03/12/2020 11:02 GMT+7

'Siêu thị' siêu tí hon ở phố cổ Hà thành

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Khách bước vào, bà chủ siêu thị bước ra, muốn đi qua cả hai phải nghiêng người, thít bụng. Có 'siêu thị' tí hon đến mức khách không len vào được, chỉ đứng ngoài gọi hàng muốn mua rồi mang đi...

Siêu thị siêu tí hon ở phố cổ Hà thành - Ảnh 1.

Denni Pet’s shop bé xíu mà độc đáo ở phố Thuốc Bắc

phố cổ "tấc đất, tấc kim cương" có rất nhiều "siêu thị" siêu tí hon như thế.

Ngay đầu phố Thuốc Bắc, phía giáp Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cửa hàng thời trang thú cưng của chị Nguyễn Thúy Hường lọt thỏm giữa Ngân hàng Đầu tư và phát triển và cửa hàng bán đồ gia dụng.

Biển hiệu bằng tiếng Anh giản dị treo trên cổng. Cái gì cũng tí hon, vì mặt tiền của "siêu thị" chị Hường chỉ chưa tới... 1m.

Các cháu bây giờ năng động, giỏi xoay xở, không có chỗ nào đất không cho ra tiền.

Ông NGUYỄN SƠN HÀ (70 tuổi, bố chủ nhân Denni Pet's shop)

Be bé nhưng thứ gì cũng có

"Em cứ để xe bên phía ngân hàng, không sao đâu, hôm nay chủ nhật họ nghỉ làm - giọng Hà Thành nhỏ nhẹ nhắc tôi - May vẫn còn chỗ, nhiều hôm xe của nhà khác để thì nhà chị hết phần".

Hết chỗ, khách phải đi gửi hoặc nhờ chủ mang hàng ra xe cho đi ngay. Nhưng vào bên trong, tôi ngạc nhiên vì sự sắp xếp gọn gàng, tinh tế của các sản phẩm. Tất cả đều phục vụ cho cún cưng, gồm thời trang, dụng cụ, trò chơi, thuốc, đồ ăn... chẳng khác nào siêu thị dành cho bé cưng.

"Ngày xưa ít đồ hơn, tôi chỉ làm một cái bàn, một cái ghế ngồi bán ở bên ngoài" - chị Hường vui vẻ cho biết. Sau này do nhu cầu của khách, chị đặt thiết kế thương hiệu Denni Pet’s shop như hiện nay.

"Nếu cửa hàng rộng hơn, tôi sẽ tạo chỗ này thành nhiều lớp rất đẹp" - vừa nói chị vừa đưa tay ra hiệu cách bày trí. Tôi khen cách sắp xếp tinh tế, chị vẫn băn khoăn: "Khách mà dắt theo cún cưng vào thử đồ, quay trước quay sau chật quá. Có hôm khách nữ mặc váy đi vào, chân váy bồng bềnh dính cả vào hàng hóa, rất ngại!".

Chúng tôi đang trò chuyện thì một xe máy chạy tới, hai chị em phải bước vội nép vào chỗ rộng hiếm hoi trong cùng của shop. Đó là xe máy của em trai, trên các tầng gác có 9 thành viên gia đình chị đang sinh sống, phải ra vào qua cửa hàng.

Tầm chiều khách đến đông, một chị đến mua thức ăn cho cún, một chị mua thuốc khử bọ, một anh nhờ người chở đến mua thuốc kém ăn, và hai mẹ con đi bộ bế cún theo để thử dây đeo cổ. "Tôi mua nhiều lần rồi, cửa hàng nhỏ xinh xinh mà!" - chị Phạm Thị Duyên, một khách hàng, cười nói vui vẻ.

Chị Hường từng là nhân viên tài chính, vì yêu cún cưng đã nghỉ hẳn việc về phát triển thương hiệu này đã tròn 10 năm. Khách hàng chủ yếu là người có điều kiện nuôi thú cưng ở phố cổ, vì thế dù COVID-19 chị vẫn có khách đều.

Trên phố Hàng Bạc, "siêu thị" tạp hóa của ông Nguyễn Trọng Hào, 73 tuổi, còn siêu tí hon hơn, chỉ bằng 1/3 diện tích cửa hàng của chị Hường. Bốn bề đều là hàng hóa treo kín ba vách tường và trong tủ quầy bán phía trước.

Ông Hào ngồi trên một chiếc ghế nhựa cao phía sau quầy, khách không len vào được bên trong, cần mua gì cứ nói ông sẽ với tay lấy cho. "Trông bé vậy thôi mà thứ gì cũng có hết" - ông cười hiền.

Tôi thấy có pin tiểu các loại, tai nghe, sạc điện thoại, sim card, phích điện, bóng đèn... Ông khoe cái nhỏ nhất là băng dính, kim chỉ còn có nữa là, bé vậy mà vốn liếng "gần nửa tỉ đồng" và hoạt động đã trên 20 năm.

Hàng Bạc là phố du lịch, hàng hóa ông bán là những thứ khách nước ngoài cần mua. Thu nhập lúc cao điểm lên tới 30 triệu đồng/tháng; giờ dịch giã, khách Tây vắng bóng, doanh thu sụt tận đáy.

"Tôi không muốn đóng cửa vì nó là niềm vui tuổi già. Không bán hàng thì biết làm gì khác?" - ông Hào vẫn cười vui vẻ.

"Siêu thị" này là đất nhà, ông không phải thuê mướn. Cha mẹ ông chia đều cho các con, người này không bán hàng thì người khác bán, rồi chia lãi cho nhau.

Một khách quen đến hỏi mua bóng đèn, rồi một người nữa đến mua pin, ông Hào chỉ việc ngồi một chỗ với tay là đến hộp bóng đèn, thò tay vào tủ là có cục pin. Chỉ lúc thử bóng đèn, ông mới phải đứng kéo dây điện.

Siêu thị siêu tí hon ở phố cổ Hà thành - Ảnh 3.

“Siêu thị” siêu tí hon của ông Nguyễn Trọng Hào trên phố Hàng Bạc

Đất nhỏ cho ra tiền

Bên ngoài phố cổ, nhiều con phố khác của Hà Nội cũng có những "siêu thị", cửa hàng mini ăn nên làm ra độc đáo.

Ở phố Tây Sơn, đoạn đối diện Trường ĐH Công đoàn (quận Đống Đa, Hà Nội), có khoảng 10 cửa hàng sát nhau. Mặt tiền mỗi cửa hàng cũng chưa đến... 1m, chiều dài tầm hơn 2m, giá thuê 5 triệu đồng một chỗ.

Cửa hàng sửa chữa điện thoại, iPad của Vũ Minh Tuấn tôi ghé vào đã chật kín chỗ. Có ba thợ đang ngồi làm việc, một khách hàng được anh Tuấn giới thiệu khách quen.

Tôi đứng thì ngại, ngồi thì không có chỗ. Chủ cửa hàng nhanh ý dồn ghế, mọi người phải ngồi sát vào nhau, lấy ra một chiếc ghế khác mời tôi ngồi, người khách cũng ý tứ rụt chân lại.

Có ba chiếc máy soi kính đặt trên dãy bàn duy nhất, kèm với ba chiếc ghế cho ba thợ ngồi vừa vặn. Ghế không có tựa, thợ lấy ngay tường phía sau tựa lưng nếu mệt mỏi.

Anh Tuấn giải thích mặt hàng của mình không tốn diện tích, khách đem điện thoại đến sửa, khi nào xong đến lấy về. 80% là khách quen. Ngoài sửa chữa, anh còn nhận học viên.

"Tất nhiên ai cũng muốn cửa hàng rộng đẹp, nhưng tiền ít nên phải tìm nơi nhỏ" - anh Tuấn cho biết thời đi làm thuê, anh từng làm cho một cửa hàng còn bé hơn nữa.

"Nhỏ bé nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng là được, tôi sửa ở đây lần thứ tư rồi" - anh Trần Văn Mạnh, khách hàng vừa nhường nhỗ cho tôi, nói.

Anh Tuấn phải gắn điều hòa để chống lại cái nóng mùa hè. Dụng cụ được sắp xếp gọn gàng nhất có thể, dùng gác xép nhỏ xíu làm nhà kho. Bất tiện ở chỗ không có nhà vệ sinh, anh Tuấn phải chạy về nhà hoặc qua nhà vệ sinh công cộng phía đối diện. Những cửa hàng ở đây đều không có nhà vệ sinh.

Hai tiệm bánh mì thương hiệu "Vợ ong vàng" nằm cách nhau tiệm nước mía, có lúc khách phải xếp hàng mua. Mỗi cửa hàng có hai sinh viên thay ca nhau bán, không gian chưa đến 3m2 gồm một quầy, một kệ lò nướng và một tủ lạnh.

"Lần đầu tiên em bán ở cửa hàng tí hon thế này, em thấy cũng thú vị. Mình vẫn đảm bảo bán hàng được cho khách, sắp xếp tiện lợi, vệ sinh. Ở quê, diện tích nhỏ vậy khó mà kiếm ra tiền" - Đinh Hoàng Sơn, sinh viên năm ba Học viện Tài chính ngân hàng, cười nói và giơ cánh tay sang ngang để chứng minh diện tích nhỏ xíu của cửa hàng.

"Bí quyết" số 1 của các "siêu thị" tí hon này là gì? Chiều khách, chiều khách và chiều khách, để họ không chê chật chội mà đến với mình.

Vẫn làm được những việc "vĩ đại"

shop ti hon

Cửa hàng sửa điện thoại chỉ đủ chỗ cho một vị khách và ba thợ sửa - Ảnh: T.LÊ

"Làm sao các anh có thể xoay xở trong không gian bé tí thế này?" - tôi hỏi.

"Chúng tôi vẫn làm những công việc vĩ đại và ca hát được đấy thôi" - thợ trong cùng hài hước. Anh ta vươn tay quá đầu, khéo léo xoay người tại chỗ để giảm mỏi mà không vướng víu đồ đạc.

Nhà vườn độc nhất ở phố cổ Nhà vườn độc nhất ở phố cổ

TT - “Đến nhà số 6 Đinh Liệt chưa, nhà vườn duy nhất ở phố cổ Hà Nội đấy. Mà nhà lại nằm trong con ngõ chứ không phải ngoài đường đâu” - nghe chị Trần Thị Lan (Ban quản lý phố cổ Hà Nội) giới thiệu, người nghe rất ngạc nhiên, bởi ở cái thời buổi tấc đất tấc vàng này, nhất là lại trong ngõ nhỏ phố cổ, tìm đâu ra nhà vườn mấy trăm mét vuông!

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên