18/07/2021 18:43 GMT+7

Dồn mọi nguồn lực tập trung phòng, chống dịch COVID-19

L.THANH - B.NGỌC
L.THANH - B.NGỌC

TTO - Từ nay đến cuối năm, theo Chính phủ, ngân sách tập trung nguồn lực gồm cắt giảm và tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn khác để chi cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Dồn mọi nguồn lực tập trung phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm nay.

Theo tờ trình báo cáo, số thu 6 tháng đầu năm đạt khá. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt trên 52% dự toán và tăng tới hơn 17% so với cùng kỳ.

Ngân sách luôn chủ động đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm, dự phòng ngân sách trung ương đã chi 2.200 tỉ đồng cho công tác chống dịch, trong đó, 1.799 tỉ đồng cho Bộ Y tế mua vắc xin, vật tư hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị, còn 402 tỉ đồng hỗ trợ địa phương.

Cùng với đó, trước yêu cầu tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021. Đồng thời, việc rà soát các nhiệm vụ chi trong năm nay cũng được thực hiện quyết liệt. Dự kiến ngân sách cắt giảm và tiết kiệm chi thường xuyên được ước khoảng 11 - 12 ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ báo cáo dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là bùng phát ở các tỉnh phía Nam khiến số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Ước tính số nợ thuế nội địa đến hết tháng 6 là khoảng 116.000 tỉ đồng, tăng 20.800 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.

Điều này phản ánh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và cân đối tài chính.

Với chủ trương cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương ưu tiên bố trí cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo đời sống cho người dân, ngân sách trung ương đã dành trên 14.500 tỉ đồng để mua vắc xin phòng dịch COVOD-19.

Cụ thể, Chính phủ đã bổ sung 1,237 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 để mua vắc xin phòng đại dịch này.

Về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, dự kiến có trên 14.950.000 người lao động được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí ước tính 26.000 tỉ đồng. Trong đó, 2.500 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, 7.500 tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay lãi suất 0%/năm; khoảng 16.600 tỉ đồng từ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng nêu do quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ chưa dự báo hết được diễn biến khó lường của dịch bệnh, dẫn đến tính toán tác động của chính sách hỗ trợ ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa sát với thực tế. Kết quả thực hiện một số chính sách chi ngân sách thấp hơn dự kiến.

Để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách những tháng cuối năm, Chính phủ cam kết sẽ tập trung những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chủ động cân đối đảm bảo đầy đủ nguồn lực ngân sách nhà nước, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước mua vắc xin và cho các hoạt động phòng chống dịch.

Đồng thời, Chính phủ trình Quốc hội chỉ đạo các địa phương chủ động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn khác gồm cả nguồn cải cách tiền lương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn cho đại dịch COVID-19, không để phát sinh tình trạng chậm, muộn. 

Trường hợp hụt thu và phải chi những khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn thì phải sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác.

Tổng nguồn lực huy động mua vắc xin đã đạt khoảng 25.000 tỉ đồng Tổng nguồn lực huy động mua vắc xin đã đạt khoảng 25.000 tỉ đồng

TTO - Hôm nay 16-7, trong thông cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết tính đến nay, tổng nguồn lực huy động để mua vắc xin phòng dịch COVID-19 đạt khoảng 25.000 tỉ đồng.

L.THANH - B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên