24/08/2024 08:17 GMT+7

Sau những bức hình lung linh là cảnh động vật bị huấn luyện, đánh đập dã man

Đằng sau một tấm hình lung linh bên cạnh những chú chó xinh xắn là mặt trái của việc động vật bị đánh đập nhằm huấn luyện các chiêu trò để mua vui cho khách thập phương.

Sau những bức hình lung linh là cảnh động vật bị huấn luyện, đánh đập dã man - Ảnh 1.

Nhiều chú chó cảnh được đưa ra quảng trường Lâm Viên cho du khách chụp ảnh - Ảnh: M.V.

Mấy ngày gần đây trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội dậy lên làn sóng lên án mạnh mẽ một nhóm người đánh đập dã man những con chó được đem ra chụp hình với du khách ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt. 

Mặt trái sau những bức hình lung linh

Những người bất bình cho rằng đằng sau một tấm hình lung linh bên cạnh thú cưng là mặt trái của việc những chú chó bị chủ nhân đánh đập nhằm huấn luyện các chiêu trò để mua vui cho khách thập phương. 

Hoặc nhiều trường hợp vật nuôi bị chủ bắt đứng trên hai chân cả ngày, chỉ được nghỉ ngơi phút chốc rồi lại phải phục vụ giữa trưa hè nắng nóng.

Năm ngoái, cũng tại thành phố ngàn hoa, dân mạng đã hết sức phẫn nộ đối với một video clip  lan truyền hình ảnh một người đàn ông dùng gậy đánh tới tấp chú chó giống Alaska. 

Nguyên nhân theo người đăng tải là do các con vật không chịu hợp tác để chụp ảnh với du khách nên bị chủ nhân trừng phạt. 

Đoạn video nhận về hàng ngàn bình luận bày tỏ bức xúc.

Tình trạng ngược đãi động vật không phải là vấn đề mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đã có nhiều trường hợp tương tự xảy ra trong quá khứ, gây phản ứng dữ dội từ cộng đồng. 

Những năm trước, hình ảnh những chú gấu bị xích trên xe giễu qua khắp phố phường ở TP.HCM để tiếp thị cho các gánh xiếc gây phản cảm khiến các em nhỏ phải thốt lên với cha mẹ: "Tội nghiệp ông gấu quá ba".

Năm 2017, Tổ chức Động vật châu Á đã gửi công văn cho Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Cục Kiểm lâm TP.HCM đề nghị không nên sử dụng động vật, động vật hoang dã quý hiếm diễn xiếc phục vụ khách du lịch. 

Đặc biệt, các tổ chức quốc tế yêu cầu dừng hoạt động xiếc thú ở khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ vào thời điểm đó. 

Rạp xiếc thú này thường xuyên diễn các tiết mục chó nhảy qua vòng lửa, khỉ bị bịt mắt đạp xe… Đây vốn là những hành vi trái tự nhiên của chúng. Dưới đòn roi của con người, chúng buộc phải "diễn" trong sợ hãi.

Ngoài những vụ việc liên quan đến các loài thú cưng hoặc vật nuôi, vấn đề ngược đãi động vật hoang dã để lấy lông, sừng, mật làm thuốc đông y cũng đã từng được ghi nhận và lên án. Nhiều loài động vật bị nhốt trong điều kiện tồi tệ hoặc bị giết hại để phục vụ cho các mục đích thương mại.

Một người bạn kể về trải nghiệm mới đây của chị khi đi tham quan một khu du lịch sinh thái ở một tỉnh. Chị đã hốt hoảng trước cảnh ba chú mèo bị nhốt chung trong chuồng hổ tại đây. Những con mèo sợ hãi co rúm trong những chỗ ẩn nấp phía trên cao. 

Trong khi đó khu du lịch này có hẳn một chuồng để nhốt mèo thuộc loại vật nuôi rất gần gũi với con người. Chị bạn đã yêu cầu đơn vị quản lý phải tách mèo ra khỏi chuồng hổ và đã được ghi nhận. Việc phải thả bầy mèo ra đang được khu du lịch xem xét phương án phù hợp.

Tẩy chay để bảo vệ động vật

Câu chuyện sử dụng thú cưng để thu hút du khách tại các điểm đến công cộng ở Đà Lạt cũng là một bài toán đau đầu của chính quyền địa phương. 

Theo UBND phường 10 (TP Đà Lạt), năm 2023 lực lượng chức năng đã từng xử lý nhiều trường hợp với lỗi kinh doanh tự phát bằng cách dùng chó để thu tiền chụp ảnh của du khách và hành vi dắt chó ra đường không rọ mõm. 

Chính quyền phường rất muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này để tránh ảnh hưởng hình ảnh của thành phố du lịch. 

Tuy nhiên, lực lượng chức năng không thể túc trực để xử lý vi phạm. Nhiều trường hợp được người dân báo tin, khi lực lượng chức năng xuất hiện thì những người này đã rời đi.

Chắc chắn những hành vi đã đề cập không chỉ gây tổn thương trên thể xác các loài động vật mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của các địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.

Để chấm dứt tình trạng ngược đãi động vật, cần sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có thể góp phần tạo nên một xã hội văn minh, nơi mà động vật được bảo vệ. Trên hết là giáo dục nhận thức về việc tôn trọng sự sống của mọi loài. 

Mahatma Gandhi từng nói: "Lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, chúng ta đều là những vị khách trên Trái đất. Và trong thời gian lưu trú tại đây, chúng ta có trách nhiệm chăm sóc ngôi nhà chung và tất cả những sinh vật sống trong đó".

Bên cạnh tuyên truyền, thiết nghĩ chính quyền các cấp, ngành chức năng cần sớm có các biện pháp quản lý, giám sát tốt hơn, hoặc hoàn thiện các quy định pháp luật xử lý nghiêm đối với các hành vi ngược đãi động vật hoặc lạm dụng vật nuôi để kinh doanh du lịch. 

Phát triển du lịch bền vững chính là khuyến khích tối đa các hình thức du lịch thân thiện môi trường và động vật.

Không sử dụng dịch vụ cũng là cách bảo vệ động vật

Không mua bán, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã và đối xử với động vật một cách tử tế. Trước mắt, mỗi người hãy "nói không" đối với các dịch vụ cho thuê thú cưng để chụp ảnh tại các địa điểm du lịch.

Dĩ nhiên không phải ai hay ở đâu trong số họ cũng ngược đãi các chú chó, bé mèo… nhưng giải pháp hữu hiệu để không còn những hình ảnh tồi tệ hiện nay là tẩy chay dịch vụ.

Điều đó giúp xóa bỏ mặt trái của những tấm ảnh âu yếm bên các con vật đáng yêu và góp phần bảo vệ các quần thể của chúng.

Vụ chó ở Đà Lạt bị đánh dã man: Mặt trái sau những bức hình lung linh - Ảnh 4.Vụ chú chó ở Đà Lạt bị đánh đập: Vi phạm quy định về phúc lợi cho động vật

Vụ chú chó Alaska ở quảng trường Lâm Viên Đà Lạt bị đánh đập dã man, là hồi chuông cảnh báo việc đảm bảo phúc lợi cho động vật trong quá trình sử dụng với mục đích du lịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên