14/08/2021 18:23 GMT+7

Sau 7 ngày ‘ai ở đâu ở đó’, Đà Nẵng vẫn thực hiện chỉ thị 16

HỮU KHÁ - TẤN LỰC - TRƯỜNG TRUNG
HỮU KHÁ - TẤN LỰC - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Lãnh đạo TP Đà Nẵng cam kết sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian áp dụng biện pháp "ai ở đâu ở đó"; Sẽ xét nghiệm toàn diện, không bỏ sót bất cứ hộ gia đình nào.

Sau 7 ngày ‘ai ở đâu ở đó’, Đà Nẵng vẫn thực hiện chỉ thị 16 - Ảnh 1.

Ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cam kết sẽ đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân - Ảnh: H.K.

Đó là thông tin được lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết trong buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí vào chiều 14-8.

Lãnh đạo TP cho biết sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian áp dụng biện pháp "ai ở đâu ở đó".

Bà Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết trong thời gian 7 ngày sắp đến (từ ngày 16 đến 23-8) TP sẽ xét nghiệm toàn diện, không bỏ sót bất cứ hộ gia đình nào, với quyết tâm đưa tất cả F0 ra khỏi cộng đồng.

Không để mất kiểm soát

Bà Yến nói diễn biến dịch bệnh tại Đà Nẵng đang rất phức tạp. Dù thời gian qua TP thực hiện nhiều biện pháp nhưng dịch vẫn không giảm, nguy cơ dịch bùng phát đang ở mức rất cao. Hệ thống y tế của TP hiện nay chỉ đáp ứng 6.000 giường bệnh, trong đó chỉ có 300 giường phục vụ điều trị hồi sức tích cực với đầy đủ trang thiết bị máy móc.

"Nếu số ca bệnh tăng lên, vượt qua con số đó thì hệ thống y tế của TP sẽ quá tải, không thể chăm sóc người bệnh. Như các bạn đã biết ở một số địa phương phía Nam, khi hệ thống y tế quá tải, nhiều người mắc bệnh gọi xe cấp cứu, phải chờ 5 - 6 giờ vẫn không thể đến được bệnh viện. Vì vậy bây giờ chúng ta phải chuẩn bị tất cả, không thể để người dân rơi vào trạng thái như vậy" - bà Yến nói đó là lý do để TP đi đến quyết định áp dụng biện pháp mạnh "ai ở đâu ở đó" 7 ngày sắp tới.

Theo bà Yến, bắt đầu từ 8h ngày 16-8, TP sẽ áp dụng biện pháp "ai ở đâu ở đó". Lúc đó sẽ tung hết lực lượng tiến hành xét nghiệm đại diện hộ gia đình cho 300.000 hộ dân trên địa bàn, quyết tâm không bỏ sót một hộ gia đình nào. Việc xét nghiệm sẽ tiến hành 2 lần, lần thứ nhất diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18, lần thứ hai diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21-8.

Bà Yến khẳng định sau khi thực hiện biện pháp 7 ngày "ai ở đâu ở đó", TP sẽ đánh giá, tiên lượng mức độ rồi Ban chỉ đạo phòng chống dịch sẽ có chỉ đạo mới. Nhưng về cơ bản chắc chắn vẫn phải thực hiện chống dịch theo chỉ thị 16.

Sau 7 ngày ‘ai ở đâu ở đó’, Đà Nẵng vẫn thực hiện chỉ thị 16 - Ảnh 2.

Trong 7 ngày, Đà Nẵng sẽ xét nghiệm không bỏ sót bất cứ hộ gia đình nào - Ảnh: H.K.

30.000 hộ gia đình khó khăn sẽ nhận lương thực miễn phí

Bà Lê Thị Kim Phương - giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng - cho biết đến thời điểm này đã tham mưu cho TP có nhiều phương án rất cụ thể phân phối hàng hóa thiết yếu, đảm bảo gạo, mì tôm, trứng, rau củ quả phục vụ người dân. 

Hiện nay gạo thì TP đã làm việc với Cục Dự trữ lương thực, nhưng theo đánh giá tình hình thì hiện lượng gạo trên thị trường phục vụ người dân ổn định, không thiếu. Về thịt cá, hệ thống cung ứng đã dự trữ số lượng 1.500 tấn để sẵn sàng phục vụ người dân.

Về các kênh phân phối, theo bà Phương, sở đã làm việc rất kỹ lưỡng với hệ thống các siêu thị, hệ thống phân phối. Thống nhất theo phương án siêu thị, hệ thống phân phối ở gần địa bàn nào sẽ phục vụ hàng hóa cho dân tại địa bàn đó.

Ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết đối với 30.000 hộ dân thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn (như bán vé số, sinh viên, lao động mất việc làm không có thu nhập...) hiện Tập đoàn Sun Group đã tài trợ 30.000 suất quà gồm đầy đủ lương thực, thực phẩm. Số quà này sẽ được triển khai chuyển về đến các tổ dân phố vào ngày 16-8, sau đó các tổ dân phố sẽ chuyển đến ngay cho các gia đình này.

Ông Minh cho biết với các trường hợp còn lại là các hộ khá giả, người có thu nhập thì TP sẽ thực hiện phân phối như sau: Dân đăng ký mua qua tổ dân phố - tổ dân phố đăng ký qua các siêu thị đã được TP điều phối - siêu thị sẽ chuyển hàng ngược lại cho tổ dân phố - tổ dân phố giao cho dân.

"Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ bài học phân phối hàng hóa ở quận Sơn Trà, chúng tôi sẽ cho lực lượng giám sát để đảm bảo hàng nhanh chóng đến tay người dân. Hằng ngày lãnh đạo TP sẽ tổ chức giám sát thường xuyên và kỹ việc này" - ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho biết sau 7 ngày, TP sẽ đánh giá tình hình, vùng nào là "vùng xanh" sẽ mở cửa khôi phục các chợ truyền thống, đảm bảo giãn cách trong việc mua bán phục vụ người dân.

Sau 7 ngày ‘ai ở đâu ở đó’, Đà Nẵng vẫn thực hiện chỉ thị 16 - Ảnh 3.

Cảnh mua sắm đông đúc của người dân Đà Nẵng sau khi TP Đà Nẵng công bố thông tin phong tỏa chặt trong tuần tới - Ảnh: TẤN LỰC

Mỗi ngày mua 150 - 200 tấn rau củ quả hỗ trợ người dân trong 7 ngày phong tỏa

Ngày 14-8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết lãnh đạo TP đã giao Sở Công thương xem xét đặt mua 150 - 200 tấn rau củ quả mỗi ngày để hỗ trợ người dân trong 7 ngày phong tỏa từ nguồn xã hội hóa.

Sau khi làm việc với các doanh nghiệp cung ứng, các quận huyện và Sở Công thương, ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu các quận, huyện rà soát lập danh sách các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và người bị mất việc làm để phối hợp hỗ trợ.

Được biết, UBND TP Đà Nẵng quyết định mỗi ngày sẽ đặt mua 2.000 suất hàng thiết yếu (rau củ quả, thịt) trị giá 200 ngàn đồng/suất hỗ trợ cho nhóm đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn,

Đồng thời, lãnh đạo TP Đà Nẵng giao UBND các quận, huyện lập phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Liên hệ các doanh nghiệp đầu mối để đặt hàng theo yêu cầu của người dân và nhận hàng, phân phối tới hộ gia đình.

Ông Hồ Kỳ Minh cũng giao Sở Công thương xem xét phương án đặt rau củ quả từ doanh nghiệp đầu mối tại chợ đầu mối Hòa Cường để hỗ trợ người dân theo nguồn kinh phí xã hội hóa. Dự kiến khối lượng đặt mua từ 150-200 tấn/ngày. Đồng thời, xây dựng phương án điều phối xe vận chuyển hàng rau củ quả về cho quận huyện để kịp thời chuyển về các phường, xã, tổ dân phố đưa tới các gia đình.

Được biết, hiện nay một số tập đoàn và doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch hỗ trợ lương thực, thực phẩm người dân Đà Nẵng trong 7 ngày phong tỏa với số lượng hàng ngàn tấn hàng hóa và hàng chục ngàn suất quà.

Sau 7 ngày ‘ai ở đâu ở đó’, Đà Nẵng vẫn thực hiện chỉ thị 16 - Ảnh 4.

Đà Nẵng tiếp tục siết các hoạt động được ra đường trong đó quy định chỉ có 6 nhóm hoạt động được ra đường - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đà Nẵng chỉ còn 6 nhóm hoạt động được ra đường

Tối 14-8, ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã ký quyết định bổ sung hình thức chống dịch theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó". Theo đó chỉ còn 6 hoạt động cụ thể được ra khỏi nhà.

Thứ nhất, các hoạt động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ hai, các hoạt động thực hiện vệ sinh môi trường đô thị; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông.

Thứ ba là thực hiện vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ Cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước.

Thứ tư, nhóm hoạt động đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng COVID-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé.

Thứ năm là hoạt động tác nghiệp báo chí kèm yêu cầu tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình, tối đa 2 người/báo in, báo điện tử (trừ các loại hình tạp chí).

Thứ sáu là hoạt động tang lễ tuân thủ các quy định của Chỉ thị 05.

Kinh doanh, sản xuất tại chỗ cần điều kiện gì?

UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và được xem là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định "5K".

Đà Nẵng quy định số lượng người tại các điểm này cụ thể như sau:

Làm việc tại các cơ quan, công sở nhà nước với số lượng không quá 10%.

Làm việc tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao (chỉ được bố trí tối đa 30% số người làm việc).

Trường hợp những người được phép tham gia các hoạt động khẩn cấp và quan trọng khác do chủ tịch UBND thành phố hoặc chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định theo thẩm quyền.

Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thời gian dừng hoạt động phải đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị. Trường hợp bố trí lãnh đạo, nhân viên trực phải bảo đảm nguyên tắc "3 tại chỗ". 

Tỉ lệ ca mắc COVID-19 trong ngày vượt TP.HCM, Tỉ lệ ca mắc COVID-19 trong ngày vượt TP.HCM, 'điểm nóng' Bình Dương ứng phó ra sao?

TTO - Tình hình dịch bệnh tại “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương đáng báo động khi số ca mắc liên tục tăng, tỉ lệ ca mắc mới trong ngày trên quy mô dân số đã vượt TP.HCM. Điểm nóng này đang ứng phó như thế nào?

HỮU KHÁ - TẤN LỰC - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên