”

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Nghe tin thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn qua đời (Tuổi Trẻ ngày 20-8 đưa tin “Vĩnh biệt vị tướng làm ngoại giao”), khi ấy tôi đang đi công tác tỉnh xa.

Cảm giác thật ngậm ngùi khi không kịp về thắp hương tiễn ông lần cuối. Hai năm trước, tôi có dịp trò chuyện với ông khi thực hiện loạt bài “Bên trong trại Davis”. 

Nhìn trang phục giản dị ông mặc, trông những vật dụng trong nhà quá đỗi đơn sơ và nghe giọng nói nhẹ nhàng, hiếm ai nghĩ đó là vị tướng từng giữ cương vị trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, có mặt lâu nhất ở trại Davis và là chứng nhân đến ngày cuối của chính quyền Sài Gòn.

Lần đầu tôi tìm ông trong căn hộ cũ kỹ, khoảng 50m2 ở khu chung cư Miếu Nổi đã xuống cấp gần bờ kênh Nhiêu Lộc.

Tôi lên xuống, tìm tới lui mãi vẫn chưa được, vì phòng nào cũng nhỏ bé, nước sơn phai tróc màu thời gian giống nhau. Cuối cùng, tôi phải hỏi người giữ xe.

Anh ta cũng ngờ ngợ: “Tướng nào nhỉ? Có phải bác Tuấn bị hư một mắt?”. Tôi gật đầu, đúng là ông, người được báo chí Sài Gòn gọi là “độc nhãn tướng quân”, vì ông bị hư một mắt trong một trận đánh năm 1945.

Xung quanh con mắt hỏng vì chiến trận đó, tôi cũng được nghe người nhà của liệt sĩ Nguyễn Bá kể rằng chính ông là người lao lên chụp lấy quả lựu đạn của giặc vừa ném sang ngay chỗ ông Bá để ném trả lại.

Quả lựu đạn vừa ném đi chưa xa thì phát nổ khiến ông mất một mắt, nhưng đồng đội Nguyễn Bá thì thoát chết (ông Bá sau này hi sinh trong một trận đánh khác).

Chưa hết, khi tiến hành phẫu thuật con mắt hư, thuốc mê gần hết, ông quyết nhường lại cho một chiến sĩ dưới quyền và bảo mình nhẹ hơn! Về hưu, ông đã chọn lối sống giản dị, thậm chí là túng thiếu và chan hòa như bao nhiêu người dân bình thường.

Suốt nhiều buổi trò chuyện, ông nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, dứt khoát giải mã cho tôi nghe bí ẩn bên trong trại Davis. Ông nói rất nhiều, kể rất nhiều về các tướng lĩnh Trần Văn Trà, Đoàn Huyên, Nguyễn Đôn Tự, Võ Đông Giang... mà hầu như không nhắc gì đến mình.

Hỏi mãi, vị tướng “độc nhãn” mới trả lời: “Bạn hãy viết về người khác, tôi chỉ làm nhiệm vụ thôi mà, có gì đâu để kể công”. Cuối cùng, tôi đành phải tìm hiểu về ông thông qua các đồng đội của ông.

Tính ông là thế, khiêm tốn, nhưng cũng quyết liệt làm cho ra trắng đen khuất tất. Bạn ông kể khi ông đi làm đại sứ tại Ấn Độ đã “đụng” với nhiều người. Ông không chấp nhận mỗi cán bộ sứ quán được ở phòng riêng mà phải ghép chung, để san sẻ phòng cho sinh viên du học.

Ông cũng phản đối đổi ngoại tệ có phần hoa hồng, thế là “đụng” tiếp. Về sau, có lần vào thăm ông ở Bệnh viện 175, tôi hỏi lại chuyện này.

Ông trả lời: “Trong khi đồng bào còn thiếu cả khoai mì, bo bo độn cơm, thì cán bộ mà sống sướng hơn dân coi sao được”...

Trên bước đường nghề nghiệp, tôi may mắn gặp được không ít tướng lĩnh như thế. Trải qua nhiều chiến tích, nhưng họ đã chọn cuộc sống hòa cùng đồng bào mà không đòi hỏi lợi danh hay con đường đặc biệt nào cho con cái.

Họ sống lặng lẽ, khiêm tốn nhưng luôn cháy lòng với vận mệnh dân tộc. 

Sinh - lão - bệnh - tử. Con người ai cũng phải trải qua cung đường đó. Những vị tướng lĩnh đáng kính cũng thế. Chỉ có điều là người đời sẽ nhớ mãi các ông.

Lòng dân có các ông không phải từ các ngôi sao trên vai, mà vì các ông đã đi qua chiến cuộc và sống như thế nào trong cõi đời này... 

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên