29/10/2018 15:30 GMT+7

Singapore tính đường dài từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) lên tiếng cảnh báo cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế của đảo quốc này trong dài hạn.

Singapore tính đường dài từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Toà nhà của Cơ quan Tiền tệ Singapore - Ảnh: REUTERS

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến các doanh nghiệp tìm tới Đông Nam Á để giảm thiểu tác động. Về ngắn hạn, đây là chuyển biến tốt cho khu vực, nhưng Singapore dường như đang tính đường dài khi rục rịch chuẩn bị cho những hậu quả có thể có trong tương lai.

Là trung tâm tài chính và thương mại của châu Á cũng như toàn cầu, nền kinh tế Singapore được xem như một phong vũ biểu cho kinh tế thế giới với hoạt động xuất khẩu mạnh, gần gấp đôi sản xuất trong nước.

Theo trang tin tức tài chính Finance And Markets, từ đầu năm nay, chính quyền Singapore đang báo động về những hậu quả sắp tới của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung về dài hạn.

Cả hai quốc gia trên đều là những bạn hàng lớn của Singapore.

Cho đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu tăng thêm với lượng hàng hóa trị giá 250 tỉ USD từ Trung Quốc.

"Những đối đầu thương mại hiện nay chỉ gây một vài tác động tới nền kinh tế Singapore, nhưng hệ quả tiêu cực sẽ lớn hơn nhiều vào cuối năm nay và đầu năm sau. Điều này có thể đem tới nhiều nguy cơ cho tăng trưởng kinh tế trong những quý tới", MAS nhận định.

Theo dự đoán của MAS, tăng trưởng GDP của Singapore sẽ đạt mức cao khoảng 2,5-3,5% năm 2018 và mức trung bình năm 2019.

Hàng điện tử vốn được đánh giá là xương sống của ngành sản xuất địa phương tại đảo quốc này. Đây sẽ là một trong những khu vực sớm chịu tác động từ cuộc chiến thương mại hiện nay do chuỗi cung ứng gắn với Trung Quốc.

Giao thông vận tải là khu vực thứ hai có thể bị ảnh hưởng. Singapore vốn là một trong những cảng biển lớn nhất thế giới, nối nhiều quốc gia với phần còn lại của châu Á và phương Tây.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận nhiều công ty Mỹ từng có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đang dời khâu sản xuất xuống Việt Nam.

MSA cho rằng "sự chuyển dịch sản xuất tại Đông Nam Á có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho Singapore".

Nhìn nhận trên bình diện toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Singapore, ông Heng Swee Keat trả lời phỏng vấn của Channel News Asia rằng thế giới cần chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài.

Cụ thể, ông Heng lưu ý rằng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên được cập nhật để đối phó với kết cấu đang dần thay đổi của nền kinh tế toàn cầu.

Đối với Đông Nam Á, cần gia tăng các nỗ lực nhằm duy trì đà phát triển thương mại tự do. Ông Heng hy vọng kết luận sớm nhất sẽ được đúc kết trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Hiệp định này gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, trong đó có Trung Quốc.

Vị bộ trưởng này cho biết mục tiêu của Singapore là "đạt được tự do hóa ở cấp độ toàn cầu, và đảm bảo duy trì hỗ trợ cho thương mại đa phương dựa trên quy tắc mở".

Mặc cho nhiều nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế, Singapore đang thắt chặt chính sách tiền tệ vì môi trường thương mại thế giới ngày càng bất ổn, vốn dĩ gắn liền với xúc tác của các biến số kinh tế.

Harley Davidson tính rời Trung Quốc để né chiến tranh thương mại Harley Davidson tính rời Trung Quốc để né chiến tranh thương mại

TTO - Harley Davidson, hãng mô tô nổi tiếng của Mỹ, dự tính sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc qua Thái Lan, động thái được cho là để né cuộc cuộc chiến tranh thương mại - Mỹ - Trung.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên