25/04/2025 12:30 GMT+7

Sắp hết khoán thuế với hộ kinh doanh lớn

Hàng chục ngàn hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán từ ngày 1-6.

khoán thuế - Ảnh 1.

Hộ kinh doanh hủ tiếu Tân Vinh Nguyên trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) sẽ chuyển qua xuất hóa đơn từ máy tính tiền từ ngày 1-6 - Ảnh: NGUYÊN KHANG

Những hộ này sẽ chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. 

Đây là thay đổi rất lớn trong phương thức quản lý thuế với hộ kinh doanh để từ đó minh bạch doanh thu, tránh tình trạng "cưa đôi" thuế. Trước giờ G, cơ quan thuế, hộ kinh doanh lẫn nhà cung cấp đều đang chạy nước rút.

Hộ kinh doanh cần được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Thanh Tân - hộ kinh doanh Tân Vinh Nguyên (đường Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 5, TP.HCM) - cho biết doanh thu tiệm hủ tiếu của gia đình anh khoảng 100 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 1,2 tỉ đồng/năm), với thuế khoán hơn 4 triệu đồng/tháng. Đầu tuần này, anh đã được cơ quan thuế phổ biến về quy định mới.

"Khi nhận được thông báo tôi cũng lo lắng không biết khi chuyển qua hình thức mới số thuế nộp sẽ ra sao nhưng cũng đã liên hệ với nhà cung cấp và lắp đặt thiết bị hết 9 triệu đồng. Khách hàng của tôi vừa trả tiền mặt vừa chuyển khoản. Nếu vận hành suôn sẻ, phần mềm sẽ giúp chúng tôi quản lý doanh thu đầu vào, đầu ra thuận lợi hơn", anh Tân nói.

Trong khi đó, chị Đoàn Ân, đại diện tiệm chè Hà Ký (đường Châu Văn Liêm, quận 5) với thuế khoán khoảng 13 - 14 triệu đồng/tháng, cho biết có chút lo lắng khi cơ quan thuế áp dụng quy định mới vì nhân viên của quán hầu hết là người lớn tuổi, không rành về công nghệ. Do đó ngoài việc đầu tư thiết bị, quán sẽ phải mướn thêm một người chuyên đứng quầy để nhập thông tin cũng như xuất hóa đơn nên chi phí hằng tháng chắc chắn sẽ đội lên.

"Lo lắng nhất là khi đi vào vận hành chính thức nếu phát sinh trục trặc, lỡ nhập sai thông tin... hộ kinh doanh như chúng tôi lo khi đó nhà cung cấp sẽ không hỗ trợ kịp, rồi sẽ bị cơ quan thuế phạt. Rồi vào giờ cao điểm buổi tối khi khách đến ăn đông mà xảy ra trục trặc ở khâu tính tiền, in hóa đơn thì sao? Rất mong cơ quan thuế trong thời gian đầu sẽ không áp dụng xử phạt để hộ kinh doanh làm quen với phương thức mới", chị Ân đề nghị.

Anh Huỳnh Vũ Bửu Tài, kinh doanh phụ tùng xe đạp tại chợ Tân Thành (phường 12, quận 5), cho hay do đặc thù kinh doanh tại chợ sẽ gặp hạn chế về đường truyền, chỗ để... nên không lắp được các loại máy như tại các quán ăn. Do vậy anh đang tìm hiểu loại hình nào có thể tích hợp được vào điện thoại hoặc thiết bị nhỏ gọn để dễ sử dụng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hộ kinh doanh đều mong song song với việc tuân thủ quy định mới nhằm minh bạch doanh thu, cơ quan thuế cũng nên có ràng buộc với những nhà cung cấp về việc phải hỗ trợ người kinh doanh, tránh trường hợp bán được máy xong thì "đem con bỏ chợ"...

khoán thuế - Ảnh 2.

Giúp kinh doanh minh bạch, tránh thất thu thuế

Ông Lê Ngọc Huy - trưởng phòng thuế cá nhân, hộ kinh doanh và thu khác (Chi cục Thuế khu vực I) - cho biết cơ quan này đã phân công nhiệm vụ đến từng phòng, đội thuế trên địa bàn. Từ ngày 23-4, các phòng, đội đã rà soát hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện...

Công tác chuẩn bị sẽ hoàn thành trong tháng 5 và bắt đầu thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ ngày 1-6. "Việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích, quan trọng hơn là phản ánh đúng doanh thu của hộ kinh doanh, tránh thất thu thuế", ông Huy nói.

Theo ông Lê Hồng Quang - tổng giám đốc Công ty Misa, việc tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ theo nghị định 70 là bước quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của khối kinh tế tư nhân phát triển minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Việc áp dụng hóa đơn điện tử vừa giúp kê khai thuế, kinh doanh hiệu quả hơn và cũng có thể góp phần hỗ trợ người kinh doanh vay vốn từ ngân hàng.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Yến - giám đốc Công ty TNHH tư vấn thuế Hà Nội - cho rằng có không ít số hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán vẫn có tâm lý kinh doanh nhỏ, thu nhập lẻ, không cần xuất hóa đơn. 

Bên cạnh đó, năng lực và kiến thức về thuế, kế toán của hộ kinh doanh còn hạn chế, không nắm rõ quyền và nghĩa vụ thuế.

Bộ máy vận hành của nhiều hộ kinh doanh thường chỉ có 1-2 người, gồm chủ hộ và người phụ việc, mà không có bộ phận kế toán chuyên trách, cũng không có thói quen ghi chép sổ sách kế toán, quản lý thu chi bằng giấy tờ hoặc không đầy đủ. Những hộ này sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận phần mềm hóa đơn điện tử, đặc biệt ở khu vực nông thôn và với người lớn tuổi. Vì vậy cơ quan chức năng cần hỗ trợ, hướng dẫn trong thời gian đầu.

"Các hộ, cá nhân kinh doanh nên thay đổi tư duy, thích ứng với quy định thuế mới. Trước hết hộ, cá nhân kinh doanh cần rà soát số liệu tồn kho, công nợ, dòng tiền... làm cơ sở số dư đầu kỳ để đưa vào hệ thống, đồng thời tìm hiểu và lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp, đồng bộ, thuận lợi cho việc quản trị sau này" - bà Yến góp ý.

Thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

Ông Nguyễn Nam Bình, chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II, cho biết Chính phủ định hướng đổi mới chính sách thuế với hộ kinh doanh từ nộp thuế khoán sang tự kê khai, tự nộp thuế. "Mục tiêu đổi mới chính sách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được xem là một trong những mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân", ông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tịnh - phó chủ tịch Hội Tư vấn và đại lý thuế TP.HCM, việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế với hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên là bước tiến tất yếu giúp hộ kinh doanh minh bạch hóa giao dịch, thuận tiện quản lý. Quan trọng nhất là nâng cao uy tín, tạo điều kiện mở rộng thị trường trong tương lai.

"Các hộ kinh doanh đừng lo lắng. Khi sử dụng dịch vụ đại lý thuế, hộ kinh doanh sẽ được tư vấn đúng quy định và hỗ trợ kê khai, lập hóa đơn và nộp thuế đầy đủ. Không cần lo thủ tục, không cần mất thời gian tra cứu, tránh sai sót đáng tiếc. 

Hộ kinh doanh có thể yên tâm tập trung phát triển kinh doanh, không phải tự mình vật lộn với hệ thống pháp luật ngày càng hiện đại và phức tạp", ông Tịnh nhấn mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Chi cục Thuế khu vực II cho biết TP.HCM có khoảng 200.000 hộ kinh doanh, chưa tính hộ cho thuê nhà. Trong đó khoảng 13.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm trở lên, thuộc sáu nhóm ngành nghề theo quy định tại nghị định 70 phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Để việc vận hành được suôn sẻ, cơ quan này sẽ chọn 700 hộ kinh doanh để chạy thử với các đơn vị cung cấp phần mềm trước khi ký hợp đồng chính thức. Vị này cũng cho biết, theo quy định, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên thuộc sáu nhóm ngành nghề sẽ áp dụng xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nhưng có một thực tế là nhiều hộ kinh doanh mặt hàng không đúng với đăng ký.

"Do vậy chúng tôi đã yêu cầu cán bộ thuế tiếp xúc với các hộ kinh doanh lớn để nếu phát hiện hộ kinh doanh không đúng với ngành nghề đã đăng ký phải đăng ký lại cho đúng với ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, có thể thực hiện online thông qua eTaxMobile", vị này cho biết.

Giám sát bằng nhiều kênh khác nhau

Trả lời câu hỏi vì sao áp dụng với sáu ngành nghề, ông Nguyễn Nam Bình cho rằng đây là những ngành nghề bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng và thu tiền mặt nên có khả năng thời gian qua khoán thuế chưa đúng với doanh thu thực tế. Do vậy khi chuyển qua hình thức này sẽ giúp minh bạch doanh thu, công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

Vậy có lo hộ kinh doanh bán hàng không xuất hóa đơn làm sao để quản lý giám sát? Đại diện Chi cục Thuế khu vực II cho hay thông qua nghiệp vụ, cơ quan thuế có thể phát hiện việc này. Ngành thuế cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu của toàn ngành với hơn 60 chỉ tiêu (chẳng hạn hộ kinh doanh diện tích bao nhiêu, ngành nghề gì, nằm trên tuyến đường nào, chi phí điện nước hằng tháng bao nhiêu, tài khoản ngân hàng...) để từ đó hệ thống phân tích rủi ro, đối chiếu với doanh số kê khai của hộ kinh doanh xem mức kê khai có hợp lý hay chưa. Nếu phát hiện dấu hiệu rủi ro cao, cơ quan thuế sẽ đến kiểm tra trực tiếp.

Ngoài ra cơ quan thuế còn có một cơ chế giám sát khác đó là dữ liệu đầu vào, mua hàng của nhà cung cấp xem số liệu kê khai có khớp hay không... Nghĩa là cơ quan thuế sẽ giám sát qua nhiều kênh khác nhau.

Bán hàng ở đâu, xuất ngay hóa đơn ở đó

Tại hội thảo liên quan đến quy định về chế độ hóa đơn điện tử với hộ và cá nhân kinh doanh theo nghị định 70 do Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam và Công ty CP Misa tổ chức vào ngày 24-4, bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - cho biết nhiều hộ kinh doanh băn khoăn bán hàng xuất hóa đơn nhưng buộc đầu vào cũng phải có hóa đơn là khó.

Như các hộ kinh doanh nhà hàng mua trực tiếp các sản phẩm rau củ quả, thủy hải sản từ nông dân thường là không có hóa đơn điện tử. Tuy nhiên theo bà Cúc, nếu không có hóa đơn, cần làm theo bảng kê ghi rõ mặt hàng với số lượng bao nhiêu, tên, địa chỉ và căn cước công dân của người mua. Nhưng với đầu vào hàng may mặc, điện tử... hay mua rau xanh, thực phẩm ở siêu thị buộc phải có hóa đơn điện tử nhằm ngăn chặn việc mua bán hàng buôn lậu, trôi nổi. Nguyên tắc hàng hóa mua vào phải có hóa đơn chứ không chỉ là hóa đơn đầu ra.

Cũng theo bà Cúc, từ 1-6, người bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử ngay lập tức chứ không phải cuối ngày mới xuất một lần. "Thay vì xuất hóa đơn vào cuối ngày như hiện nay, từ ngày 1-6 bán hàng và thu tiền ở đâu phải xuất hóa đơn điện tử ở đó. Đây là thay đổi rất mới nên các hộ, cá nhân kinh doanh cần nắm để thực hiện" - bà Cúc lưu ý.

Sắp hết khoán thuế với hộ kinh doanh lớn - Ảnh 3.

Tiệm chè Hà Ký (Châu Văn Liêm, quận 5) là một trong những hộ kinh doanh tại TP.HCM sẽ chuyển qua xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 1-6 tới - Ảnh: THANH HIỆP

Sẽ chuyển lên doanh nghiệp!

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, ông T.V.B. - chủ hộ kinh doanh nhà hàng ăn uống ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - cho biết đang có một số băn khoăn khi áp dụng quy định này.

Đó là có những mặt hàng các loại rau thơm, hành, rau mùi, ớt... không có hóa đơn đầu vào khi mua trực tiếp ở chợ dân sinh hay người trồng là nông dân. Nếu mua ở siêu thị sẽ không có đủ các sản phẩm này hoặc nếu có đủ thì chi phí đội lên đáng kể nên sẽ làm đội giá bán khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

"Chúng tôi mong muốn chấp hành các quy định của chính sách, song mong muốn quy định pháp luật cần phù hợp với tình hình thực tiễn" - ông T.V.B. nói và cho biết đã phải chuyển từ doanh nghiệp xuống hộ kinh doanh cách nay hai năm do thu hẹp chuỗi nhà hàng từ bốn xuống một nhà hàng để kinh doanh thuận lợi.

Và nếu phải xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế từ ngày 1-6, ông B. cho biết sẽ tính đến việc chuyển lên doanh nghiệp để hoạt động dù chi phí bị đội lên như việc thực hiện các quy định về kế toán, phòng chống cháy nổ..., nhất là trong bối cảnh doanh thu đang giảm sâu.

Sắp hết khoán thuế với hộ kinh doanh lớn - Ảnh 4.13.000 hộ kinh doanh ở TP.HCM sẽ không còn nộp thuế khoán từ ngày 1-6

Từ ngày 1-6, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ/năm và thuộc 6 nhóm ngành nghề theo quy định tại nghị định số 70 sẽ phải xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên