Liên quan đến việc một số lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết các lô hàng mà phía Trung Quốc cảnh báo không liên quan đến an toàn thực phẩm mà liên quan đến đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía bạn quan tâm.
"Phía bạn phát hiện các lô hàng trái cây sầu riêng, thanh long, xoài… vẫn còn sinh vật gây hại, chưa được làm sạch sâu bệnh, không đáp ứng đúng theo yêu cầu của nghị định thư đã ký" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật nói.
Để tránh lặp lại các vi phạm, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đề nghị mã vùng trồng, cơ sở đóng gói phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như các yêu cầu nêu trong nghị định thư này và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.
Ví dụ trái sầu riêng, Trung Quốc quan tâm tới các loài rệp sáp, ruồi đục quả... Trong hai năm đầu tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỉ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.
Trong trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong một số trường hợp, vùng trồng hoặc/và cơ sở đóng gói liên quan sẽ không được xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong thời gian còn lại của mùa vụ.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật, để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu.
Đối với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Đồng thời sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra kiểm dịch thực vật.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, chuối, sầu riêng, măng cụt, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm và chanh leo (hướng dẫn tạm thời) là các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán kỹ thuật nhóm cây có múi (bưởi, cam, quýt), dừa.
Sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả thu về 2,75 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường chủ lực nhập khẩu rau quả của Việt Nam khi chiếm hơn 60% thị phần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận