26/12/2014 09:45 GMT+7

​Sốc phản vệ do thuốc bổ não

HÀ TƯỜNG
HÀ TƯỜNG

TT - Bà Lại Thị H. (54 tuổi, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) vào Bệnh viện 354 ngày 12-12 trong tình trạng đau bụng cấp: buồn nôn, nôn nhiều sau ăn.

Nội soi dạ dày cho thấy bệnh nhân bị viêm cấp tính niêm mạc dạ dày, khả năng do nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống. Bệnh nhân được điều trị phác đồ viêm dạ dày cấp, bốn ngày đã ổn định. 

Do có tiền sử rối loạn chức phận tiền đình thường hay đau đầu, chóng mặt và ngày 16-12 thời tiết thay đổi nên tái phát, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định tiêm thuốc tăng tuần hoàn não Ilsolu 1g (biệt dược Piracetam) dạng tiêm tĩnh mạch.

Ngay sau khi rút mũi tiêm, tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng tăng đột biến. Toàn thân bệnh nhân đỏ ửng, buồn đại tiện, tiểu tiện và co giật, huyết áp tụt đột ngột xuống 0, điện tim không đo được, suy hô hấp, tuần hoàn...

Bác sĩ xác định bệnh nhân bị phản ứng với thuốc Ilsolu dạng phản vệ. Ngay lập tức bệnh nhân được điều trị theo phác đồ sốc phản vệ: thở oxy, truyền dịch, tiêm...

Sau hai ngày theo dõi ở khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân cho biết trước đó khoảng 8-10 năm từng tiêm thuốc tuần hoàn bổ não nhưng không rõ thuốc gì, cũng bị phản ứng phải đi cấp cứu nhưng nhẹ hơn.

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đức Chung, trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện 354, cho biết trường hợp sốc phản vệ như của bà H. rất hiếm gặp, chưa thấy y văn nói đến. Piracetam là thuốc cải thiện tăng cường tuần hoàn não được dùng thông dụng trên thị trường, thậm chí bán không theo đơn trong nhiều bệnh ở các chuyên khoa khác nhau: thần kinh, đột quỵ, sa sút trí tuệ, mắt, tiêu hóa...

Trong lâm sàng không cần phải thử phản ứng, thuốc không có liều độc, liều dùng tối đa là 12g, tương đương 30 viên. Đặc biệt, trong hướng dẫn sử dụng cũng ghi: sử dụng quá liều không có phản ứng gì nên cũng không cần cảnh giác. Tác dụng phụ của thuốc được cảnh báo hoàn toàn không có phản ứng dị ứng hay sốc phản vệ.

Bác sĩ Vũ Đức Chung cảnh báo sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Từ trường hợp này, không chỉ bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ cũng phải cẩn trọng trong quá trình sử dụng các loại thuốc bổ cho bệnh nhân, cần kiểm tra và hỏi kỹ tiền sử dị ứng, sốc phản vệ của người bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân khi dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ (kể cả thuốc bổ), tránh tình trạng tiền mất tật mang.

HÀ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên