25/08/2017 16:58 GMT+7

'Siết' cao ốc: một quyết định hợp lý

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Thông tin UBND TP.HCM không cấp phép xây dựng cho các công trình cao ốc tập trung đông người ở những nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và người dân thành phố.

Ông Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: TỰ TRUNG
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: TỰ TRUNG

Nếu tất cả cao ốc được hội đồng khoa học của Sở GTVT (hiện chưa có hội đồng này) đánh giá độc lập trước khi cấp phép thì chắc chắn không đưa đến tình trạng những cụm cao ốc chung cư với chiều cao hàng chục tầng tập trung vây quanh sân bay Tân Sơn Nhất".

Ông NGUYỄN MINH HÒA

Thật ra, việc hạn chế phát triển nhà cao tầng ở khu vực 14 quận nội thành đã được đề cập từ năm 2010, nhưng vì nhiều lý do mà chỉ thực hiện có kết quả ở khu vực trung tâm 930ha, còn các khu vực khác dường như bị bỏ lơ, nhất là khu vực phía nam và tây bắc.

Do vậy, các cao ốc mọc lên rất nhanh sau một thời gian trầm lắng khi thị trường bất động sản đóng băng. Lần này, UBND TP.HCM có một động thái quyết liệt, cho thấy đã đến lúc không thể chần chừ thêm được nữa.

Một quyết định hợp lý

Trước hết, cần có một nhận thức đúng về hệ quả phát triển cao ốc tràn lan không theo kế hoạch. Việc ngưng không cho phát triển cao ốc không phải chỉ giải quyết đơn thuần bài toán tắc nghẽn giao thông và lại càng không phải chỉ là công trình xây dựng, mà đây là bài toán của phát triển đô thị.

Thực tế cho thấy khi một cao ốc mọc lên, dù là chung cư, văn phòng cho thuê hay trung tâm thương mại, sẽ hút về đây hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người đến cư trú và giao dịch. Lúc này xuất hiện một hệ lụy dây chuyền, bắt đầu từ tích tụ dân số với số lượng đông và mật độ cao; kéo theo đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom xử lý rác thải; sau đó là nhu cầu cấp thiết buộc phải đáp ứng về cơ sở hạ tầng xã hội như trường mẫu giáo, trường phổ thông, bệnh viện, chợ, công viên và cố nhiên sẽ xuất hiện các rắc rối về an ninh, trật tự, cháy nổ.

Nhiều dự án cao tầng đang được xây dựng trên đường Phổ Quang, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, góp phần tăng mật độ giao thông trên đoạn đường này - Ảnh: T.T.D.
Nhiều dự án cao tầng đang được xây dựng trên đường Phổ Quang, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, góp phần tăng mật độ giao thông trên đoạn đường này - Ảnh: T.T.D.

Cần thêm “bộ lọc” chuyên ngành

Theo quy định của Chính phủ, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có một hội đồng quy hoạch và kiến trúc (QH-KT), có trách nhiệm xem xét các đề án quy hoạch, các công trình kiến trúc, công trình xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện trên địa bàn thành phố. Đây được coi như là người gác cửa cuối cùng trước khi trình cho lãnh đạo thành phố phê duyệt để cho sở xây dựng cấp phép.

Trong hội đồng QH-KT của thành phố dù có nhiều thành viên, các sở bao giờ cũng có một thành viên là giám đốc hoặc phó giám đốc sở tham gia như sở giao thông vận tải, sở xây dựng, sở văn hóa - thể thao… nhưng các vị lãnh đạo các sở bận trăm công nghìn việc nên không phải lúc nào cũng sắp xếp tham gia họp được.

Và hệ quả là nhiều công trình được thông qua nhưng không có ý kiến của sở chuyên ngành. Ngay cả trong trường hợp các vị có tham dự cũng không biết hết được thông tin các dự án, công trình mà mình quản lý, nên không ít trường hợp dự án được thông qua “một cách nhẹ nhàng”.

Do vậy, nếu muốn chấm dứt tình trạng liên tục ra các quyết sách “tức thời” nhằm đối phó tình huống thì các sở quan trọng nhất liên quan đến lĩnh vực xây dựng như sở giao thông vận tải, sở xây dựng cần thành lập hội đồng riêng của mình thẩm định các công trình về lĩnh vực chuyên ngành trước khi đưa đến “bộ lọc cuối cùng” là hội đồng QH-KT.

Chọn địa điểm phù hợp cho dự án

Không cấp phép xây dựng các cao ốc không có nghĩa là “cánh cửa đã đóng lại” vĩnh viễn với các nhà đầu tư có tâm và có tầm, vấn đề là ở chỗ các nhà đầu tư cần phải biết lựa chọn địa điểm để phát triển dự án sao cho lợi ích mang lại cho nhiều phía. Các dự án đó không chỉ hướng đến kinh doanh nhà ở, căn hộ mà còn phát triển các loại dịch vụ dân sinh, cảnh quan môi trường...

Công trình nhóm A: nên giao về TP

Trong đề án kiến nghị trung ương tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, có một đề xuất của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân liên quan đến việc xây dựng là đề nghị trung ương cho TP.HCM được phê duyệt và quản lý trực tiếp các công trình thuộc nhóm A.

Từ trước nay, đã có nhiều công trình xây dựng, các dự án hạ tầng kỹ thuật, các dự án phát triển dân cư thuộc nhóm A được xây dựng trên địa bàn TP.HCM nhưng xây dựng ở đâu, quy mô ra sao, hình thức thế nào do trung ương, trực tiếp là Bộ Xây dựng, quyết định.

Trên thực tế, các công trình nhóm A rất đa dạng, không phải chỉ có các công trình trọng điểm quốc gia, công trình an ninh - quốc phòng đặc biệt, mà còn cả các công trình có vốn nước ngoài, công trình của nhà đầu tư tư nhân trong nước có vốn từ 500 tỉ đến 1.500 tỉ đồng.

Vì thế, có không ít công trình nhóm A xuất hiện làm ảnh hưởng đến tính thống nhất của quy hoạch chung. Do vậy, việc phân quyền quản lý, quyền định đoạt cho TP.HCM là hoàn toàn đúng đắn trên tinh thần của Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định các chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước theo địa bàn và lãnh thổ.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên