20/02/2018 21:38 GMT+7

Sao lại gọi là chó má?

LÊ MINH QUỐC - Theo TTC
LÊ MINH QUỐC - Theo TTC

TTO - Từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895), Génibrel (1898) giải thích "chó má" là "Bộ ngộ nghĩnh, dễ thương. Nói về con nít", không biết từ bao giờ chó má lại hàm nghĩa như nay ta đã hiểu?

Sao lại gọi là chó má? - Ảnh 1.

"Quay xe lẩm bẩm câu gì/ Không ai nghe được, rồi đi về nhà/ Tội cho con cún chạy ra/ Ăn một nhát đá, thế là hết phim". Cún là con chó, đôi khi chỉ cần gọi cún, mực, vàng, vện, đốm… là rõ nghĩa. Thậm chí khi nghe nói "chim muông" thì muông cũng chính là chó. 

Nhà thơ Phan Văn Trị viết: "Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở/ Bủa lưới săn nai cũng có ngày". Câu thành ngữ "Lòng muông dạ thú" nhằm chỉ tâm địa độc ác, mất hết tính người, nay có lẽ do từ "muông" ít sử dụng, nên dần dà về sau người ta mới đổi thành "Lòng lang dạ thú"/ "Lòng lang dạ sói". Lang là loại chó rừng. 

Truyện thơ Nôm khuyết danh Trinh Thử có câu: "Nhiều bề cách vật trí tri/ Tiếng muông chim lại hay suy nên lời" thì "muông chim" lại nói chung về thú vật và chim chóc; muông thú là thú rừng nói chung.

Thành ngữ xưa có câu "Tiền cột cổ chó", nay hầu như chẳng mấy ai hiểu nghĩa lý ra làm sao. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: "Của bỏ, của thí. Ngu tục hiểu là con chó chết rồi, hồn nó xuống giữ cầu âm giái (giới), cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, họa ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti". Do ngày nay chẳng mấy ai tin, làm theo, vì thế, câu thành ngữ này cũng "thất truyền".

Tương tự "Chó cỏ rồng đất", dù có nhớ đến nhưng nhiều người cũng khó tường tận. Theo tự điển của Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức: "Người hết được trọng dụng, bị bỏ xó như khi công việc đã xong, như chó bện bằng cỏ và rồng nắn bằng đất dùng trong việc cúng tế, khi đám xong người ta liệng bỏ". Rõ ràng, chẳng khác gì "Vắt chanh bỏ vỏ".

Qua đôi ví vụ trên, ta thấy rằng thành ngữ - những cụm từ nêu lên những hình ảnh, những khái niệm còn nhằm phản ánh phong tục, tập quán của một thời. Một khi phong tục, tập quán đó mất đi thì bản thân câu thành ngữ có liên quan cũng rơi rụng dần.

Đọc Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes (1651) không thấy ghi nhận "muông", chỉ có từ "muôn" như hiện nay ta đã hiểu là vạn; số lượng lớn không xác định như muôn sắc muôn màu, muôn hồng nghìn tía, "Gia Định có ông Thủ Huồng/ Nhà nhiều vàng bạc cả muôn cả ngàn" (Vè Thủ Huồng)… 

Thế nhưng lại có từ "buồn muôn" là chán nản, buồn. Do đồng nghĩa với lo, nên trải qua năm tháng buồn không đi chung với muôn nữa, lại se duyên với lo/ buồn lo.

Thời trước, một khi chó sủa còn gọi cắn. "Chó cắn áo rách", "Nhăng nhẳng như chó cắn ma" - đều cũng nhằm chỉ động tác sủa.

Nay, ta hiểu chó cắn là nó nhe răng ra ngoạm một phát, chứ không chỉ há mồm phát ra âm thanh. "Chó sủa là chó không cắn". Cắn và sủa đã phân biệt rạch ròi. Thử hỏi, có "cắn" có "g" hay không? Trong tiếng Việt chỉ có một từ "cắng" nhằm gọi tên một loại chim câu. 

Hiểu như thế, ta mới rõ bài đồng dao của trẻ em: "Vừa mưa vừa nắng/ Cái cắng đánh nhau/ Bồ câu ra gỡ/ Chốc nữa lại tạnh".

Do quen thuộc trong mỗi nhà, vì thế, con chó đã đi vào lời ăn tiếng nói của người Việt cực kỳ phong phú. Câu mắng những ai dù nghe lời hay lẽ phải nhưng vẫn không thay đổi được so sánh "Nước đổ đầu vịt", "Trơ như đầu chó đá". Có bao giờ "Chó đá vẫy đuôi"? Câu này nhằm chỉ điều vô lý không thể xảy ra.

Đã từng nghe đến nhiều loại chó như phèn, mực, ngao, luốc, đốm… nhưng không ngờ lại còn có cả… chó lửa. Con chó mà khạc ra lửa? Vâng, là tiếng lóng chỉ khẩu súng côn, ru-lô. 

"Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu", điều này cho thấy chúng rất nhớ đường, có thể nhờ dắt về nhà, về ngõ. Nhưng "chó dắt" cũng ngụ ý chỉ sự thành công của ai đó do may mắn, tình cờ chẳng khác gì "Chó ngáp phải ruồi".

Một khi mắng chửi, khinh bỉ ai, người ta dùng từ "chó má". Vậy má là gì? Câu hỏi đơn giản này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu phải nhọc công lắm đây. "Chó má": Người Tày gọi con chó là "tu ma", cái thành từ "chó má" của ta, tiếng "má" ấy có lẽ bởi tiếng "ma" của Tày mà ra; có một số danh từ của Tày giống của ta lắm" (Phan Khôi); nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy lại cho rằng: "má gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là chó" (dẫn theo Việt ngữ tinh hoa từ điển của Long Điền - NXB Hoa Tiên - 1952).

Trong khi đó, đã có một thời "chó má" lại là "Bộ ngộ nghĩnh, dễ thương. Nói về con nít" - từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895), Génibrel (1898) đã giải thích. Thế thì, từ bao giờ chó má lại hàm nghĩa như nay ta đã hiểu?

Khẩu thuật Khẩu thuật Giai thoại giang hồ về thơ và câu đối Giai thoại giang hồ về thơ và câu đối Thấy Tuất năm này, nhớ Tuất năm xưa Thấy Tuất năm này, nhớ Tuất năm xưa
LÊ MINH QUỐC - Theo TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên