09/11/2018 11:35 GMT+7

Siết chặt quản lý để ngăn ngừa phân bón giả

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Quốc hội đề nghị thiết lập hành lang kỹ thuật và quy định chế tài nghiêm khắc để ngăn ngừa phân bón giả, đồng thời khuyến khích sử dụng các loại phân bón thân thiện với môi trường.

Siết chặt quản lý để ngăn ngừa phân bón giả - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đề nghị quy định chế tài nghiêm minh để xử lý các đối tượng làm phân bón giả - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 9-11, các địa biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trồng trọt, trong đó có quy định về quản lý phân bón. Nhiều ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ để ngăn ngừa nạn phân bón giả, tránh gây tổn hại môi trường và quyền lợi của người nông dân.

Theo dự thảo luật, "một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón". Trước băn khoăn của một số đại biểu về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo giải trình.

"Hiện tại thị trường phân bón Việt Nam rất đa dạng, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn phổ biến. Do vậy, việc quy định 'một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón' là cần thiết để tránh hiện tượng cùng một công thức phân bón, cùng hàm lượng, chỉ tiêu nhưng lại được doanh nghiệp đăng ký dưới nhiều tên thương mại, gây cho người tiêu dùng hiểu lầm là có nhiều loại phân bón khác nhau", báo cáo viết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, quy định nêu trên không hạn chế việc doanh nghiệp đứng tên nhiều loại sản phẩm phân bón khác nhau với các công thức, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng khác nhau.

Đối với quy định về thời hạn công nhận phân bón được lưu hành tại Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng nên phải quản lý chặt chẽ. Việc quy định thời hạn quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam là 5 năm và được gia hạn là phù hợp với tình hình sản xuất phân bón hiện nay và tương đồng với thời hạn các loại giấy phép được quy định trong các luật hiện hành.

Đồng tình với quan điểm phải quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đề nghị quy định rất cụ thể về cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng để kiểm soát chất lượng phân bón, bởi phải rõ trách nhiệm thì mới giải được bài toán chất lượng phân bón.

"Cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang kỹ thuật phân bón, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm cùng với chế tài nghiêm khắc, để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, vừa ngăn ngừa phân bón giả", bà Hằng bày tỏ.

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng quy định sử dụng phân bón đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi, cây trồng, môi trường..., đảm bảo hiệu quả là đúng, nhưng chưa thể hiện được việc khuyến khích loại phân bón nào nên sử dụng và phân bón nào nên hạn chế sử dụng.

"Tôi đề nghị bổ sung quy định khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp, hạn chế đến mức tối đa phân bón vô cơ", ông Y Khút Niê bày tỏ.

Doanh nghiệp phân bón buồn vì không được đóng thuế VAT Doanh nghiệp phân bón buồn vì không được đóng thuế VAT

TTO - Trong khi nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng than thuế VAT cao ăn hết lợi nhuận thì giới làm phân bón muốn được tự nguyện đóng sắc thuế này. Vì sao có chuyện "lạ lùng này".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên