18/09/2019 09:35 GMT+7

Sốt xuất huyết tăng, bệnh viện kêu thiếu thuốc trị

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng gia tăng nhưng nhiều bệnh viện khu vực phía Nam lại kêu dịch cao phân tử - tên thương mại là Refortan, một loại thuốc điều trị SXH lại khan hiếm.

Sốt xuất huyết tăng, bệnh viện kêu thiếu thuốc trị - Ảnh 1.

Dịch cao phân tử có tên thương mại là Refortan dùng trong điều trị SXH đang khan hiếm. Trong ảnh: Bác sĩ tại một bệnh viện ở Bến Tre kiểm tra kho chứa dịch cao phân tử - Ảnh: CTV

Ngày 16-9, chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - lo lắng nói: "Dịch truyền cao phân tử Refortan bệnh viện thông qua Sở Y tế Đồng Nai đấu thầu mua để điều trị SXH, nhưng số lượng trong kho hiện chỉ còn đủ sử dụng tối đa khoảng 3 tuần".

SXH tăng, thuốc không đủ!?

Theo bác sĩ Hà, tình trạng này rất đáng lo ngại bởi bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng, một ngày bệnh viện tiếp nhận

7 - 8 ca bệnh. "So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân bị SXH nhập viện tăng gấp 3 lần, toàn tỉnh số ca mắc SXH lên đến 13.000 ca, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã có 2 ca tử vong" - bác sĩ Hà nói.

Để tránh thiếu thuốc điều trị, bác sĩ Hà cho biết bệnh viện xin nhượng lại một số thuốc từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu dịch gia tăng sẽ rất bị động.

Tại sao lại thiếu thuốc? Theo lý giải của bác sĩ Hà, hiện nay phía đơn vị trúng thầu cung ứng dịch cao phân tử Refortan là đơn vị duy nhất trong toàn quốc được cấp phép nhập khẩu loại thuốc này. Tuy nhiên "đang bị gián đoạn" nên các bệnh viện đều rơi vào tình trạng... thiếu thuốc.

Nhiều nơi cùng thiếu

Không chỉ ở Đồng Nai, theo phản ảnh, một số bệnh viện ở các tỉnh khác như An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... đều có chung nguy cơ thiếu dịch cao phân tử Refortan. Trong kho thuốc của nhiều bệnh viện chỉ còn số lượng rất khiêm tốn, từ vài chục đến 100 chai dịch truyền.

Ông Từ Quốc Tuấn - giám đốc Sở Y tế An Giang - xác nhận tại Bệnh viện Sản nhi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc "kêu" thiếu dịch cao phân tử Refortan điều trị SXH.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, vấn đề này vừa được giới chuyên môn thảo luận, đánh giá cần phải xem xét thận trọng, bởi phác đồ điều trị SXH của Bộ Y tế còn rất nhiều loại thuốc khác nhau.

"Thực tế, trong dịch cao phân tử có rất nhiều cỡ, loại khác nhau nhưng do các đơn vị thích dùng loại này (tức Refortan), bởi theo kinh nghiệm thuốc này có vẻ điều trị hiệu quả, ít tác dụng phụ nên được sử dụng nhiều dẫn đến cháy hàng" - ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, năm nay tình trạng dịch SXH có chiều hướng tăng cao, khoảng 60% so với cùng kỳ 2018.

Về giải pháp, trước mắt đơn vị yêu cầu các bệnh viện cần rà soát, xem xét trường hợp nào thực sự cần thiết thì sử dụng dịch cao phân tử Refortan để cân đối, tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc. "Nếu thiếu có thể chuyển sang sử dụng các loại dung dịch khác nằm trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế quy định" - ông Tuấn nói.

Đảm bảo nhu cầu chống dịch

Theo một bác sĩ chuyên về phòng chống SXH, dịch cao phân tử Refortan có tác dụng phòng và điều trị chứng giảm thể tích máu và sốc trong các trường hợp như sau phẫu thuật, chấn thương, nhiễm khuẩn, bỏng rộng, SXH, mất nước và điện giải.

"Khi bệnh nhân bị SXH mạch máu bị giãn nở, thoát dịch ra khỏi lòng mạch, điều này khiến máu cô đặc lại. Trong trường hợp này dịch cao phân tử giúp giữ nước lại trong lòng mạch. Do đó dịch cao phân tử rất quan trọng trong điều trị SXH" - bác sĩ này phân tích.

Theo bác sĩ này, dịch cao phân tử hiện nay được đánh giá là biện pháp tối ưu thay thế cho việc truyền dịch trong một số trường hợp.

"Từ trước tới nay, biện pháp sử dụng điều trị SXH chủ yếu là truyền dịch bổ sung nước. Tuy nhiên việc này nếu vượt quá mức cho phép, tức dư lượng nước sẽ gây quá tải cho tim mạch" - bác sĩ này nói.

Theo phác đồ điều trị SXH do Bộ Y tế ban hành năm 2011 (và cập nhật ngày 22-8-2019), dung dịch cao phân tử được chỉ định trong điều trị chống sốc trên bệnh nhân SXH nặng.

Các dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại nước ta gồm dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc trên đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Hiện có 6 thuốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực (trong đó có dịch cao phân tử Refortan), được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp, do đó hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế.

Cần chủ động nguồn thuốc

Để đảm bảo việc cung ứng đủ và kịp thời thuốc phòng chống, điều trị bệnh SXH, Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc, tìm kiếm nguồn cung dung dịch cao phân tử, đảm bảo cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đơn đặt hàng của cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, các đơn vị sản xuất xây dựng kế hoạch nghiên cứu sản xuất thuốc có chứa dextran hoặc HES đảm bảo chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.

Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài chưa thể cung ứng ngay dịch cao phân tử hoặc cơ sở nhập khẩu tìm được nguồn cung mới thì khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp thiết theo quy định.

Bệnh sốt xuất huyết tăng

Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế TP.HCM) khuyến cáo hiện nay bệnh SXH đã vào mùa cao điểm hằng năm. Diễn tiến của bệnh gia tăng nhanh từ tháng 6.

Theo ghi nhận, tổng số ca mắc bệnh SXH (nội và ngoại trú) trong tháng 8 là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. Số ca tích lũy trong 8 tháng qua là 39.814 ca, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến nhà dân hướng dẫn cách phòng tránh sốt xuất huyết Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến nhà dân hướng dẫn cách phòng tránh sốt xuất huyết

TTO - Trong chương trình làm việc với TP Đà Nẵng về công tác phòng chống sốt xuất huyết ngày 17-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến một nhà dân tìm bọ gậy.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên