18/07/2021 22:45 GMT+7

Siết chặt phòng chống dịch, Hà Nội khẳng định dự trữ gấp 3 lần, cung ứng đủ hàng

N.AN
N.AN

TTO - Doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30-50% lượng hàng hóa thiết yếu, đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.

Siết chặt phòng chống dịch, Hà Nội khẳng định dự trữ gấp 3 lần, cung ứng đủ hàng - Ảnh 1.

Sở Công thương Hà Nội cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng gấp 3 lần - Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Đó là khẳng định của Sở Công thương Hà Nội khi có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong ngày 18-7 về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19, ngay sau khi UBND thành phố có công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30 - 50% lượng hàng hóa thiết yếu, đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.

Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở Công thương Hà Nội, trong 3 tháng tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỉ đồng cho 15 mặt hàng thiết yếu, lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỉ đồng.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công thương đã đề nghị các hệ thống phân phối cần chủ động hơn nữa nắm sát tình hình dịch COVID-19 để có phương án chi tiết thu mua hàng hóa, đảm bảo nguồn cung.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…

Để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Sở Công thương Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp cho hệ thống phân phối các doanh nghiệp có nguồn cung thiết yếu của các tỉnh, thành phố và Hà Nội để các doanh nghiệp chủ động kết nối nguồn cung, tăng lượng hàng phục vụ nhân dân.

Đồng thời, sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán, đề nghị Tổng công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn thành phố.

Cũng trong chiều 18-7, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc, kiểm tra tại nhiều địa bàn để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá.

Người dân không nên tích trữ hàng

Trước thông tin TP Hà Nội công bố việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch từ 0h ngày 19-7, một số địa bàn có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng, gây nên tình trạng thiếu hàng cục bộ.

Bộ Công thương khuyến cáo người dân yên tâm không tích trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Bộ Công thương đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội, chỉ đạo Sở Công thương cũng như các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Thủ tướng yêu cầu 7 bộ lập tổ công tác đặc biệt, đưa thêm nhân lực y tế hỗ trợ miền Nam Thủ tướng yêu cầu 7 bộ lập tổ công tác đặc biệt, đưa thêm nhân lực y tế hỗ trợ miền Nam

TTO - 7 bộ Quốc phòng, Công thương, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Xây dựng, LĐ-TB&XH, TT&TT được yêu cầu thành lập tổ công tác đặc biệt cho phía Nam. Các địa phương chưa thực hiện chỉ thị 16 tổng hợp nhân lực y tế để hỗ trợ tổng lực cho miền Nam.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên