02/10/2021 10:35 GMT+7

Sau mở cửa, giữ an toàn ra sao?

HOÀNG LỘC ghi
HOÀNG LỘC ghi

TTO - Sau ngày đầu tiên TP.HCM mở cửa, vấn đề đặt ra là tình hình dịch bệnh những ngày tới sẽ ra sao, làm sao để dịch không bùng phát trở lại, cần phải thực hiện những gì để việc mở cửa này được duy trì, hướng tới mở cửa rộng hơn?

Sau mở cửa, giữ an toàn ra sao? - Ảnh 1.

Cửa hàng súp cua của anh Lê Văn Tài, quận 4, TP.HCM, khử khuẩn khi bán cho khách trở lại sáng 1-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trả lời đầy đủ câu hỏi này là rất cần thiết khi tình hình số ca mắc ở TP.HCM và Đông Nam Bộ vẫn còn ở mức khá cao, gần một nửa bệnh nhân ghi nhận cả nước ngày 30-9 là ca cộng đồng. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia.

* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Số ca mắc có thể tăng, ca tử vong sẽ giảm

Có thể nói đến lúc này, chúng ta tạm yên tâm với tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hệ số lây truyền thực tế (Rt) đang có xu hướng giảm dần (ngày 20-8 khoảng 1,35 - 1,15; đến nay ước tính chỉ còn 0,88). 

Cùng với đó, số ca tử vong có chiều hướng giảm, các hệ thống giường bệnh thông thường và giường ICU (hồi sức) không còn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Với các dữ liệu nêu trên, theo tôi, sau ngày 1-10, khi TP.HCM dần mở cửa các loại hình dịch vụ, sinh hoạt, có thể số ca mắc COVID-19 sẽ tăng nhưng không quá nhiều; số ca tử vong sẽ tiếp tục giảm nhẹ. 

Và nếu TP thực hiện tốt các giải pháp phòng dịch, tôi tin tưởng có thể sẽ giảm cả hai chỉ số về số ca mắc và tử vong.

Các giải pháp tốt đó là gì? Đó chính là cần đẩy mạnh truyền thông nguy cơ, tức giáo dục sức khỏe cho người dân để họ nhận thức được các mức độ nguy cơ, cũng như lợi ích mang lại nếu tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch. 

Ngoài ra khi mở cửa, điều quan trọng là khả năng giám sát của hệ thống y tế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ cần phải được nâng cao, siết chặt một cách triệt để.

Các niềm tin về khả năng ứng phó với dịch bệnh của tôi còn dựa trên cơ sở dữ liệu TP.HCM có tỉ lệ tiêm chủng khá cao (trên 95%) và tỉ lệ người đã mắc COVID-19 tương đối lớn. 

Ngoài ra, sự ý thức tuân thủ phòng dịch của người dân đang dần tốt lên, thậm chí còn tốt hơn nhiều nước khác trong khu vực và thế giới.

* Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch Hội ngành nghề y tư nhân, Sở Y tế TP.HCM):

Yên tâm với sức đề kháng "vô hình"

Có một sự khác biệt rất lớn so với các lần bùng phát dịch đợt 1, 2, 3, đó là lần thứ 4 này chúng ta có vắc xin, số ca mắc COVID-19 và tử vong rất cao. 

Với thực tế đó đã tác động trực tiếp vào ý thức của người dân rất lớn, kéo theo đó là ứng xử của từng cá nhân với dịch bệnh thay đổi rất khác. Họ sống chậm hơn, tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K, hiếm thấy sự coi thường trước dịch bệnh.

Ngoài ra, qua thực tế quá khốc liệt của dịch bệnh, cách sống, sinh hoạt và suy nghĩ của mỗi người đều thay đổi rất nhiều. 

Mỗi cá nhân đều có sự đề phòng hơn trước dịch bệnh, và đây chính là sức "đề kháng vô hình" với bệnh tật, bên cạnh "đề kháng hữu hình" là vắc xin và các loại thuốc điều trị đặc hiệu.

Hiện tại có thể đại bộ phận người dân có sự phấn khởi với việc mở cửa nhưng sự phấn khởi này không thực sự "ghê gớm" như "con chim sổ lồng". 

Đây chính là các tín hiệu khá lạc quan trong thời gian tới, bởi bản thân mỗi người dân đều có một sự nhận thức, chủ động nhất định và việc phòng chống dịch bệnh không còn là "chuyện của riêng ai".

* TS Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy):

Chú trọng đào tạo nhân lực

Tại khoa bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang dần "giảm nhiệt", số ca chuyển nặng và tử vong ngày càng giảm. 

Để đạt được điều này, tôi cho rằng bên cạnh khả năng hiểu biết về dịch bệnh của người dân, các y bác sĩ được nâng cao; phác đồ điều trị, thuốc men, các trang thiết bị y tế bổ sung kịp thời; một phần rất quan trọng là tỉ lệ tiêm chủng vắc xin của người dân đạt được mức độ tương đối.

Vấn đề quan trọng thời gian tới, theo tôi, cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực cho hồi sức, truyền nhiễm và y tế dự phòng để chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh phát sinh trong tương lai.

Sau mở cửa, giữ an toàn ra sao? - Ảnh 2.

Một quán ăn trên đường Tôn Đản, quận 4, TP.HCM giao hàng cho shipper sáng 1-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

* TS Nguyễn Trung Hòa (giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp):

Ý thức "vùng an toàn" cho chính mình

Đến giờ này tôi thấy rằng từ người dân cho đến hệ thống y tế đã "trưởng thành, mạnh mẽ" hơn hẳn, đặc biệt nền tảng y tế cơ sở (trạm y tế lưu động, tổ COVID-19 cộng đồng...) từng bước được bổ sung năng lực để giữ được trận địa phòng dịch.

Như vậy chúng ta đã xây dựng được nền móng y tế, đủ sức chịu đựng trước dịch bệnh và hy vọng thời gian tới sẽ chủ động kiểm soát được các kịch bản xảy ra. 

Dù số ca mắc COVID-19 có tăng nhưng việc cách ly, điều trị vẫn diễn ra bình thường, không còn quá căng thẳng như cách đây nhiều tháng.

Việc thành phố dần mở cửa cũng có thể sẽ là "phép thử" để đánh giá thực tế khả năng ứng phó với dịch bệnh. 

Do đó mỗi người dân, cơ quan công sở, đơn vị kinh doanh... khi được mở cửa phải ý thức kiểm soát "vùng an toàn" cho chính mình. Đã trải qua dịch bệnh, bắt buộc tất cả phải hiểu rõ cách thức chống dịch một cách chủ động khi có ca mắc mới. 

Để mọi việc dần bình thường mới, không còn cảnh xuất hiện ca F0 là "sợ xanh mặt" phải đóng cửa ngưng trệ sản xuất như lúc trước.

Sau mở cửa, giữ an toàn ra sao? - Ảnh 3.

Người dân đưa chứng nhận tiêm vắc xin và khai báo y tế mới được vào siêu thị mua sắm sáng 1-10 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Các nước Đông Nam Á mở cửa trở lại ra sao?

Philippines: Tiếp tục nới lỏng các hạn chế phòng dịch tại vùng đô thị Manila, cho phép nhà hàng tăng gấp đôi công suất phục vụ lên 20%, mở cửa lại phòng gym. Ngày 20-9, mở thí điểm lớp học trực tiếp tại 120 trường ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp trong 2 tháng.

Ngày 16-9, nhà hàng, tiệm spa và các doanh nghiệp nhỏ tại vùng đô thị Manila được phép mở cửa trở lại, trong đó quán ăn trong nhà chỉ phục vụ những nhóm nhỏ gồm những người đã tiêm đầy đủ.

Các buổi tụ tập tôn giáo và dịch vụ chăm sóc cá nhân được phép hoạt động lại với tối đa 30% sức chứa của địa điểm.

Đầu tháng 9, vùng đô thị Manila dỡ bỏ lệnh ở yên trong nhà, thí điểm áp dụng chính sách "phong tỏa cục bộ" - tập trung phong tỏa cụ thể một hộ gia đình, một tòa nhà hay một con phố khi phát hiện ca nhiễm - để kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Indonesia: Sẽ mở cửa đón khách nước ngoài đến đảo Bali và một số điểm du lịch khác trong nước từ tháng 10. Indonesia dự tính mở cửa biên giới trở lại khi đạt mục tiêu tiêm liều đầu tiên cho ít nhất 70% dân số cả nước vào tháng 11 tới.

Tính đến giữa tháng 9, Indonesia đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 40% dân số, và số ca mắc mới theo ngày của Indonesia đã giảm 94,5% so với lúc đỉnh dịch hồi tháng 7 vừa qua.

Thái Lan: Sẽ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc đối với du khách đã tiêm chủng tại thủ đô Bangkok và 9 khu vực khác từ ngày 1-11, trong lúc Thái Lan đẩy mạnh tiêm chủng và hồi sinh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.

Từ 1-10, Thái Lan nới lỏng các biện pháp phòng dịch để cho phép thêm nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, trong đó có spa, thư viện, rạp chiếu phim, các địa điểm thể thao trong nhà. Thái Lan cũng giảm thời gian cách ly trên cả nước đối với du khách nước ngoài từ đầu tháng này.

ANH THƯ

4 điều kiện quan trọng khi mở cửa

Ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng có thể mở lại được nhưng vẫn vừa mở vừa theo dõi, đồng thời vẫn hạn chế một số hoạt động như cách Singapore đang làm hiện nay.

qdi-8795 1(read-only)

Người dân tiêm vắc xin Pfizer tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 26-9 - Ảnh: Q.Đ.

* Ông nhận định gì về việc thế giới đã đi theo quan điểm sống chung an toàn với COVID-19, không thể "zero COVID-19" như trước đây, thưa ông?

- Thời điểm này Việt Nam đưa ra quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch có hiệu quả, theo tôi, là cách làm hợp lý.

Thứ nhất là chủng Delta lây lan nhanh, mình không đưa về 0 ca như trước đây được. Chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong kiểm soát dịch và mở rộng diện tiêm vắc xin, hệ thống điều trị và kinh nghiệm chống dịch cũng tốt lên.

Thứ hai, nhu cầu đời sống bắt buộc phải mở cửa, nếu không ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, an sinh xã hội và không có nguồn lực để chống dịch.

* Vậy hướng phòng chống dịch sẽ phải thay đổi như thế nào?

- Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất khi mở cửa lại là vẫn phải kiểm soát dịch. Vì tỉ lệ tiêm vắc xin của nước ta còn thấp, chưa đồng đều giữa các địa phương nên vẫn phải kiểm soát không để số mắc tăng cao sẽ quá tải bệnh viện và tử vong tăng.

Chúng ta có thể tính toán số mắc/100.000 dân/tuần tại mỗi địa phương để kiểm soát yếu tố nguy cơ này.

Hoạt động phòng chống sẽ theo hướng linh hoạt, địa phương số mắc còn ít (như Hà Nam hiện nay) truy vết được thì vẫn truy vết, địa phương dịch đã xâm nhập vào cộng đồng quá nhiều thì tập trung điều trị...

Đặc biệt lưu ý khi có dịch xảy ra phải điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ, phong tỏa ổ dịch theo nguy cơ, phong tỏa hẹp nhất có thể, tránh phong tỏa ngoài chặt trong lỏng để vẫn phòng chống dịch được mà không gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân một cách không đáng có.

Điều kiện thứ hai là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Điều kiện này là vô cùng quan trọng để Việt Nam nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Khi đạt được miễn dịch cộng đồng thì về lâu dài có thể "chung sống" như bệnh cúm mùa thông thường và hiện nay một số quốc gia coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng việc tiêm vắc xin không ngăn cản được hoàn toàn sự lây nhiễm như thực tế đã chứng minh gần đây.

Điều kiện thứ ba là phải luôn có sẵn cơ sở điều trị để không người bệnh nào không được can thiệp y tế khi cần thiết.

Tiếp tục tuân thủ tháp điều trị 3 tầng. Phải có hệ thống y tế cơ sở tiếp cận gần dân, đủ oxy... để người mắc COVID-19 không bị chuyển nặng, không gây "sụp đổ" hệ thống y tế, không gây tăng tử vong.

Điều kiện cuối cùng là tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải có phương án đảm bảo an toàn để thích ứng với dịch bệnh một cách phù hợp và linh hoạt, đảm bảo vừa kiểm soát được dịch vừa làm kinh tế thực hiện mục tiêu kép.

Tất cả các ngành, các địa phương đều phải có phương án thích ứng an toàn với dịch vì có tính đặc thù riêng.

* Nhiều quận huyện ở TP.HCM đã dần trở thành "vùng xanh". Theo ông, người dân cần chuẩn bị tâm lý cũng như "hành trang" gì để tự tin "sống chung" an toàn?

- Trách nhiệm của chính quyền, ngành y tế là thông tin đầy đủ về các nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ diễn tiến dịch và hiệu quả của các biện pháp phòng tránh cho mọi người dân.

Nếu đã thông tin đầy đủ nhưng vẫn có người e dè và không bị áp lực sinh kế đè nặng thì đó cũng là lựa chọn tất yếu, giúp họ thoải mái hơn về mặt tinh thần. Về khía cạnh nào đó, có người e ngại khi ra ngoài cũng sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh chung cho xã hội.

Trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch, những người vì mưu sinh hoặc tâm lý năng động, mong muốn có những hoạt động nhiều hơn và chấp nhận một nguy cơ nào đó... họ có thể được hoạt động, miễn là những hành động này tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền và cơ quan y tế địa phương, không gây gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho xã hội.

LAN ANH thực hiện

TP.HCM liên kết các tỉnh mở cửa ra sao? TP.HCM liên kết các tỉnh mở cửa ra sao?

TTO - Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh thống nhất dự kiến thành lập tổ điều phối hợp tác liên vùng trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

HOÀNG LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên