05/02/2018 15:41 GMT+7

Gò, o, cua, cái ve ve

LÊ MINH QUỐC - Theo TTC
LÊ MINH QUỐC - Theo TTC

TTO - Phương ngôn xứ Bắc có câu: "Vân Sa để tóc, cắt trọc Kẻ Mơ"...

Gò, o, cua, cái ve ve - Ảnh 1.

Kho tàng tục ngữ người Việt của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (Nguyễn Xuân Kính chủ biên - NXB VHTT-2002) giải thích: "Thôn Vân Sa thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì; Kẻ Mơ (tức Thanh Mai) cũng huyện Ba Vì (nay thuộc Hà Nội), xưa có tục đàn ông để tóc dài, đàn bà đã có con thường cắt trọc".

Dù không xuất hiện từ "tóc" nhưng ai cũng hiểu "cắt trọc" là cắt tóc, cắt sát da đầu đến mức trọc lóc/ trọc lốc/ trọc tếu/ trọc tếch/ trọc lóc bình bôi… "Nắm đứa có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu", ta hiểu "trọc đầu" là do đã cắt trọc - nhưng theo nghĩa bóng, lại chỉ kẻ "trên răng dưới khố", không có tài sản gì đáng kể, dẫu có bắt vạ nó cũng chẳng kiếm chác được gì.

Một người thợ hỏi: "Thích hớt kiểu nào?", khách đáp: "Húi cua" tức cắt/ xén tóc ngắn cho gọn gàng. 

Thế nhưng, "cúp cua" lại là trốn học - cua ở đây, đích thị là cours hiểu theo nghĩa bài giảng, giáo trình, lớp học; hoàn toàn khác với court ở trên là ngắn. Vốn từ tiếng Pháp đã du nhập vào lời ăn tiếng nói của người Việt và nó đồng âm với cua/ con cua.

"Ruộng gò cấy lúa Ba Xe/ Thấy em còn nhỏ anh ve để dành". Sự dí dỏm, tinh nghịch gói gọn trong từ "để dành" rất ư láu cá. Ve cũng hàm nghĩa như gò, cua. 

"Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm". Nhưng ve cũng là be, chai, lọ dùng để đựng chất lỏng: "Cô về chợ Thủ bán hũ bán ve/ Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu". 

Ve và chai một khi đi chung khắng khít, trở thành "ve chai" thì lại làm nghĩa thu mua đồ cũ, lặt vặt, đã cũ, đã hỏng, hằm bà lằn xắn cấu, chứ không chỉ ve, chai. Còn có từ cùng nghĩa là đồng nát:"Đồng nát thì về cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm thì về với cha". 

Trong Hồng Đức quốc âm thi tập, vua Lê Thánh Tôn viết: "Đậu lá, võ vàng con bươm bướm/ Ấp cây, gầy guộc cái ve ve". Thì, "cái ve ve" đích thị con ve ve/ ve sầu.

Ngoài các từ gò, cua, ve chỉ cái sự tán tỉnh người đẹp còn có thể kể thêm từ gì nữa? Thấy chồng bước ra khỏi nhà, cô vợ bắt nọn: "Chà, bữa nay anh chưng diện láng cóng, ăn mặc bảnh tỏn chắc đi o mèo à?". O là o bế, đeo đuổi tán tỉnh, chiều chuộng. 

Người chồng đáp: "Em Tào Tháo ghê. Anh đi thăm sếp". Ca dao Nam bộ có câu: "Ba má bày đặt cho anh/ Áo bà ba may hai cái túi đựng dầu chanh o mèo".

Ai cũng biết, "Cái răng, cái tóc là cái gốc con người". Trong quan niệm của người Việt thời trước: "Búi tóc củ hành, đàn anh thiên hạ". Thế nào là "tóc củ hành"? Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền giải thích: "Ngày trước đàn ông không cắt tóc, tóc dài thường búi về phía đỉnh đầu. Câu tục ngữ này ý nói người thượng lưu ít tóc, búi tóc chỉ nhỏ như củ hành, song vẫn là bậc ở trên của mọi người" (Nguyễn Khuyến tác phẩm - NXB TP.HCM - 2002, tr. 582). 

Củ hành thì dễ hiểu rồi, không cần nói gì thêm. Tuy nhiên, đôi khi nó lại được ám chỉ qua nghĩa khác, chẳng hạn, dân gian có câu vần vè: "Tóc bạc thì nhuộm cho xanh/ Cơ bản giữ được củ hành cho tươi/ Hỏi anh, anh chỉ mỉm cười:/ Cứ trồng "đất lạ" là tươi củ hành".

Tóc dài, nếu không thả/ xõa thì búi lại. Búi tóc cũng gọi búi tó, gọi hóm hỉnh trêu chọc là tổ quạ/ tổ chí. Chí còn gọi là chấy. "Đầu ai chấy nấy" ngụ ý ai cũng có khuyết tật, nhược điểm, nỗi khổ riêng.

Thường ở người nữ, tóc dài không chỉ bới mà còn tết/ thắt/ vấn. "Chị kia bới tóc đuôi gà/ nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu?". Cô gái chọn cách trả lời nhẹ nhàng: "Nhà tôi ở dưới đám dâu/ Ở bên đám đậu đầu cầu ngó qua/ Ngó qua đám bắp trổ cờ/ Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông". 

Chỉ nhà nhưng thật ra không chỉ gì cả, âu cũng là một cách xử trí thông minh lượn lờ kín kẽ. Cái đuôi tóc ấy, còn gọi là bím.

Mà bện tóc thành bím cũng gọi là kết. Thành ngữ Kết tóc xe tơ lại chỉ chuyện kết hôn/ kết duyên. "Đã thương cắt tóc trao tay/ Tha hồ én liệng, nhạn bay mái ngoài", thì ở đây lại là cắt tóc thề nguyền, giữ lấy lọn tóc để làm tin, minh chứng cho tình yêu thủy chung son sắt. 

Lúc thề nguyền với nhau, giữa Thúy Kiều và Kim Trọng vẫn là "Tóc mây một món, dao vàng chia đôi". Con dao ấy, rõ ràng cùng để cắt tóc.

Tùy mỗi thời, tùy dụng cụ sử dụng có nhiều cách gọi nhưng vẫn đồng nghĩa, chẳng hạn, cạo/ gọt/ cắt/ húi/ cúp/ hớt. Nhiều người lớn tuổi có tóc sâu, tức tóc ngứa; "Da mồi tóc bạc" tức tóc hạc, tóc trắng. 

Nếu mái tóc đen chen trắng lại gọi tóc hoa râm, tóc sương (tức trắng lấm tấm như trên tóc có hột sương lấm tấm), còn gọi tóc muối tiêu. Những người trẻ thường tóc xanh, quái lạ, xanh ở đây lại chỉ màu đen. "Tóc còn xanh, nanh còn sắc" thì nanh" cũng được hiểu là răng.

Tò te Rô Be đánh đu, Tặc Zăng nhảy dù… Tò te Rô Be đánh đu, Tặc Zăng nhảy dù… Anh sui lính quýnh xuống hầm chị sui Anh sui lính quýnh xuống hầm chị sui I cụt, y dài,Y cà lết I cụt, y dài,Y cà lết
LÊ MINH QUỐC - Theo TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên