Anh bắt giữ thêm nghi can vụ chém chết binh sĩChém người man rợ ở London, bạo động ở Thụy ĐiểnDùng dao phay giết binh lính giữa London
Phóng to |
Đặc nhiệm chống khủng bố Pháp tăng cường tuần tra ở các địa điểm nhạy cảm như tháp Eiffel sau vụ tấn công - Ảnh: Reuters |
AFP đưa tin tối thứ bảy 25-5, một binh sĩ chống khủng bố Pháp đang đi tuần tra cùng hai đồng đội ở khu tài chính La Defense tại thủ đô Paris thì bất ngờ bị tấn công. Một gã đàn ông cao lớn lặng lẽ xuất hiện phía sau binh nhất Cedric Cordier (23 tuổi) và đâm một vật nhọn vào cổ anh rồi biến mất. Cordier bị mất rất nhiều máu nhưng vẫn sống sót và hiện đang được điều trị trong một bệnh viện quân sự. Các công tố viên Pháp cho biết các chuyên viên điều tra chống khủng bố đang xử lý vụ việc.
Vụ tấn công xảy ra chỉ ba ngày sau vụ binh sĩ Anh Lee Rigby bị hai thanh niên gốc Nigeria chém chết dã man giữa ban ngày ở thủ đô London.
Hung thủ là người Hồi giáo?
Theo AFP, máy quay an ninh cho thấy hung thủ cao khoảng 1,9m, có râu quai nón, độ tuổi trên 35. Hắn mặc một chiếc áo dài trắng theo kiểu Ả Rập. Các nhân chứng cũng mô tả hắn có thể là người gốc Bắc Phi. Tại ga tàu điện ngầm đông đúc ở khu La Defense, hung thủ ra tay cực nhanh và lẩn vào đám đông trốn thoát trước khi hai đồng đội của binh nhất Cordier kịp phản ứng dù họ được trang bị súng máy. Khi bỏ chạy, hắn cởi áo ngoài ra để dễ trà trộn vào những người châu Âu bình thường khác.
Điều tra sơ bộ cho thấy hung khí có thể là một con dao đa năng. Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định Cordier bị tấn công do anh là một binh sĩ. Trên kênh truyền hình France 2, Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls thừa nhận vụ tấn công chắc chắn khiến nhiều người phải liên tưởng đến vụ binh sĩ Rigby bị chém chết tại London. “Nhưng chúng ta cần cẩn trọng. Hãy còn quá sớm để đưa ra các giả thuyết. Điều quan trọng là phải truy tìm được hung thủ” - ông Valls nhấn mạnh.
Từ Aidis-Abeba, Ethiopia, nơi ông đang có mặt để tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên minh châu Phi, Tổng thống Pháp François Hollande đã lên tiếng cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy đây là một vụ tấn công bắt chước vụ giết người ghê rợn ở Anh. Dù vậy, việc các chuyên viên điều tra chống khủng bố tiếp nhận vụ án cho thấy nhà chức trách Pháp nghi ngờ đây cũng là một vụ tấn công khủng bố. Kể từ tháng 1-2013, Pháp đã duy trì tình trạng báo động cao trước nguy cơ tấn công khủng bố Hồi giáo khi quân đội can thiệp vào Mali. Khi đó, tổ chức AQIM, một chi nhánh của al-Qaeda ở Bắc Phi, đã đe dọa sẽ tấn công nước Pháp. Chính vì vậy, 450 binh sĩ đã được tăng cường để tuần tra hằng ngày tại các trạm tàu điện ngầm và những địa điểm nhạy cảm ở Paris. Tháng 3-2012, nước Pháp từng rúng động vì vụ một kẻ khủng bố Hồi giáo là Mohamed Merah bắn chết bảy người ở thành phố Toulouse.
Theo báo Le Monde, Chính phủ Pháp vừa tuyên bố sẽ vẫn giữ mức báo động khủng bố “đỏ, tăng cường”, dưới một mức so với ngưỡng “đỏ tươi”, được ban bố trong trường hợp xảy ra tấn công nghiêm trọng.
Anh lập nhóm chống cực đoan
Trong khi đó, báo Anh Guardian đưa tin Thủ tướng David Cameron đã quyết định lập một nhóm công tác chống cực đoan sau vụ binh sĩ Rigby bị sát hại và đích thân ông Cameron chủ trì ủy ban đặc biệt này. Các thành viên gồm có một số bộ trưởng nội các và các lãnh đạo an ninh. Ủy ban này sẽ tìm cách ngăn chặn các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan “tuyển quân” ở các nhà tù, trường học, đại học, thánh đường Hồi giáo...
Chính phủ Anh sẽ kêu gọi người theo đạo Hồi tố cáo những giáo sĩ truyền bá tư tưởng cực đoan, đóng cửa các trang web tuyên truyền cực đoan. “Thủ tướng quyết tâm thách thức và ngăn chặn giọng điệu truyền bá cực đoan độc địa của các giáo sĩ và lãnh tụ tôn giáo quá khích” - một quan chức chính quyền London nhấn mạnh, nhưng khẳng định ông Cameron không hề có ý định cản trở tự do ngôn luận mà chỉ muốn ngăn chặn các thông điệp bạo lực.
Báo Daily Mail đưa tin cảnh sát Anh vừa bắt giữ thêm ba người đàn ông bị tình nghi có dính líu đến vụ sát hại binh sĩ Rigby. Một nghi can bị vô hiệu hóa bằng súng điện.
Nhà chức trách Anh cũng đồng thời phải đối phó với làn sóng chống Hồi giáo hiện đang bùng lên dữ dội sau vụ giết người đẫm máu ở London. Hôm 25-5, khoảng 2.000 người thuộc phong trào chống Hồi giáo EDL đã biểu tình ở Newcastle. Một cuộc biểu tình khác cũng nổ ra ở Manchester. Dự kiến hôm nay người Anh sẽ biểu tình ở phố Downing (nơi văn phòng thủ tướng Anh đặt trụ sở). Một số phụ nữ ăn mặc theo kiểu Hồi giáo bị tấn công ở London và vài thành phố khác.
Stockholm vẫn chưa yên tĩnh Theo Reuters, bạo động ở Thụy Điển vẫn chưa lắng xuống. Sáng 26-5, một số nhóm thanh niên nhập cư Thụy Điển đã đốt xe cộ và ném đá vào cảnh sát ở ngoại ô thủ đô Stockholm. Tuy nhiên không có ai bị thương. Hiện nhà chức trách đã điều thêm cảnh sát đến tuần tra ở Gothenburg và Malmoe. Một số lượng lớn người tình nguyện cũng tham gia tuần tra cùng cảnh sát. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận