26/10/2022 14:14 GMT+7

Sau khi Ukraine trưng bày UAV của Iran, động cơ máy bay Rotax 912 bị lùng sục để... trộm

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Sau khi Ukraine trưng bày một máy bay không người lái của Iran gắn động cơ máy bay Rotax 912 bị rơi tại nước này, tội phạm trộm cắp nhiều nơi ráo riết nhắm mục tiêu vào động cơ này.

Sau khi Ukraine trưng bày UAV của Iran, động cơ máy bay Rotax 912 bị lùng sục để... trộm - Ảnh 1.

Động cơ máy bay hạng nhẹ Rotax 912 - Ảnh: ROTAX

Động cơ máy bay hạng nhẹ Rotax 912 do Áo sản xuất, được tìm thấy trong một máy bay không người lái Mohajar-6 do Iran sản xuất và Nga vận hành bị rơi tại Ukraine. Nó đã trở thành tâm điểm của một chiến dịch trộm cắp kéo dài và khó hiểu trên toàn cầu, đặc biệt là trong châu Âu.

Những tên tội phạm tinh vi biết cách vượt qua các biện pháp an ninh sân bay và tìm ra các động cơ này để lấy cắp chúng.

Hiệp hội Máy bay hạng nhẹ Anh (LAA) cho biết một đội tình báo quốc gia Anh tập trung vào tội phạm có tổ chức đã được triệu tập để điều tra vấn đề.

Trong những năm qua, nhiều động cơ Rotax đã bị đánh cắp từ các máy bay hạng nhẹ ở Anh, trang tin The Drive cho biết.

Các nhà điều tra ở Na Uy cũng đang tìm hiểu những hành vi trộm cắp động cơ Rotax 912. Theo họ, những tên tội phạm dường như biết chính xác những gì chúng đang làm và cách thức tổ chức, để có thể mang đi một động cơ nặng hơn 100kg mà không bị phát hiện.

Động cơ dành riêng cho máy bay do Rotax - một công ty con ở Áo thuộc sở hữu của Công ty Canada Bombardier Recreational Products (BRP) - sản xuất, thường được tìm thấy trong các loại máy bay hạng nhẹ và siêu nhẹ.

Tuy nhiên khi chiến cuộc ở Ukraine nổ ra, việc giao hàng của Rotax cho Iran đã ngừng lại, do vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU): cấm xuất khẩu các mặt hàng cho cả mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như phụ tùng xe cộ.

Các biện pháp trừng phạt trên cũng được EU áp đặt đối với Nga.

Sau khi phát hiện động cơ Rotax trong máy bay không người lái Mohajer-6, Rotax và BRP đã đưa ra một thông cáo báo chí phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Trong những năm trước, các máy bay không người lái khác của Nga cũng đã sử dụng động cơ Rotax.

Các thông tin về động cơ Rotax cung cấp năng lượng cho các UAV của Iran đã tồn tại một thời gian, cụ thể là các biến thể động cơ máy bay hạng nhẹ Rotax 912 và 914.

Ví dụ, Shahed-129 do Iran sản xuất được thông báo rộng rãi là sử dụng động cơ 4 xy lanh Rotax 914.

Theo trang web của Công ty Rotax, hơn 130 động cơ Rotax 912 và 6 động cơ Rotax 914 đã bị đánh cắp trên toàn thế giới từ năm 2000 đến năm 2021.

Vụ đầu tiên bị đánh cắp ở Đức và gần đây nhất là ở bang Florida (Mỹ). Tuy nhiên theo các chuyên gia, số động cơ Rotax bị đánh cắp thật sự lớn hơn nhiều con số thống kê của Rotax.

Đứng đầu danh sách bị trộm động cơ Rotax là Anh, với 36 vụ, tiếp theo là Đức với 31 vụ. Có 7 vụ trộm từ Mỹ và 4 từ Nga.

"Vụ trộm động cơ Rotax từ máy bay và sân bay trên khắp Vương quốc Anh không có dấu hiệu giảm bớt" - Flyer, một ấn phẩm dành cho những người đam mê hàng không và chỉ ra sự tinh vi của các vụ trộm - "Những tên trộm đã nhắm mục tiêu rõ ràng vào máy bay và tránh camera CCTV tại sân bay bằng cách đột nhập vào phía sau nhà chứa máy bay".

Ông David Broom, người điều hành Hãng hàng không Airplay, đã trở thành nạn nhân của vụ trộm động cơ Rotax vào năm 2017. Ông nghi ngờ có "một đường dây hoạt động khá chuyên nghiệp" đứng đằng sau, theo trang Flyer.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc lấy cắp bí mật công nghệ động cơ máy bay Mỹ cáo buộc Trung Quốc lấy cắp bí mật công nghệ động cơ máy bay

TTO - Bộ Tư pháp Mỹ vừa công bố cáo trạng buộc tội các gián điệp Trung Quốc đã cấu kết với các đồng phạm đánh cắp thông tin về động cơ tuốc bin cánh quạt của dòng máy bay thương mại.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên