Phóng to |
Sáng 4-5, có mặt tại thôn Phước Thuận, chúng tôi chứng kiến cả trăm xe ben ồ ạt ra vào công trường. Con đường dẫn vào thôn bị cày nát, bụi bay mù trời.
Ô nhiễm, bỏ hoang ruộng vườn
Hai bên đường, dù mới hơn 7g sáng nhưng người dân phải đóng cửa kín mít để tránh bụi. Cây trái trong vườn bị phủ màu trắng. Càng vào sát công trường khai thác đá, tiếng còi hú, máy cắt đá ầm ầm vang lên dưới cái nắng ngột ngạt khiến bầu không khí tại đây như đặc quánh, bức bí vô cùng.
Ông Trần Tình, tổ 3, than thở: “Người dân đã quá quen với cảnh bụi bám đầy nhà suốt nhiều năm qua. Ăn cơm cũng phải đóng cửa vì chỉ cần một đoàn xe chạy ngang qua là phủ kín bụi”. Hỏi vì sao trong làng không thấy bóng dáng trẻ con, ông Tình chua chát: “Đa số bà con ở đây có con nhỏ thì nhốt trong nhà hoặc gửi chỗ khác đến tối mới đón về. Ở đây, trẻ em sống không nổi với tiếng mìn và khói bụi nên thường mắc các bệnh hô hấp, viêm da...”.
Theo ông Trần Trung, một người dân sống lâu năm ở Phước Thuận, cực hình nhất là vào thời điểm giữa trưa, lúc các công trường khai thác nổ mìn phá đá. Khi người dân đang thiu thiu ngủ thì bị đánh thức bởi những tiếng nổ chát chúa, rền trời. Trẻ con mới sinh mỗi lần nghe nổ mìn khóc ré lên vì hoảng sợ. Cuộc sống của người dân trong thôn vì vậy cứ nhốn nháo, xôn xao theo từng đợt phá đá bằng thuốc nổ. “Mỗi lần như vậy đất đá bay vèo vèo, nhà cửa cứ rung lên như động đất. Bụi với mùi thuốc nổ hòa vào nhau bay xuống phủ kín làng, không tài nào thở được” - ông Trung nói.
Không chỉ chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, đá rơi..., cuộc sống người dân nơi đây còn rơi vào ngõ cụt khi cánh đồng lúa màu mỡ bị bồi lấp. Cứ mỗi lần trời mưa là nguồn nước trên núi Phước Thuận chảy xuống các cánh đồng Hồ Tràu, Hồ Bạc mang theo một lượng lớn đất đá khiến những mảnh ruộng tại đây không thể sản xuất được. Ông Trần Ngọc Đương - tổ 4, người có ba trong bốn sào ruộng đã bị bỏ hoang - cho biết những cánh đồng này từng là nguồn thu nhập chính nuôi năm miệng ăn gia đình ông.
Sáu năm nay, do đất ruộng bị bỏ hoang, ông phải làm công nhân bốc vác tại các mỏ đá. Làm quần quật cả ngày cũng chỉ đủ ăn, hôm nào doanh nghiệp không thuê hoặc đau ốm là gia đình ông phải chạy tìm cái ăn. Đây cũng là tình cảnh chung của những gia đình có đất sản xuất bị bồi lấp.
Người dân muốn di dời
Ông Nguyễn Đăng Dự, chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cho biết tình trạng ô nhiễm tại khu vực gần mỏ đá Phước Hậu tồn tại từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện các đơn vị khai thác tại đây đều được cấp giấy phép nên không thể có chuyện cấm. Các đơn vị khai thác đất đá đã ký thỏa thuận với chính quyền địa phương và người dân về việc giảm ô nhiễm. Đó là chủ các mỏ đá phải đóng 2 triệu đồng/tháng để thuê nhân công địa phương tưới nước nếu đường nhiều bụi, còn ít bụi thì dùng chổi quét.
Song khoảng 100 hộ dân tại thôn Phước Thuận vẫn đang chịu cảnh ô nhiễm, và hình ảnh người dân dùng bàn ghế, cành cây chặn xe ben chở đất không còn là chuyện hiếm gặp tại đây. Không ít lần tài xế đã phải dừng xe bỏ chạy trước sự bức xúc của người dân.
Ông Dự cũng cho biết hiện thôn Phước Thuận có khoảng 10ha đất nông nghiệp bị hoang hóa do khai thác đất đá. Các chủ doanh nghiệp khai thác mỏ đồng ý hỗ trợ thiệt hại cho người dân với mức giá 2.400 đồng/m2/vụ. Số tiền ít ỏi này người dân phải cân nhắc chi tiêu trong suốt nửa năm trời.
Theo ông Dự, người dân ở đây đã đề đạt nguyện vọng muốn được di dời khỏi khu vực ô nhiễm. Trước đó ngày 2-5, liên quan đến nạn ô nhiễm và những bức xúc của người dân Phước Thuận, ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã yêu cầu các ngành chức năng phải kiểm tra và xử lý dứt điểm vụ việc trước ngày 30-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận