Báo cáo của WHO cho hay giai đoạn từ ngày 10-7 đến 6-8, toàn thế giới có gần 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19 mới, tăng 80% so với 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 lại giảm 57%, còn 2.500 ca, trong cùng giai đoạn.
Nhiều ca bệnh mới ghi nhận ở khu vực Tây Thái Bình Dương, có nơi có số ca nhiễm tăng tới 137%.
Một số quốc gia ở Bắc bán cầu, gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp và Nhật Bản, đã ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh trong những tuần gần đây.
WHO cảnh báo dữ liệu không phản ánh đúng tình hình dịch bệnh thực tế, do hiện nay nhiều nước đã giảm xét nghiệm và kiểm soát dịch bệnh so với thời kỳ đầu.
Ngày 9-8, WHO xác định biến thể mới EG.5 của Omicron là rất "đáng quan tâm". Vào giữa tháng 7, hơn 17% ca bệnh ghi nhận là do biến thể phụ này, tăng từ 7,6% so với một tháng trước đó.
Theo Hãng tin AFP, EG.5 có tên không chính thức là Eris. Biến thể phụ này được cho là dễ lây truyền hơn các biến thể đang phổ biến khác.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy EG.5 gây ra các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng hơn và biến thể phụ này có nguy cơ "thấp" đối với sức khỏe cộng đồng.
Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo rằng "vẫn có nguy cơ xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn có thể làm gia tăng mạnh số ca mắc và tử vong".
"Chúng ta sẽ phải sống chung với sự bùng phát trở lại của COVID-19 trong vài mùa tới", Bộ trưởng Y tế Pháp Aurelien Rousseau nói với Hãng tin AFP, đồng thời kêu gọi cảnh giác.
Dù tác động của COVID-19 đã giảm đi đáng kể do khả năng miễn dịch cao từ việc tiêm vắc xin hoặc mắc bệnh, các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 vẫn gây ra mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, bao gồm hội chứng COVID-19 kéo dài.
WHO đã kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực tiêm chủng. Các công ty dược phẩm Pfizer/BioNTech, Moderna và Novavax đều đang dần cập nhật vắc xin phiên bản mới để ứng phó với các biến thể phụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận