22/02/2018 15:08 GMT+7

Việt Nam cải thiện 6 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Việc nhảy tới 6 bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia trong sạch cho thấy sự ghi nhận của quốc tế trước các nỗ lực phòng chống tham nhũng trong thời gian qua tại Việt Nam.

Việt Nam cải thiện 6 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng - Ảnh 1.

Thứ hạng các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong CPI 2017 - Ảnh chụp màn hình

Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017 được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) có trụ sở tại Đức công bố ngày 22-2, Việt Nam đạt 35/100 điểm, đứng thứ 107/180 quốc gia toàn cầu, tăng 6 bậc so với năm 2016. Như vậy chỉ số CPI của Việt Nam năm 2017 tăng thêm 2 điểm.  

Theo thang điểm của CPI, điểm càng cao thì càng trong sạch. Việc tăng điểm của Việt Nam, theo Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, là chỉ dấu tích cực cho các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tại Việt Nam.

Tham nhũng khu vực công vẫn nghiêm trọng

Trong năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, công tác phòng chống tham nhũng trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về phòng chống tham nhũng như tiến hành sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, theo tổ chức TT, với 35/100 điểm, mức độ tham nhũng tại Việt Nam vẫn ở mức cao, đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực công.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số minh bạch, theo tổ chức TT, Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội. 

Cụ thể, tổ chức này cho rằng cần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan Tư pháp.

Trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (công an, y tế công và giáo dục công), cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực phòng chống tham nhũng, song song với việc hoàn thiện cơ sở pháp luật để bảo vệ người tố cáo, từ đó mới khuyến khích được sự tham gia của người dân và cộng đồng trong công tác phòng chống tham nhũng.

New Zealand trong sạch nhất thế giới, Singapore nhất châu Á

Việt Nam cải thiện 6 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng - Ảnh 2.

Mức độ trong sạch của các quốc gia theo CPI năm 2017. Màu càng đậm càng kém trong sạch - Ảnh chụp màn hình

Chưa có quốc gia nào đạt tuyệt đối 100 điểm trong bảng xếp hạng CPI. Năm 2017, đảo quốc New Zealand tiếp tục dẫn đầu thế giới với 89 điểm, giảm nhẹ 1 điểm so với năm 2016. Đan Mạch, sau nhiều năm dẫn đầu hoặc đồng hạng, đã lùi xuống vị trí thứ 2 với 88 điểm.

Phần Lan, Na Uy và Thụy Sĩ đồng hạng với 85 điểm. Tại châu Á, Singapore, với 84 điểm, giữ vị trí số 1 của khu vực.

Bảng xếp hạng CPI năm 2017 cũng chứng kiến một số cuộc đổi ngôi đáng chú ý tại Đông Nam Á. Trong khi các quốc gia như Việt Nam (107), Thái Lan (96) nhích nhẹ lên các thứ hạng cao hơn, không ít nước bị tụt hạng so với năm 2016 như Malaysia (sụt 7 bậc, hạng 62/180), Philippines (sụt 10 bậc, hạng 111/180), Lào (sụt 13 bậc, hạng 135/180).

Không ngạc nhiên khi Somalia, quốc gia được các học giả quốc tế dẫn chứng cho thuật ngữ "quốc gia thất bại" là nước đứng cuối bảng. Quốc gia tham nhũng nhất châu Á năm 2017 theo TI là Afghanistan (hạng 177/180).

Tại sao lại là "chỉ số cảm nhận tham nhũng"?

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), tham nhũng nói chung thường bao gồm các hoạt động phi pháp, bị che giấu một cách cố ý và chỉ được đưa ra ánh sáng khi xảy ra các vụ bê bối, hay qua công tác thanh tra, điều tra và truy tố, xét xử. 

Mặc dù các nhóm nghiên cứu của các viện nghiên cứu và các chính phủ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đo lường tham nhũng trong các lĩnh vực cụ thể một cách khách quan, đến nay vẫn chưa có một chỉ số khách quan nào đo lường mức độ tham nhũng của quốc gia một cách trực tiếp, toàn diện.

Bảng xếp hạng CPI của TI dựa trên dữ liệu của 12 tổ chức quốc tế trong đó có Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Phi và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đây là một trong những chỉ số về tham nhũng được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.

Thủ tướng: Tham nhũng trong khu vực nhà nước còn nặng Thủ tướng: Tham nhũng trong khu vực nhà nước còn nặng Năm 2018 đưa ra xét xử 21 vụ án tham nhũng, kinh tế Năm 2018 đưa ra xét xử 21 vụ án tham nhũng, kinh tế Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tham nhũng, không có vùng cấm Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tham nhũng, không có vùng cấm
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên