Nó không phải do thiên nhiên tạo ra mà do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá xả ra môi trường bất kể ngày hay đêm.
Loại sương mù này ở nước ta có thể gây bệnh và làm chết tới 4.300 người mỗi năm. Đó là con số mới được công bố tại Hà Nội đầu tuần này do nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) thực hiện. Họ cảnh báo số người chết có thể lên đến 25.000 khi đưa vào hoạt động hết các nhà máy nhiệt điện than đang có trong quy hoạch.
Bi kịch là nạn nhân của “sát thủ sương mù” đều phải chết yểu. Họ lâm bệnh (phổi tắc nghẽn, tim thiếu máu, ung thư, đột quỵ…) rồi ra đi khi tuổi đời còn trẻ. Quả là cái giá quá đắt phải trả khi các nhà máy nhiệt điện than mọc lên ngày càng nhiều ở các địa phương.
Chúng ta có nên chấp nhận quá nhiều dự án đầu tư tiêu tốn quá nhiều điện? Việc tiêu thụ điện như lâu nay đã hợp lý chưa?
Hàng loạt nhà máy ximăng lò đứng với công nghệ lạc hậu tiêu tốn không biết bao nhiêu là điện nhưng sản phẩm làm ra bị chất đống đó. Rồi hàng loạt nhà máy thép mọc lên, trong số đó có những nhà máy thép khổng lồ với mức đầu tư tính bằng tỉ USD tiêu xài lượng điện tương đương với mức tiêu dùng điện của cả một tỉnh.
Liệu có thể giảm bớt nguồn tiêu thụ điện từ “hội chứng” nhà máy thép để giảm bớt “sát thủ sương mù” hay không?
Thử tham khảo tình hình ở Trung Quốc vì họ cũng na ná như ta. Bầu trời xám xịt của Bắc Kinh chủ yếu cũng do khí thải của các nhà máy điện than. Nhưng giải pháp của họ tích cực hơn khi tuyên bố đã và sẽ đóng cửa hơn 2.000 nhà máy nhiệt điện than, thay dần bằng nhà máy điện khí đốt để loại trừ “sát thủ sương mù”.
Còn giải pháp của chúng ta ra sao khi người dân bị đe dọa không chỉ bởi “sát thủ sương mù” mà còn nhiều sát thủ môi trường khác? Nước ta có nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu như chính cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị môi trường toàn quốc ngày 30-9.
Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu không có giải pháp tích cực trong 10 năm tới GDP có thể tăng gấp đôi nhưng ô nhiễm môi trường tăng gấp 3 - 4 lần so với hiện nay.
Nghĩa là sát thủ môi trường tăng nhanh hơn nhiều so với của cải mà chúng ta làm ra nếu cứ chấp nhận công nghệ và cách làm lạc hậu.
Thật ra, cảnh báo này không mới vì cựu thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi từng góp ý cho VN cách đây hơn 10 năm. Ông Koizumi nói đại ý rằng đừng hi sinh môi trường để phát triển kinh tế vì cái giá phải trả để khắc phục hậu quả về môi trường có khi còn lớn hơn thành tựu về kinh tế.
Lời khuyên này không chỉ đúng ở tầm quốc gia mà còn đúng ở tầm địa phương, thậm chí chính xác đối với từng cá nhân chúng ta. Bởi cư dân đô thị đã bắt đầu than: “Cả đời đi làm kiếm tiền để cuối đời có đủ tiền mà chữa bệnh”.
Sát thủ môi trường đang tấn công chúng ta mỗi ngày, biến những thanh niên cường tráng thành những bệnh nhân chết yểu.
Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, sẵn sàng hi sinh sức khỏe, sinh mạng của mình? Những đề xuất mạnh mẽ tại hội nghị môi trường toàn quốc liệu có trở thành chủ trương, chính sách và sẽ được thực thi nghiêm túc?
Điều đó không chỉ đòi hỏi ở ý chí và quyết tâm hành động của Chính phủ mà cả ở từng người dân thường. Bởi ai cũng mưu cầu quyền được sống trong một xã hội bình yên, môi trường trong lành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận