TTO trích đăng những chia sẻ, băn khoăn.
Phóng to |
Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, TP.HCM xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vừa được công bố chiều 16-6 - Ảnh: MINH ĐỨC |
Mấy ngày ngay đọc nhiều bài báo về tiêu cực thi cử, thấy nhức đầu quá. Tôi dám chắc còn nhiều kì thi ở khắp nơi trên đất nước này đầy tiêu cực. Chỉ là không thấy, không nghe, không biết mà thôi!
Thi tốt nghiệp nghiêm túc, chúng ta làm gì với những học sinh không đỗ tốt nghiệp? Thả cửa, 100% học sinh đỗ tú tài, các tú tài này sẽ làm được gì cho bản thân, chưa nói đến làm gì cho gia đình và xã hội?
Tốt nghiệp, cái mức cuối cùng của 12 năm học thực ra phản ánh quá trình đào tạo 12 năm. Tại sao học sinh phải luôn mong giám thị coi dễ? Có khi nào mọi người nghĩ "phải làm sao cho học sinh thôi nghĩ đến chuyện khó dễ của giám thị, chuyện lật tài liệu khi thi cử"?
Nói thật, coi thi nghiêm túc khổ ghê gớm. Với 24 thí sinh ngồi trong phòng, nếu chúng có ý định lật tài liệu thì sẽ luôn quan sát giám thị, để thi cử nghiêm túc giám thị phải đảo mắt quan sát liên tục, hết ngó thí sinh khả nghi này đến thí sinh khả nghi khác, khi đã khả nghi rồi thì phải đi đến đó để quan sát. Rồi có khi phải đến nơi nhắc nhở, bởi vì không thể liên tục nhắc nhở làm ảnh hưởng cả phòng thi.
Tôi sợ nhất là đi coi thi tốt nghiệp. Dậy sớm, đến trường nghe chủ tịch hội đồng hăm dọa "sai là cắt thi đua". Coi thi tập trung thì bị học sinh ghét, ra đường bị chửi là ác. Coi thi dễ cho thí sinh một chút thì bị cả xã hội lên án.
Mỗi người, hãy tự vấn lương tâm mình, có bao giờ các vị đã dạy dỗ con em mình luôn nghiêm túc đàng hoàng khi học hành thi cử chưa? Nếu các vị đã làm vậy thì lỗi coi thi không nghiêm túc là hoàn toàn thuộc về giám thị chúng tôi.
Nếu các vị từng có ý độ hối lộ giám thị như nộp tiền bồi dưỡng hội đồng coi thi để giám thị coi nhẹ nhàng hơn, không nhắc nhở con em mình nghiêm túc thì xin lỗi, các vị chả có tư cách gì để trách móc những người coi thi cả. Giám thị coi thi không nghiêm túc, chỉ một số ít bị ràng buộc bởi quyền lợi nào đó, còn lại là bị cuốn theo, khó mà một mình xoay chuyển được tình thế.
Quay lại việc giáo dục, các vị nhắc nhở con em mình về lòng tự trọng đầy đủ chưa?
Tôi từng xem một bộ phim, một cô bé với tấm lòng nhân từ luôn muốn giúp đỡ gia đình nọ. Lần thứ nhất gia đình ấy miễn cưỡng nhận tấm lòng của cô ấy nhưng đến lần thứ hai họ xin lỗi không nhận, họ nói "chúng tôi không phải là người ăn xin, chúng tôi có thể tự lo cho cuộc sống của mình, chúng tôi có lòng tự trọng của chúng tôi". Cô bé về nhà khóc với mẹ và hỏi tự trọng là gì, mẹ cô bé bảo "Tự trọng là thứ mà khi có nó ta có thể sống ngẩng cao đầu".
Vậy đấy! Rất nhiều phụ huynh học sinh vui vẻ khi nói rằng con mình học kém nhưng không biết sao thi cử luôn điểm cao. Điểm đó ở đâu? Không phải đó là copy hay sao? Không phải là thiếu tự trọng đó sao?
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cả nhà trường và gia đình chưa giáo dục cho học sinh tính tự lực tự cường, tính tự trọng thì sau này có mất bao nhiêu công sức cũng chưa chắc giải quyết được hậu quả!
Tiêu cực giáo dục hay ngành nào khác theo tôi nghĩ điều đó bắt nguồn từ chính suy nghĩ tiêu cực hằng ngày của xã hội chúng ta. Muốn thay đổi con trẻ hãy thay đổi người lớn!
Giáo dục thành tích
Tại sao các trường lại thi đua nhau về thành tích? Có phải chỉ để làm tăng thêm giá trị của trường, hay của một vài cá nhân nào đó, mà không hề nghĩ đến những ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước?
Ngay cả việc dạy thêm, học thêm ngành giáo dục cũng không quản lý nổi. Các em học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba phải gồng mình học suốt từ 6 -8g tối quên cả tuổi thơ. Vậy mà đến kỳ thi vẫn không sử dụng được kiến thức mình đã học, mà phải nhờ đến sự lươn lẹo của bệnh thành tích mới vượt qua được…
BÙI VĂN TRUNG
Trong tình hình của nền giáo dục hiện nay, với clip ném phao thi như thế mà tỉ lệ đậu tốt nghiệp gần 100% thì cần nên xem lại có đúng hay không?
Đã là kiến thức phổ thông thì không nên thi để đầu tư vào thi năng khiếu chuyên ngành ở ĐH tốt hơn. Hơn nữa, với cách quản lý thi kiểu này thì nên bỏ đi để đỡ tốn kém và khỏi có sự bất công (trường học giỏi thi nghiêm túc thì đậu thấp và ngược lại).
Tôi là một giáo viên dạy Vật lí. Tôi biết ở tỉnh tôi có trường vùng sâu, xa học sinh rất yếu. Khi thi học kỳ, đề sở GD-ĐT địa phương ra tương đối dễ mà chỉ có vài em đạt trung bình từ 5 điểm/môn trở lên. Vậy mà trong kì thi tốt nghiệp năm nay trường lại có tỉ lệ 100% đậu tốt nghiệp. Điều này có đúng thực tế không, hỡi các vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận