Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ngày 28-2 - Ảnh: PHẠM CHIẾN
Lướt qua bản tin hàng ngày đang "nóng" về chuyện giải cứu rau quả Hải Dương, về số ca nhiễm Covid, về việc khó khăn khi dạy online do học sinh chưa thể đến trường... Giữa những bề bộn "bình thường mới" ấy, chuyện chàng trai Nguyễn Ngọc Mạnh cứu được cháu bé rơi từ tầng 12 của một chung cư làm trái tim tôi chựng lại trong giây lát, rồi tràn lên một cảm xúc khó nói thành lời.
Cảm giác đầu tiên là giật mình: Trời, nếu đó là con, cháu mình thì sao? Và liền đó là sự khâm phục: May quá nhờ có Mạnh! Mà sao anh ấy nhanh trí và dũng cảm như vậy?
Đã có lúc chúng ta chứng kiến ngoài đường phố, trên mạng xã hội nhiều sự việc, tai nạn chỉ do một giây bất cẩn, hay một vụ đánh nhau từ nguyên nhân nào đó...
Thế nhưng điều chúng ta thường nhìn thấy là gì? Đó là sự chậm trễ cứu giúp người bị tai nạn, có thể do bất ngờ và nhiều người chưa có kỹ năng ứng xử trong trường hợp khẩn cấp, nhưng vẫn có sự lảng tránh vì ngại "tai bay vạ gió", việc gọi xe cấp cứu hay báo cho người có chức trách cũng không được thực hiện ngay…
Ngược lại điều chúng ta thường thấy là đám đông xúm xít chỉ chỏ bàn tán, thậm chí có những chiếc điện thoại đã vội vã giơ lên, cố quay lại sự việc và sau đó "phát sóng" trên mạng xã hội. Người bị nạn bất lực chịu đựng và chắc hẳn, sự oán trách, giận dữ của họ không chỉ đối với người gây ra tai nạn, mà còn hướng đến cả đám đông vô tình xung quanh. Thử hỏi có mấy người gặp phải thái độ thờ ơ như vậy sẽ cứu giúp người khác lúc khó khăn?
Chính vì vậy, sự nhanh trí và hành động quyết liệt của Nguyễn Ngọc Mạnh đã mang lại cho nhiều người một nguồn năng lượng thật tích cực.
Chúng ta nhận ra vẫn có người tốt xung quanh mình, họ là những người bình thường, giản dị mà có thể ta gặp trên đường phố hay nơi nào đó.
Việc làm của Mạnh cho thấy trong mỗi người đều ẩn chứa lòng tốt, sự trắc ẩn và xả thân cứu giúp đồng loại.
Những việc làm tốt thường bình dị nhưng lại đòi hỏi sự quên mình. Chỉ một tích tắc lưỡng lự, chần chừ hay thờ ơ, tính toán, hậu quả khó lường sẽ xảy ra. Vượt qua được tích tắc ấy là nhờ tia sáng thiện tâm lóe lên, dẫn dắt con người kịp thời hành động.
Cuộc sống luôn có những bất trắc, nên con người luôn coi tấm gương quên mình như những "siêu nhân" bất ngờ xuất hiện mang lại điều lành. "Siêu nhân" chính là lòng tốt và sự dũng cảm của con người được nhân lên nhiều lần và sẵn sàng vì người khác. Nhờ những người như vậy mới có những em nhỏ được cứu sống, người chết đuối được hồi sinh, kẻ yếu thế thoát khỏi sự truy bức của bọn côn đồ...
Tuy nhiên, lòng trắc ẩn, lòng tốt "bản năng" rất dễ bị tổn thương do những va chạm trong đời sống, càng nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội thì "bản năng gốc" tốt đẹp càng "ẩn trốn" kỹ hơn trong sâu thẳm của tâm thức... nếu không được ủng hộ và nuôi dưỡng thì con người khó có thể bộc lộ những hành xử tốt.
Câu chuyện về sự quên mình của "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh - "một việc làm bình thường" như anh nói - đã nhanh chóng được lan truyền với sự cảm phục của cộng đồng, mang lại một cơ hội "kích hoạt" lòng nhân ái trong mỗi chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận