Các sinh viên bức xúc khi sau 4 năm theo học thì bất ngờ nhận bằng và bảng điểm không đúng với hình thức đào tạo của Trường đại học Thái Bình - Ảnh: L.T.
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp lớp Đại học Luật A5A3 của Trường đại học Thái Bình khóa 2016-2020 bức xúc khi nhận tấm bằng đại học kèm bảng điểm không đúng với hình thức tuyển sinh lúc đầu, và không đúng với nội dung giấy báo nhập học của nhà trường.
Kiến nghị tập thể vì bị... lừa
Ngày 25-8, đại diện Trường đại học Thái Bình đến địa điểm liên kết tuyển sinh là Trường trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng có địa chỉ tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng để phát bằng tốt nghiệp cho các sinh viên lớp Đại học Luật A5A3 niên khóa 2016-2020.
Khi nhận tấm bằng và bảng điểm, các sinh viên té ngửa vì tờ bảng điểm kết quả học tập lại thể hiện trình độ đào tạo đại học "vừa làm, vừa học", khác hẳn so với thông báo nhập học hệ chính quy cũng như thông tin tuyển sinh của trường năm 2016.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh P.B.K. (học viên lớp Đại học Luật A5A3) cho biết khoảng tháng 6-2016, đại diện ban giám hiệu, phòng đào tạo, thanh tra của Trường đại học Thái Bình ra TP Hải Phòng để tuyển sinh.
Khi tư vấn tuyển sinh, đại diện nhà trường cung cấp những giấy tờ liên quan, trong đó có quyết định của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc giao Trường đại học Thái Bình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy; chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy... Tin tưởng công tác tuyển sinh này, nhiều học viên đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Đến tháng 7-2016, anh K. và các học viên khác nhận được giấy báo nhập học từ Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Thái Bình. Trong giấy báo này nhà trường ghi rõ các sinh viên đã trúng tuyển và đủ điều kiện học tập bậc đại học chính quy, chuyên ngành luật tại trường năm học 2016-2017.
Giấy báo nhập học hệ chính quy của Trường đại học Thái Bình gửi sinh viên - Ảnh: L.T.
Sau 4 năm theo học, đến khi nhận bằng và bảng điểm, các học viên không giấu nổi bức xúc vì bảng điểm lại ghi hệ đại học "vừa làm, vừa học".
"Nếu ngay từ đầu trường thông báo việc liên kết đào tạo là hệ vừa làm vừa học, không phải chính quy thì chắc chắn chúng tôi sẽ không đăng ký học để đỡ mất thời gian 4 năm trời theo học." - chị P.T.N. - học viên lớp Luật A5A3, bức xúc.
Trước sự nhập nhèm trên, tại buổi phát bằng cho các sinh viên tốt nghiệp ở Hải Phòng, nhiều người đã không đồng ý nhận bằng cũng như bảng điểm. Một số người tạm thời nhận bằng, còn một số nhận cả bằng và bảng điểm để về báo cáo đơn vị.
Tuy nhiên, các học viên đều thống nhất và cùng ký vào lá đơn kiến nghị trường giải quyết nguyện vọng là cấp bằng và bảng điểm theo đúng hình thức tuyển sinh hệ chính quy ban đầu.
'Các thầy cô không ai lại làm 'thủ đoạn' với sinh viên của mình'
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online liên quan sự việc này, bà Nguyễn Thị Kim Lý - hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình - phân trần sự việc xảy ra trong bối cảnh trường trải qua những thay đổi về mặt nhân sự, chứ thầy cô trong trường không ai lại đi nghĩ cách làm "thủ đoạn" với những sinh viên của mình.
Theo bà Lý, công tác quản lý việc tuyển sinh và đào tạo thời điểm năm học 2016-2017 có những giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu, bà Lý đang làm phó hiệu trưởng, không phụ trách mảng liên kết tuyển sinh.
"Đến giai đoạn sau tôi làm hiệu trưởng thì phát hiện được việc đấy, nhưng bản thân cũng buông lỏng, không kiểm soát thực tiễn, dẫn đến việc chưa giải thích rõ và sớm đến các sinh viên, để xảy ra những bức xúc hiện nay" - bà Lý giãi bày.
Theo bà Lý, nếu trường bất chấp cấp bằng chính quy, sinh viên sẽ vui nhưng sau này có những vấn đề khó xử lý. Bởi sinh viên đi học không theo học giờ hành chính, học ở cơ sở ngoài nhà trường mà cấp bằng chính quy, khi đó trách nhiệm chính là của nhà trường, phạm tội hình sự, còn sinh viên thì bị thu bằng.
"Sự việc là do sơ suất nên sinh viên cần phải hiểu. Bản thân tôi cũng đã hỏi ý kiến trên Bộ Giáo dục và đào tạo. Bộ cho biết việc trường đang làm như vậy là đúng" - bà Lý cho hay.
Phần bảng điểm sau 4 năm các sinh viên theo học lớp luật của Trường đại học Thái Bình lại ghi đại học hệ vừa làm vừa học khiến sinh viên bức xúc - Ảnh: L.T.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Nguyên Mạnh - phó hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình - cho biết kỳ tuyển sinh lớp Đại học Luật A5A3 năm học 2016-2017, nhà trường tuyển sinh được 33 sinh viên theo học.
Theo ông Mạnh, trong giấy báo nhập học nhà trường cũng đã thông báo rõ là đào tạo chính quy nhưng là tại trường, còn thực tế do các sinh viên không theo học được tại trường mà chỉ có thể học tại cơ sở ở Hải Phòng, nên sau khi đào tạo được một thời gian thì trường đã có văn bản thông báo điều chỉnh hình thức đào tạo từ chính quy sang hệ vừa làm vừa học.
"Chúng tôi có thông báo điều chỉnh để sinh viên nắm bắt, nhưng thầy giáo chủ nhiệm lớp là Nguyễn Đức Long - nhân sự của trường, lại sơ suất không thông báo rõ lại cho các học viên, dẫn tới sự việc ngày hôm nay. Hiện chúng tôi đang xem xét xử lý kỷ luật đối với thầy Long” - ông Mạnh cho hay.
Trường đại học Thái Bình bị nhiều sinh viên bức xúc tố tuyển sinh đào tạo một đằng, cấp bằng một nẻo - Ảnh: TIẾN THẮNG
Để làm rõ việc trường có thông báo điều chỉnh hay không, PV Tuổi Trẻ Online đề nghị trường cung cấp văn bản thông báo điều chỉnh này, nhưng trường không cung cấp được, cho biết đang tìm lại trong hồ sơ.
Liên quan nội dung lãnh đạo nhà trường cho biết đã có báo cáo, tham vấn ý kiến của Bộ Giáo dục và đào tạo và được bộ có ý kiến cho rằng việc tuyển sinh, cấp bằng như vậy là đúng thì có văn bản nào không, nhà trường cũng không cung cấp được mà cho biết hiện vẫn đang làm báo cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận