Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến sau.
* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Vận dụng triệt để các quy định đã có
Hiện nay trong các luật đã có đầy đủ các quy định, chính sách liên quan việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Thực tế đợt đại dịch COVID-19 vừa qua đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng... được áp dụng.
Một số chính sách hiện nay vẫn đang được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển.
Với những thiệt hại nặng nề từ đợt bão lũ vừa qua, việc áp dụng các chính sách khẩn cấp quy định trong luật để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết.
Trong đó, hiện Chính phủ đã thực hiện việc hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3.
Hiện nay, trong luật cũng đã quy định rõ về việc miễn, giãn, hoãn, vay nợ không cần thế chấp ở một mức nào đó tại Ngân hàng Chính sách xã hội...
Do đó, tùy thuộc vào tình hình thực tế, các địa phương sẽ áp dụng hoặc đề nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho người dân, nhất là các hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, doanh nghiệp...
Ngoài ra có thể nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ khác cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại để sớm phục hồi.
Việc tái thiết cơ sở hạ tầng vẫn phải sử dụng chính nguồn đầu tư từ dự phòng ngân sách trung ương, địa phương, điều tiết ngân sách trung ương hỗ trợ các nơi bị thiệt hại.
Hiện nay, các quy định pháp luật đã cho phép được sử dụng chính sách tài khóa linh hoạt như nếu thấy cần thiết có thể tăng cường vay hay chuyển vốn đầu tư từ chỗ chưa cần thiết này sang chỗ cấp bách.
Đồng thời, luật cũng cho phép các địa phương có thể được vay từ các nguồn vốn hợp pháp, vay nước ngoài với tỉ lệ bằng số phần trăm nhất định với thu ngân sách trên địa bàn.
Ví dụ, Quốc hội đã thông qua cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TP.HCM, Hà Nội được nâng tổng mức dư nợ vay không quá 120% số thu ngân sách hay các địa phương khác tùy vào từng điều kiện cụ thể cũng được phép vay không quá 20 - 30%. Các địa phương có thể thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục, quy định về việc này.
* Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Ổn định cuộc sống người dân là cấp bách
Vấn đề tái thiết, đầu tiên là phải khắc phục lũ lụt, sạt lở để người dân ở các địa phương ổn định cuộc sống, nhất là với các gia đình mất nhà phải có chỗ ở tạm thời an toàn và khu, nhà tái định cư sau này.
Đồng thời, quan trọng nhất là phải đảm bảo cung cấp được sớm nguồn nước sạch. Vấn đề môi trường sau lũ cũng rất cần được quan tâm.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu hiện rất khó lường nên phải có ngay các biện pháp gia cố, bảo vệ các đoạn đê, kè xung yếu, nhất là các đoạn vừa qua có nguy cơ bị vỡ. Bởi nếu chỉ cần có thêm một trận mưa bão tiếp theo sẽ khó có thể chống đỡ.
Tiếp đó, sau khi ổn định được cuộc sống, cần có các giải pháp kịp thời hỗ trợ về tài chính, các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để người dân bị thiệt hại bởi bão lũ có thể khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách nhanh nhất.
Trong đó, đầu tiên phải hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước. Tiếp đó, Chính phủ có thể chỉ đạo, đề nghị các ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do bão lũ được giãn, hoãn, khoanh nợ các khoản đã và đang vay.
Với những dự án, hộ gia đình kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản, cây cối... dù bị thiệt hại nặng, không còn tài sản thế chấp, đảm bảo nhưng xét thấy vẫn có hiệu quả thì đề nghị các ngân hàng, nhất là ngân hàng chính sách, có thể xem xét cho vay tiếp để họ có cơ hội phục hồi, trả nợ.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở hạ tầng ở các địa phương như điện, đường, trường, trạm... bão lũ, sạt lở đất làm hư hỏng, tàn phá thì cần nguồn ngân sách để khôi phục. Các địa phương cần thống kê cụ thể, xem xét ngân sách địa phương rồi báo cáo Chính phủ để cân đối ngân sách trung ương hỗ trợ tái thiết.
* Ông Phạm Hà (chủ tịch sáng lập LuxGroup, chuyên cung cấp dịch vụ tàu du lịch hạng sang quanh các tuyến Hải Phòng, Quảng Ninh):
Hạ tầng ngành du lịch phải nhanh chóng khắc phục
Ngoài 2 tàu ca nô cao tốc bị chìm do bão, doanh nghiệp còn chịu thiệt hại khi không có doanh thu trong suốt những ngày sau bão, đến nay ước tính khoảng 5 tỉ đồng. Do Hải Phòng và Quảng Ninh đều bị mất điện, mất sóng viễn thông nên việc khắc phục thiệt hại sau bão khó khăn, đặc biệt là các tàu bị hư hỏng không thể sửa chữa.
Trong khi đó, hạ tầng chung phục vụ du lịch tại cảng Tuần Châu vẫn tan hoang sau bão, chưa được sửa chữa, khắc phục thì khó có thể nhanh chóng thu hút khách trở lại.
Cơn bão đi qua không chỉ để lại thiệt hại mà còn cho thấy khả năng và năng lực ứng phó với những rủi ro thiên tai ngày càng lớn cần phải có cách nhìn nhận, đánh giá đúng mức hơn nữa.
Do đó, tôi mong các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn công tác khôi phục điện, viễn thông, Internet, khôi phục hạ tầng trên cơ sở huy động các thành phần xã hội tham gia, liên kết các lực lượng để nhanh chóng khắc phục, ứng phó nhanh và hiệu quả nhất thì mới sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh vì mùa du lịch cao điểm tháng 10 sắp tới.
Ngoài ra cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại thông qua miễn giảm phí nhà chờ, các loại thuế và tài chính ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận