Sinh viên Trung Quốc chiếm 1/3 trong tổng số sinh viên nước ngoài tại Mỹ - Ảnh: Reuters
Theo kết quả khảo sát thường niên của Tập đoàn Công nghệ giáo dục New Oriental - một trong những tập đoàn giáo dục lớn nhất tại Trung Quốc, trong số 6.673 người tham gia khảo sát từ 34 tỉnh thành Trung Quốc, 42% nói sẽ chọn tới Anh du học, trong khi chỉ 37% nói chọn Mỹ.
Không còn là lựa chọn số một
Bảng khảo sát cũng nói rõ căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua là nhân tố chính tạo ra thay đổi này. Căng thẳng mới nhất chính là việc Mỹ thông báo đã tước thị thực của hơn 1.000 công dân Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu vì lý do an ninh.
Một khảo sát khác của Nikkei với các tổ chức sinh viên nước ngoài tại một số học xá ĐH ở Mỹ nhận thấy 24% số người trả lời cho biết đang cân nhắc việc rời Mỹ vì chính sách visa và vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Khoảng 35% khác cũng cho rằng họ có thể sẽ tính chuyện rời Mỹ.
Nick Wang, sinh viên Trung Quốc đã rất nỗ lực học tập để giành được một suất sau ĐH tại ĐH Brown ngành khoa học máy tính, đã hoãn việc học ở Mỹ. Hiện Wang đang nộp đơn tại các trường ĐH ở Anh, Singapore và châu Âu. Đây là một thay đổi rất lớn, bởi trước đây chàng trai 23 tuổi chỉ có khát khao duy nhất là tới Mỹ học khoa học máy tính.
"Không ai biết quan hệ Mỹ - Trung sẽ thế nào trong năm tới" - Wang nói với Nikkei, nhắc tới những quan điểm thất thường của ông Trump với Bắc Kinh và cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn hai tháng nữa sẽ tới. "Tôi không biết mình có lấy được visa tới Mỹ năm sau không - anh nói - Rồi ngay cả khi lấy được đi nữa thì vẫn còn vấn đề là liệu tôi có thể ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp hay không".
Theo Wang, hầu hết sinh viên Trung Quốc đều coi việc học ở Mỹ như một tấm vé để có được công việc và cuộc sống tại đây. "Nếu chỉ là chất lượng giáo dục Mỹ không thôi thì chưa xứng với mức học phí cao của họ", Wang nói. Nếu học ở ĐH Brown, gia đình Wang sẽ phải chi khoảng 1 triệu nhân dân tệ (142.500 USD) cho hai năm.
Cũng trong tâm trạng hoang mang, lo lắng như Wang là Joyce Fan, người đang học luật năm thứ hai tại ĐH New York. "Hiện tôi không có bất cứ kế hoạch nào vì thường xuyên cảm thấy chúng tôi (những người Trung Quốc) có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào", Fan nói.
10 quốc gia/ vùng lãnh thổ dẫn đầu về số sinh viên theo học ở Mỹ niên khoá 2017 - 2018 - Đồ hoạ: T.ĐẠT
Nguồn thu chính bị ảnh hưởng
Trong năm ngoái, theo báo Nikkei Asian Review, tổng số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ là 369.548 người, chiếm 1/3 (khoảng 34%) tổng số sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ, tăng gần gấp 4 lần trong 10 năm qua.
Trên thực tế các sinh viên Trung Quốc cũng đã làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của giáo dục ĐH ở Mỹ, khi đóng góp cho Mỹ 170 tỉ USD học phí trong niên khóa 2017 - 2018, theo số liệu của Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia (Mỹ).
Các trường ĐH ở Mỹ cũng đang phụ thuộc vào sinh viên quốc tế nhiều hơn, chủ yếu từ các sinh viên là con em những gia đình trung lưu Trung Quốc, để có nguồn thu bù đắp những thiếu hụt ngân sách.
Trong báo cáo công bố tháng 4 năm nay, Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ (ACE), một tổ chức tại Washington D.C., ước tính các trường ĐH Mỹ sẽ thất thu 23 tỉ USD trong niên khóa tới với lượng sinh viên quốc tế dự kiến giảm 25%.
Ngoài yếu tố dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung, còn một vấn đề khác nữa khiến Mỹ không còn là lựa chọn số một, duy nhất với nhiều du học sinh nước ngoài.
Ông Gaurav Khanna - phó giáo sư kinh tế học ở ĐH California, San Diego - giải thích: "Úc, Canada và Anh về cơ bản cũng đang nỗ lực tạo ra mô hình kinh doanh tương tự như các trường ĐH của Mỹ... Các nước đó cũng đang cố giành bớt lợi thế cạnh tranh mà Mỹ đã chiếm ưu thế trong một thời gian dài".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận