26/11/2021 07:44 GMT+7

Sẽ đưa nhiều thuốc mới vào điều trị COVID-19

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong đã tăng liên tiếp trong một tuần qua. Tại TP.HCM, số ca COVID-19 mới ghi nhận ngày 24-11 là 1.666 ca, cao nhất kể từ ngày 4-10 (2.490 ca).

Sẽ đưa nhiều thuốc mới vào điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám, phát thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cùng với đó ca tử vong cũng tăng. Theo dữ liệu cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, ngày 24-11 có 77 ca tử vong (Bộ Y tế công bố 66 ca). Đây cũng là ngày có số tử vong cao nhất kể từ ngày 10-10 (82 ca).

Không chỉ TP.HCM, số ca mắc ngày 24-11 của cả nước (11.811 ca mới) cũng là cao nhất tính từ giữa tháng 10 trở lại đây. Trong đó, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận... là các tỉnh thành có số mắc mới tăng nhanh.

Liên quan đến vấn đề này, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết về các biện pháp can thiệp, về khả năng cung ứng dịch vụ y tế và thuốc điều trị. Ông Sơn nói:

- Việc mở cửa và thực hiện bình thường mới, sinh hoạt, kinh tế, đi lại của người dân cũng khiến số mắc mới gia tăng, từ đó kéo theo số ca diễn biến nặng. Đặc biệt tỉ lệ tử vong ở TP.HCM cũng như cả nước có xu hướng gia tăng, đã 3 - 4 ngày vượt qua 3 con số (trên 100 ca tử vong/ngày).

Với tất cả các trường hợp tử vong chúng tôi đã cho phân tích dữ liệu tìm nguyên nhân, theo báo cáo của TP.HCM, trên 50% các trường hợp này chưa tiêm vắc xin hoặc có yếu tố nguy cơ cao (cao tuổi, có nhiều bệnh nền...).

Vì vậy các địa phương phải nhanh chóng bao phủ 2 mũi vắc xin và tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh.

* Số ca tử vong tăng trở lại tại TP.HCM có liên quan gì đến việc các trung tâm điều trị tích cực người bệnh COVID-19 rút đi, và có hay không tình trạng quá tải cơ sở y tế?

- Hai việc này độc lập với nhau. Khi các đơn vị hỗ trợ rút đi bàn giao lại cho TP.HCM và các tỉnh có dịch nóng phải có kế hoạch bàn giao, để bàn giao êm ả không ảnh hưởng đến điều trị. Việc đào tạo nhân lực tại chỗ phải làm trước khi rút nhân lực hỗ trợ. Thứ ba là không ấn định thời gian rút đi, nếu địa phương còn cần thì đơn vị hỗ trợ tiếp tục ở lại. Số ca tử vong tại TP.HCM có tăng lên trong thời gian qua, nhưng chúng tôi cho rằng TP.HCM vẫn đang kiểm soát được tình hình.

* Gần đây TP.HCM có đề nghị được cấp 100.000 liều Molnupiravir nhưng mới được cấp 5.000 liều. Vậy khi nào đáp ứng nhu cầu của các địa phương?

- Thuốc Molnupiravir sử dụng trong đợt điều trị có kiểm soát, thời gian qua đã cung cấp miễn phí gần 250.000 liều cho người bệnh sử dụng, tuy nhiên đây là thí điểm nên thuốc cho chương trình này còn rất hạn chế. Sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu, Bộ Y tế tiến hành các bước để tiến tới cấp phép lưu hành cho các công ty có thể nhập khẩu, sản xuất thuốc này, đặc biệt là vừa qua Anh đã cấp phép lưu hành cho Molnupiravir.

Đây là điều kiện thuận lợi để tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh một số điểm trong điều 56 Luật dược hiện hành, giảm bớt các thủ tục để Bộ Y tế cấp phép lưu hành Molnupiravir và một số thuốc điều trị COVID-19 nhanh hơn. 

Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị một số loại thuốc được viện trợ có thể thay thế cho Molnupiravir, trong đó có thuốc của Nhật sớm có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp thuốc nhanh nhất đến các địa phương để khẳng định không bị đứt chuỗi điều trị và đủ thuốc cho bệnh nhân.

* Số F0 tăng, Bộ Y tế có kế hoạch chi viện cho các địa phương?

- Bộ Y tế đã nhận được đề xuất chi viện nhân lực, thuốc, thiết bị của Tây Ninh, Cần Thơ báo đã hết cơ số giường... Bộ Y tế sẽ cử một đoàn công tác do Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối đến các vùng dịch diễn biến phức tạp, đánh giá tình hình và khả năng đáp ứng, từ đó có thể có chi viện.

* Cần làm gì khi số ca tử vong tăng cho thấy tình hình đang phức tạp hơn?

- Đó là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở nhanh nhất và hiệu quả nhất, cung cấp thuốc đúng chỉ định sớm nhất. Đó là biện pháp cơ bản, nền tảng. Các trung tâm hồi sức, đặc biệt ở TP.HCM đã đầy đủ nhân lực, trang thiết bị. TP.HCM đã huy động quân đội tham gia theo dõi F0 tại nhà. Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để cung cấp thuốc sớm nhất, hiện chúng tôi đã nhận được 25.000 liều kháng thể kép và một số thuốc kháng virus, thuốc này sẽ cung cấp để điều trị sớm cho bệnh nhân.

TP.HCM tiếp nhận 10.000 ống thuốc Cytoflavin điều trị COVID-19 TP.HCM tiếp nhận 10.000 ống thuốc Cytoflavin điều trị COVID-19

TTO - Chiều 25-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tiếp nhận 10.000 ống thuốc Cytoflavin do Công ty STPF "Polysan" (Liên bang Nga) tài trợ. Số thuốc này sẽ được phân bổ đến 8 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM phục vụ cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên