Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức ngày càng nghiêm trọng với người lao động ngoài trời. Đặc biệt thể hiện rõ tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.
Gặp nhiều trở ngại
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life) - cho biết từ tháng 7-2024 viện đi thực tế ở bốn TP nói trên. Họ đã quan sát, phỏng vấn sâu hơn 400 người lao động làm việc ngoài trời mang tính bấp bênh như bán hàng rong, tài xế xe ôm công nghệ, bốc vác và công nhân xây dựng.
Kết quả có tới 90% lao động thường xuyên đối mặt với tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài. Trong đó 50,8% người buộc phải làm việc ở thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày (10h - 18h) dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
"Có đến 22,3% người lao động thường xuyên phải nghỉ làm để điều trị bệnh nên thu nhập bị giảm sút đáng kể, có thể giảm
40-50% trong những tháng cao điểm nắng nóng. Chỉ 32,8% lao động có tiết kiệm để xử lý tình huống khẩn cấp", ông Lộc cung cấp thông tin.
Họ chủ động chọn việc làm tự do. Minh chứng là nam giới thường nhấn mạnh quyền tự quyết trong công việc, trong khi nữ giới ưu tiên sự linh hoạt để cân bằng công việc, gia đình. Với người cao tuổi, việc làm tự do gắn với nhu cầu duy trì độc lập về tài chính và phẩm giá.
Chị Võ Thị Thúy An - nhóm thực hiện khảo sát - nói nghịch lý ở chỗ cùng với đề cao tự do lựa chọn nghề nghiệp, người lao động lại có xu hướng bình thường hóa các rủi ro sức khỏe và xem như phần tất yếu của nghề nghiệp.
"Họ thường chọn giải pháp y tế không chính thống, chi phí thấp phù hợp tài chính và thời gian so với tiếp cận dịch vụ y tế chính thống", chị An nói.
Giải pháp hỗ trợ sinh kế
Trực tiếp ngồi cùng người lao động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt bán hàng dưới nắng 40oC hay chia sẻ tấm bạt che mưa trong ngày mưa bão, nhóm nghiên cứu nhận thấy đây là nhóm dễ đối mặt rủi ro sức khỏe.
Mối nguy hại đến từ thời tiết bất thường như nắng nóng gay gắt, rét đậm rét hại, mưa lớn, mưa đá, ngập lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy…
Những trở ngại này khiến người lao động bị suy giảm sức khỏe tinh thần, thể chất, có thể mất việc làm, giảm thu nhập, hư hỏng phương tiện lao động, cuộc sống gia đình xáo trộn, tăng chi phí sinh hoạt, y tế. Từ đó nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp đảm bảo sinh kế tốt hơn cho người lao động ngoài trời.
Đầu tiên cần phát triển đề án bảo hiểm y tế chuyên biệt cho người lao động ngoài trời qua xã hội hóa. Tiếp đến phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng phù hợp đặc thù người lao động.
Ứng dụng di động ICAN ra đời trong khuôn khổ nghiên cứu này khá dễ tiếp cận, có tính năng cảnh báo thời tiết, kết nối đa chiều giữa người lao động với một số dịch vụ hỗ trợ thiết yếu.
Giải pháp khác là nâng cao năng lực tự chăm sóc sức khỏe cho người lao động. "Có thể là các buổi cà phê sáng tạo không gian để người lao động chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế", báo cáo khuyến nghị.
TS Vũ Ngọc Anh - giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu xã hội quốc gia (Vương quốc Anh) - chia sẻ chuyên đề "Một đánh giá hệ thống về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của người lao động ngoài trời ở đô thị châu Á".
Báo cáo chỉ ra sự khác biệt, có khoảng cách trong tiếp cận vấn đề giữa cộng đồng nghiên cứu quốc tế và trong nước. Qua đó gợi ý nhu cầu về khung phân tích tích hợp có khả năng kết nối góc nhìn toàn cầu và địa phương.
Dịp này, Viện Social Life đã tổng kết và trao giải cuộc thi "Chân dung người lao động ngoài trời: Những mảnh đời mưu sinh nơi phố thị".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận