04/10/2021 12:36 GMT+7

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 2: Có thêm một truông Nhà Hồ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Lạ thay ở Thừa Thiên Huế cũng có một truông Nhà Hồ, lại nằm rất gần phá Tam Giang cũng là điều rất đỗi thú vị.

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 2: Có thêm một truông Nhà Hồ - Ảnh 1.

Một góc truông Nhà Hồ “thứ 2” ở làng Phong Lai, Thừa Thiên Huế, cách phá Tam Giang chưa đầy cây số - Ảnh: THÁI LỘC

Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
 

Tưởng chừng không còn bàn cãi cái truông Nhà Hồ nổi tiếng trong câu ca được chính sử lẫn dã sử xác định thuộc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), ở Thừa Thiên Huế cũng có một truông Nhà Hồ.

Truông Nhà Hồ trên đường thiên lý

Từ thị trấn Hồ Xá gần cầu "giới tuyến" Hiền Lương hướng ra phía bắc, nhìn sang phía phải của quốc lộ 1A sẽ thấy một dải "rú" cây cối lúp xúp, rậm rạp chạy dài. 

Vào bên trong sẽ dễ nhận ra đây là khu rừng tự nhiên trên cát, toàn những loại cây gỗ nhỏ và cây bụi như tràm bầu, dẻ, sim, mua, mai rừng... Chỗ hẹp 200 - 300m, có chỗ lên đến 500 - 600m, rất nhiều mồ mả. 

Ông Nguyễn Hữu Thắng, nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Trị, cho biết khu rừng là phần còn "sót lại" của truông Nhà Hồ rất nổi tiếng trong lịch sử. 

Từng tìm hiểu trong khu vực, ông Thắng cho hay khu rừng được nhiều làng lân cận thuộc các xã Vĩnh Tú và Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh) đưa vào hương ước giữ gìn rất nghiêm ngặt, để chắn gió bão, chống cát bay, cát lấp bảo vệ làng mạc. 

Ngoài ra, người dân cũng ý thức giữ gìn một khu rừng nổi tiếng trong suốt hàng trăm năm qua...

Ông Thắng nói việc thành lập làng mạc ở trong vùng cũng mang nhiều dấu ấn ảnh hưởng bởi tính chất "hung dữ" của truông Nhà Hồ nằm trên đường thiên lý ngày xưa. Vùng đất này quá nhiều khó khăn, từng có nhiều cộng đồng đến rồi bỏ đi. 

Cho đến khi một cộng đồng trên đường Nam tiến đã dừng lại, bày lễ cúng tế và được (thần linh) chấp nhận, đã cắm mốc khai hoang, lập làng nên lấy tên là Chấp Lễ. Rồi cuộc Bắc phạt của quân Tây Sơn, sau khi vượt sông Bến Hải đã hạ cờ cho quân lính nghỉ ngơi nên lấy tên làng Hạ Cờ... 

Biết bao nhiêu câu chuyện còn lưu về một thời truông Nhà Hồ rậm rạp nhiều thổ phỉ, cướp bóc giết chóc kinh hãi đối với người đi trên con đường thiên lý, kèm theo lắm chuyện anh hùng cái thế dùng mưu bình định nạn cướp, giữ yên cho người đi đường.

Truông Nhà Hồ và Hồ Xá là địa danh quan trọng nằm trên con đường thiên lý Bắc Nam, được nhiều sách sử nhắc đến từ rất sớm. 

Đó là bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư được cho do Đỗ Bá Công Đạo thực hiện năm 1686, hay bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ (bản đồ dẹp yên miền Nam năm Giáp Ngọ) do Bùi Thế Đạt thực hiện những năm 1770. Rồi sách Đại Nam thực lục tiền biên ít nhất 2 lần nhắc đến Nhà Hồ...

Cụ thể hơn, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định thực hiện năm 1807 nói rõ nguyên cớ câu ca dao xưa. Rằng truông Nhà Hồ từng có bọn người chuyên cướp bóc bộ khách trên đường. 

Còn phá Tam Giang sâu hiểm, có ba con "sóng ma" thường xuyên xô đắm thuyền bè qua lại khiến người chết rất nhiều nên mới có câu: "Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". 

Về sau, nhà chúa sai quan nội tán Diên Thọ hầu Nguyễn Khoa Đăng dẹp yên đảng cướp ở Nhà Hồ và chỉnh trị dòng chảy Tam Giang, giữ an toàn cho người đi đường. Nhờ vậy, người ta lại ca rằng: "Phá Tam Giang tuần rày đã cạn/Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm".

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 2: Có thêm một truông Nhà Hồ - Ảnh 2.

Đoạn tỉnh lộ 11C chạy qua truông Nhà Hồ của làng Phong Lai, Thừa Thiên Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Có thêm một truông Nhà Hồ

Sử ghi rõ về truông Nhà Hồ ở Vĩnh Linh, Quảng Trị như thế, song có một điều bất ngờ là ở làng Phong Lai (Quảng Thái, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cũng có một truông Nhà Hồ ngay cạnh phá Tam Giang. 

Tìm về họ Hồ làng này, tôi được trưởng họ Hồ Bá Phúc Khánh dẫn đến nhà thờ họ, mở cửa và kêu ngồi chờ.

Ông chạy xe đi chở cụ Hồ Bá Huy, 98 tuổi, vị cao niên uy tín đến tiếp chúng tôi. Ông Khánh đốt bó nhang khấn vái và mở hòm bộ đặt ở gian giữa thỉnh gia phả xuống. Cụ Hồ Bá Huy lần giở những trang gia phả, ngay trang đầu ghi cụ tổ Hồ Kinh Dương "táng xứ Nhà Hồ" (Gia Hồ). 

Cuốn gia phả chữ Hán được xác định lập lại dưới thời Tự Đức (1847 - 1883) này có đến 7 lần ghi rõ người thuộc các thế hệ dòng họ Hồ ở đây "táng xứ Nhà Hồ"... Cụ Huy nói trong câu chuyện truyền đời từ xưa: "Truông Nhà Hồ chính là nơi tổ tiên (họ Hồ) của tui chôn cất, trước mặt có vụng (vũng) Chảo thuộc sông Thủy Nịu đổ về Tam Giang".

Tôi theo chân ông trưởng họ Hồ Bá Phúc Khánh đi xem truông Nhà Hồ ở đây. Ông đánh xe máy chạy từ tỉnh lộ 4, rẽ vào tỉnh lộ 11C rồi lại rẽ vào con đường mòn cát lún quanh co giữa khu rừng um tùm cây bụi, có nhiều mồ mả, rất hoang vu. 

Cũng tương tự truông Nhà Hồ ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), đây là rừng tự nhiên trên cát trải dài từ thị trấn Phong Điền qua các xã Phong Hòa, Phong Chương về đây, mọc nhiều loại cây thân gỗ lúp xúp như tràm, dẻ, sim, mua...

Đến đoạn hai khu lăng xây dựng quy mô hướng ra mặt nước thoáng rộng, ông dừng lại và cho biết đó là lăng mộ tổ tiên họ Hồ. Theo gia phả, đây chính là rừng (truông) Nhà Hồ, ngày xưa cây cối rậm rạp và mặt nước phía trước là "vụng Chảo" - vết tích con sông Nịu nổi tiếng sâu hiểm... 

"Ngày xưa các ngài đưa mộ tổ họ Hồ nhà tui về táng ở đây, và gọi đây là truông Nhà Hồ, khu vực này ngày xưa rộng lớn và um tùm dữ lắm" - ông Khánh cho biết.

Làng Phong Lai nằm trên một nhánh đường thiên lý Bắc Nam thời ấy. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết vào tháng 3 (âm lịch) năm 1402: "(Hồ) Hán Thương sai sửa chữa đường sá từ thành Tây Đô đến châu Hóa, dọc đường đặt phố xá và trạm chạy, gọi là đường thiên lý". 

Sách Địa chí văn hóa xã Quảng Thái diễn giải: "Một nhánh đường thiên lý từ Ưu Điềm (xã Phong Hòa, Thừa Thiên Huế) đến Đường Long (xã Phong Chương) ngang qua Phong Lai chạy dọc men theo phá Tam Giang về chợ Sịa, vào Đông Xuyên, Mỹ Xá đến Thành Trung (trung tâm thành Hóa Châu) rồi đến Thanh Hà, Bao Vinh, lên Phú Xuân - Huế".

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đặt giả thiết vào khoảng năm 1722, hai sự kiện dẹp yên nạn cướp trên đường bộ và chỉnh trị dòng chảy đường thủy của quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng thực hiện ngay trên đường vào lỵ sở xứ Đàng Trong. 

Mà hồi đó, truông Nhà Hồ ở Quảng Trị trên đường binh vận của triều đình, binh lính và cư dân đi lại đông đúc khó có cảnh loạn cướp. Trong khi truông Nhà Hồ ở Phong Lai khá mênh mông, địa hình phức tạp, thuận tiện mai phục cướp bóc. Cho nên "hoàn toàn có khả năng quan nội tán dẹp yên bọn cướp ở truông Nhà Hồ Phong Lai". 

Mấy chục năm sau khi lập bản đồ và viết sách sử, người ta không chú ý đến truông Nhà Hồ này mà chỉ biết đến truông Nhà Hồ ở Vĩnh Linh, Quảng Trị nên mới đưa vào.

Thực hiện bài này, chúng tôi không có ý "giành" truông Nhà Hồ trong câu ca rất nổi tiếng kể trên về làng Phong Lai của Huế. Mà có "giành" cũng không được bởi chính sử lẫn dã sử đều đã khẳng định. Song, cạnh phá Tam Giang có thêm một truông Nhà Hồ nữa, cũng là điều rất đỗi thú vị đối với mọi người...

"Đường rừng Nhà Hồ (Hồ Xá) thường có giặc cướp tụ họp, người đi đường sợ hãi. Chúa sai Đăng đi kinh lý đất ấy. Đăng tới đặt phép bắt cướp, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó bọn cướp im bặt.

Bờ biển Tam Giang gọi là xứ Bàu Ngược (ở xã Vĩnh Xương và Kế Môn, thuộc huyện Quảng Điền), nước sâu sông cong, mùa thu đông thường có gió to sóng dữ thuyền đi thường bị đắm. Đăng cho dân đào và nắn thẳng sông ấy để rút bớt sức nước.

Bấy giờ thuyền đi mới không trở ngại, người đi buôn và khách đi đường được tiện lợi mọi người đều ca tụng"

Sách Đại Nam liệt truyện

Ở đầu nguồn phá Tam Giang, khúc Bàu Ngược hiểm nguy khiến ai đi ngang cũng khiếp vía suốt hàng trăm năm qua. Vậy mà sự nguy hiểm ấy đã mang lại nghề vàng sung túc cho làng Kế Môn và người làng phải đời đời mang ơn.

Kỳ tới: Tri ân đoạn phá hiểm nguy

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 1: Viên ngọc sinh học quý giá Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 1: Viên ngọc sinh học quý giá

TTO - Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Phá Tam Giang ở tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng nước lợ tầm cỡ thế giới, rộng nhất Đông Nam Á, có giá trị đặc biệt về tài nguyên sinh học và bao điều thú vị về lịch sử, văn hóa...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên