Các công ty du lịch cũng nằm trong nhóm ngành sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất cho vay. Trong ảnh: hướng dẫn viên dẫn khách nước ngoài tham quan Bưu điện TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông ĐÀO MINH TÚ, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan việc triển khai nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã. Ông Tú nói:
- Ước tính có hàng trăm nghìn khoản vay của doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Chính sách hỗ trợ này cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn hơn khi vay vốn.
* Để được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh... phải đáp ứng điều kiện gì, thưa ông?
- Khi vay tín dụng bình thường sẽ được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Bởi bản chất gói hỗ trợ này là giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh... có khả năng phục hồi. Chính vì khách hàng có hoạt động khả quan, trả nợ gốc và lãi nên ngân hàng mới cho vay.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trong mọi lĩnh vực sẽ được hỗ trợ lãi suất, mà chỉ có 11 nhóm ngành và lĩnh vực mà Chính phủ quy định tại nghị định 31.
Đó là các khoản vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp...
* Thưa ông, có cơ chế nào nhằm đảm bảo chính sách không bị lợi dụng?
- Nguyên tắc triển khai hỗ trợ là phải minh bạch khách quan, rõ ràng, tránh lợi dụng, tránh rủi ro cho cả ngân hàng thực hiện và khách vay. Đặc biệt phải có giải pháp để theo dõi được dòng tiền là vay và được hỗ trợ lãi suất đúng đối tượng phục vụ sản xuất kinh doanh. Không thể hỗ trợ lãi suất ưu đãi của Nhà nước cho khoản vay sai mục đích.
Gói hỗ trợ lãi suất lần này là dùng vốn ngân sách nhà nước nên quy trình sử dụng vốn rất chặt chẽ theo đúng quy định Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước. Tức là vốn phải được xây dựng dự toán và phê duyệt, còn quá trình triển khai phải được quyết toán.
Nên khi vay khách hàng phải cam kết trong hồ sơ vay vốn là mục đích sử dụng vốn vào dự án, lĩnh vực gì...
Ngay cả với khoản cho vay thông thường, ngân hàng thương mại cũng phải thẩm định kỹ hồ sơ trước khi giải ngân, giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng.
Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách lần này, việc giám sát vốn càng chặt chẽ hơn với khoản vay được hưởng ưu đãi.
* Với những trường hợp sử dụng vốn sai mục đích sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Khách hàng phải sử dụng vốn được hỗ trợ lãi suất đúng những lĩnh vực mà Chính phủ quy định như tôi nêu ở trên.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cho vay cũng có trách nhiệm giám sát, theo dõi mục đích sử dụng vốn vay. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ lập tổ giám sát hoạt động này.
Nếu bị phát hiện vốn được hỗ trợ lãi suất sử dụng sai mục đích, người vay phải trả lại số tiền đã được cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại cho vay phải có trách nhiệm thu hồi khoản hỗ trợ sai đối tượng.
Và ngân sách cũng không quyết toán với những trường hợp này. Như vậy mới đảm bảo mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, khôi phục nền kinh tế.
Hỗ trợ ngay trên khoản lãi phải trả
Theo thông tư hướng dẫn vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, đến kỳ trả nợ lãi từ ngày 20-5-2022 đến hết 31-12-2023 hoặc khi số dư gói 40.000 tỉ đồng của chương trình này vẫn còn, ngân hàng thương mại sẽ giảm trừ 2% lãi suất cho khách hàng.
Chẳng hạn, khoản vay được giải ngân từ đầu năm 2022, đến cuối tháng 6 này phải trả 15 triệu đồng tiền lãi. Với chính sách này, khách vay sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất, tương ứng với 5 triệu đồng, chỉ phải trả ngân hàng 10 triệu đồng tiền lãi.
Nhiều ngân hàng muốn nới "room" tín dụng
Nhiều ngân hàng thương mại đề nghị được nới room tín dụng, do nhu cầu vay vốn tăng cao - Ảnh: N. PHƯỢNG
Tại hội nghị triển khai nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã do Ngân hàng (NH) Nhà nước tổ chức vào hôm 27-5, các NH thương mại đồng loạt đề nghị NH Nhà nước nới hạn mức (room) tín dụng.
Theo đại diện BIDV, dự báo 7 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng là rất lớn. Kết quả khảo sát hồi quý 4-2021 của BIDV cho thấy nhu cầu tăng tín dụng, nhất là của khách hàng tốt, tăng hơn 17% nhưng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH này năm nay chỉ dừng ở 10%.
Bà Phạm Thị Trung Hà, phó tổng giám đốc MB Bank, cho biết từ sau khi mở cửa phục hồi kinh tế nhu cầu vốn tăng lên rất lớn. "Do đó, NH Nhà nước nên mở room để các NH thực hiện tốt chương trình này", bà Hà kiến nghị.
Đại diện Vietcombank cũng cho rằng doanh nghiệp đang rất "khát" vốn để phục vụ cho phục hồi tăng trưởng. Trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đã trên 9%.
Theo thống kê của Agribank, dự kiến có khoảng gần 100.000 tỉ đồng dư nợ của các khách hàng tại NH này đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ. BIDV cũng có hơn 10.000 khách hàng đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất với gần 200.000 khoản vay.
VietinBank đã lên danh sách sơ bộ, ước tính số lượng khách đủ các điều kiện được hỗ trợ lãi suất chiếm 30% tổng quy mô tín dụng của NH này. Còn tại Vietcombank, với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng, các đối tượng hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ lãi suất lần này chiếm gần 30% tổng dư nợ với số lượng khoảng hơn 30.000 khách hàng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết chương trình hỗ trợ lãi suất 2% này là giải pháp hỗ trợ thêm cho tăng trưởng tín dụng nhưng không có nghĩa là tín dụng đi không đúng trọng tâm, trọng điểm mà phải đạt được yêu cầu của Chính phủ.
Với đề xuất nới room tín dụng, ông Tú thừa nhận ngay từ khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng kỳ đầu tiên năm nay, NH Nhà nước cũng thấy tín dụng tăng nhanh hơn. "Nhưng tín dụng tăng đến mức độ nào để phải kiểm soát lạm phát. Tăng tín dụng cao, áp lực với kiểm soát lạm phát tăng. Còn tăng ít thì không tăng trưởng kinh tế. Nên ở đây phải giải quyết thỏa đáng", ông Tú nói.
Tín dụng tăng mạnh ở lĩnh vực vận tải, dịch vụ...
Theo NH Nhà nước, tính đến ngày 27-5, ước tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,75%, tăng cao hơn gấp hai lần cùng thời điểm năm 2021. Theo đó, tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không phải dồn vào một vài lĩnh vực.
Thậm chí một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua lại có mức tăng trưởng tín dụng cao như vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%; tín dụng công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%..
L.THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận