Một nhân viên an ninh làm nhiệm vụ trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc - Ãnh: REUTERS
Ngày 5-3, tân Tổng thư ký Quốc hội Trung Quốc Vương Thần (Wang Chen) đã thông báo đến các nhà lập pháp về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp.
Trong mấy ngày qua, hầu hết giới quan sát tập trung vào việc dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước Trung Quốc, nhưng thật ra có một sửa đổi quan trọng khác sẽ đặt nền móng cho Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) - siêu cơ quan chống tham nhũng mới hoạt động độc lập với bộ máy tư pháp và các cơ quan nhà nước hiện hữu.
Phân tích trên báo Nikkei Asian Review, hai chuyên gia Dimitar Gueorguiev và Jonathan Stromseth dự báo NCS sẽ có những hệ quả mang tính lâu dài đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt những người làm việc trong khu vực công.
Không chỉ có khả năng làm xói mòn các sáng kiến chống tham nhũng khác vốn tập trung vào tính minh bạch và sự cởi mở thông tin, NSC sẽ còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và kinh doanh tại Trung Quốc.
Với việc cuộc chiến chống tham nhũng được mở rộng ra ngoài phạm vi Đảng Cộng sản, thái độ dè dặt trong việc đưa ra các quyết định (do lo sợ bị điều tra) sẽ lan rộng khắp các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và nhiều tổ chức khác.
Ông Tập Cận Bình xuất hiện tại phiên khai mạc kỳ họp Chính hiệp ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS
Những diễn biến mới ở Bắc Kinh phản ánh sự căng thẳng ngấm ngầm giữa hai cách tiếp cận chống tham nhũng và cải cách quản lý nói chung ở Trung Quốc.
Thứ nhất là "cách tiếp cận chính trị" biểu hiện qua chiến dịch chống tham nhũng do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) thuộc ĐCS Trung Quốc phát động từ năm 2012. Chiến dịch tập trung chính vào đối tượng đảng viên, trừng phạt họ vì lối sống xa hoa, lạm dụng công quỹ, xây trụ sở hoành tráng...
Hơn 1,5 triệu quan chức, bao gồm cả 35 thành viên của Ủy ban Trung ương ĐCS Trung Quốc và 9 thành viên CCDI, đã bị trừng phạt. Logic của cách tiếp cận này được diễn giải là "quan chức sẽ không dám tham nhũng nếu họ thấy cái giá phải trả và hình phạt quá nặng".
Thứ hai là "cách tiếp cận pháp lý" biểu hiện qua các nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh tăng cường tính minh bạch và sự giám sát của công chúng. Chẳng hạn bằng cách công bố ngân sách công, chính phủ cho phép người dân phát hiện liệu tiền có bị dùng sai mục đích, ai là người chịu trách nhiệm... Logic của phương pháp này là không tạo điều kiện cho "kẻ trộm", khiến chúng dễ bị phát hiện.
Theo nghiên cứu của các học giả Mỹ và Trung Quốc, phương pháp trao quyền giám sát cho người dân có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn tham nhũng so với các cách làm "bạo lực" nhắm vào từng cá nhân quan chức.
Sách báo, tạp chí in đầy hình ông Tập Cận Bình tại trung tâm báo chí ở Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Ủy ban Giám sát quốc gia sắp thành lập được mô tả là kết hợp giữa hai cách tiếp cận chính trị và pháp lý, nhấn mạnh nhiều hơn ở chính trị.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc giải thích: "NSC sẽ là một cơ quan mang tính chính trị nhiều hơn là quản trị hoặc tư pháp. Khi thực hiện các nhiệm vụ giám sát, điều tra và trừng phạt, nó phải luôn đặt ưu tiên cao nhất cho chính trị".
Theo văn bản dự thảo về NSC, quyền lực của cơ quan này sẽ thay thế cả Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nó sẽ trưng dụng hết cơ sở vật chất, nhân lực của CCDI và các sức mạnh chống tham nhũng thuộc các bộ ngành chính phủ vào một siêu cơ quan do ĐCS dẫn dắt.
Quyền hạn của NSC sẽ rộng hơn CCDI rất nhiều, bao trùm không chỉ đảng viên mà còn người làm công hưởng lương ngân sách, chẳng hạn giảng viên đại học và nhân viên khối doanh nghiệp nhà nước.
Đây chính là điều các nhà quan sát lo lắng: NSC đơn giản sẽ mở rộng cách tiếp cận phi pháp lý của ĐCS Trung Quốc đến tất cả đối tượng trong khu vực công. Nói ngắn gọn, một cơ quan thi hành kỷ luật không bị giới hạn về mặt pháp lý sẽ rất dễ bị lợi dụng và cuốn vào dòng chảy chính trị.
Ngoài ra, nó cũng sẽ hạn chế vai trò của công luận trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nên biết rằng vô số cuộc điều tra tham nhũng ở Trung Quốc đều xuất phát từ thông tin cung cấp bởi những công dân bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận