15/11/2016 10:11 GMT+7

Sẽ có thêm nhiều Donald Trump ở châu Âu?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Giới quan sát nhận định chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang củng cố niềm tin cho các đảng phái cực hữu rằng lập trường dân tộc mạnh mẽ chống lại tự do thương mại và nhập cư sẽ giúp họ đạt đến quyền lực.

Thật ra làn sóng dân túy đã lan đến Đông Âu trước cả Mỹ. Chính phủ các quốc gia như Croatia, Hungary, Ba Lan và Slovenia đang là khuynh hữu.

Ở Tây Âu, Áo trong tháng 12 tới có khả năng sẽ bầu ra tổng thống đầu tiên theo cánh hữu kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Ông Norbert Hofer thuộc Đảng Tự do thua trong gang tấc hồi tháng 4, tuy nhiên do có một số bất thường trong việc kiểm phiếu nên bầu cử sẽ được tổ chức lại.

Theo báo USA Today, Pháp, Đức và Hà Lan, những nước có bầu cử trong năm 2017, đang chứng kiến sự ủng hộ trong dân chúng chuyển từ các chính đảng sang các phong trào dân tộc.

Xu hướng này đi lên trong bối cảnh dân châu Âu lo lắng vì khan hiếm việc làm do tác động của toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, họ xem cuộc khủng hoảng nhập cư là mối nguy cho an ninh và hệ thống phúc lợi xã hội. Nhiều người dân châu lục già cho rằng nhiều thập niên tham gia Liên minh châu Âu (EU) là nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngày nay.

“Người dân đã phát ốm với các chính trị gia, những người không chịu lắng nghe nỗi lo của họ về làn sóng nhập cư ngày càng đông, tình hình an ninh bất ổn, tiền thuế chi quá nhiều ra nước ngoài, thỏa thuận thương mại cướp mất việc làm... Chúng ta đang chứng kiến một mùa xuân ái quốc ở Mỹ lẫn châu Âu.

Chiến thắng của ông Trump chứng minh thay đổi là có thể” - ông Geert Wilders, nhà lập pháp kiêm thủ lĩnh đảng cực hữu Vì tự do của Hà Lan, nhận xét.

Ông Wilders được dự báo sẽ là thách thức lớn đối với Thủ tướng Mark Rutte thuộc Đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 3 năm sau.

Tại Ý, lãnh đạo Đảng Phong trào năm sao Beppe Grillo bình luận rằng những người phản đối ông Donald Trump “cố bấu víu vào một thế giới không còn tồn tại”.

Phe của ông Grillo đang gây áp lực khá lớn lên chính phủ trung tả của Thủ tướng Matteo Renzi trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp trong tháng 12 tới.

“Cử tri phương Tây mong mỏi nền dân chủ dân tộc, kiểm soát biên giới tốt hơn và quyền tự chủ đối với cuộc sống của họ. Hãy chuẩn bị cho những cú sốc chính trị sẽ diễn ra trong những năm tới” - ông Nigel Farage, lãnh đạo lâm thời Đảng Độc lập Anh và là một trong những “kiến trúc sư” của Brexit, đánh giá.

Một trong những cú sốc có thể xảy ra ở Pháp mùa xuân năm 2017. Thăm dò cử tri của truyền thông Pháp cho thấy bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận dân tộc cực hữu, sẽ dễ dàng lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống.

Tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống François Hollande đang ở mức “vực thẳm” sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố.

100 triệu cử tri Mỹ không đi bỏ phiếu

Theo ước tính của Đại học Florida (Mỹ), có khoảng 43% cử tri Mỹ năm nay không đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Trong số 232 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu (con số ước tính), chỉ có khoảng 132 triệu người chọn thực hiện quyền công dân. Như vậy 100 triệu người còn lại chỉ ngồi nhà xem tivi.

Ông Trump bổ nhiệm những vị trí đầu tiên

Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 13-11 (giờ Mỹ) đã bổ nhiệm chủ tịch Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) Reince Priebus làm chánh văn phòng Nhà Trắng.

Ông Trump cũng chỉ định ông Stephen Bannon, từng là giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump, làm cố vấn cấp cao trong nội các mới. Đây là những vị trí quan trọng đầu tiên được bổ nhiệm.

DUY LINH

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên