Anh Trần Thái Hà: "Nhiều lần tôi tự hỏi mình có thể là người trả lương thay vì nhận lương không" - Video: TRẦN MAI - NGUYÊN HẰNG - DIỄM HƯỜNG
Từ nhân viên ngân hàng, anh Hà trở thành tay cọ thành thục tạo đường nét cho từng ghế đá - Ảnh: T.MAI
Nghỉ việc ở ngân hàng thương mại lớn với mức lương cao để khởi nghiệp bằng nghề làm ghế đá, anh Trần Thái Hà (36 tuổi, chủ cơ sở sản xuất ghế đá Hà Vân, ở đường Nguyễn Cư Trinh, TP Quảng Ngãi) đã đưa chúng tôi đến những cung bậc cảm xúc.
Ở đó không chỉ đơn thuần khởi nghiệp, phiêu lưu trên lối đi mới để kiếm thu nhập khá hơn mà còn có một nguyên nhân khác đầy nhiệt huyết: "Thay vì nhận lương về nuôi sống gia đình, tại sao mình không tạo ra việc làm phát lương nuôi sống nhiều gia đình khác?", anh Hà nói.
Tuổi trẻ nhàm chán
Mùa xuân, khi cúc, quất vẫn còn khoe sắc ở các góc phố thì tại xưởng của mình, anh Hà và đội thợ đang ngập trong công việc. Tiếng người cười nói, trao đổi chen trong âm thanh ồn ào của làng nghề ghế đá nổi tiếng ở TP Quảng Ngãi. Tiếp chúng tôi, anh Hà xin khất thêm 30 phút bởi đang lỡ tay họa nét cho chiếc ghế đá.
"Qua tết, những đơn hàng nhận trước phải giao, đơn nào cũng vài chục đến cả trăm cái, không làm kịp, mất uy tín chết. Anh em chờ mình tí", anh Hà nói vọng, đôi tay vẫn tiếp tục công việc. Nhiệt huyết thấy rõ trên khuôn mặt chàng trai trẻ trong cái nắng đầu mùa.
Tạm xong công việc, anh Hà dùng tay phủi chiếc áo thun cũ dính đầy sơn và bụi để "sạch sẽ tiếp khách". Nụ cười hiền lành, anh Hà bảo: "Biết thế này, làm ngân hàng áo thơm quần trơn cho khỏe".
Anh Hà trao đổi với anh em cộng sự trong quá trình làm việc, tạo tác ghế đá. Anh luôn mong sản phẩm được cải tiến và về chất lượng lẫn thẩm mỹ - Ảnh: TRẦN MAI
Nói là vậy nhưng anh bảo từng có một tuổi trẻ khá nhàm chán, tốt nghiệp đại học ngành tài chính ngân hàng và có tám năm làm việc ở một ngân hàng lớn. Những ngày sơmi, quần tây ấy tưởng êm đềm nhưng lại đầy gợn sóng. Nhịp sống sáng lên cơ sở, chiều trở về nhà dần trở nên mệt mỏi.
"Các sếp rất thương tôi, công việc cực tốt chứ không phải bị "đì" đâu, ngày tôi xin nghỉ các anh còn cho tôi tạm nghỉ ba tháng để suy nghĩ. Nói chung mọi thứ rất tốt, chỉ là tôi thấy giá trị bản thân khá ít. Tôi vẫn đang nhận lương từ người khác, nhiều lần tôi tự hỏi mình có thể là người trả lương thay vì nhận không", anh Hà chia sẻ.
Ở tuổi 30, anh Hà rẽ hướng, đó thật sự là "cú sốc" với đại gia đình, nhất là vợ anh cũng làm ngân hàng. Sáu năm trôi qua, những đắng đót, cơ cực bước đầu chỉ còn là hoài niệm. Đó là những ngày vào TP.HCM, ra Nghệ An, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc... để tầm sư học đạo.
Anh Hà kể về ngày anh mang túi quần áo bỏ nhà đi vào TP.HCM học nghề trông chẳng khác nào sinh viên năm nhất. "Mà đúng thật, lúc đó tôi là sinh viên, chỉ là đi học nghề ghế đá, khác với xưa học chữ", anh cười lớn.
Ngày đầu tiên đến TP.HCM, anh Hà được thầy "thị phạm" bằng công việc trộn bêtông, khuân vác. Từ bàn giấy sang cơ bắp khiến anh Hà "ná thở". Nhưng rồi anh lại quyết tâm khi nghĩ về lý do khăn gói vào tận TP.HCM. Bảy ngày cầm cự trôi qua, đôi tay trở nên rắn rỏi, công việc thành thạo hơn và anh Hà nhanh chóng học được nghề. "May hồi đó quyết tâm, chứ bỏ cuộc trở về chắc vợ và anh em ngân hàng cười cho thúi mặt", anh Hà hài hước.
Từ nhận lương thành phát lương
Anh Hà kể về ngày anh mang túi quần áo bỏ nhà đi vào TP.HCM học nghề trông chẳng khác nào sinh viên năm nhất - Ảnh: TRẦN MAI
Giấc mơ làm ông chủ dần hình thành, anh Hà trở về thuê đất, nhập máy móc mở xưởng, tìm cộng sự. Trong thời gian này, anh lang thang thêm sáu tháng nữa để tinh nghề. Có lần, xe khách dừng lại ven quốc lộ 1 qua Nghệ An lúc 2h sáng, địa chỉ mơ hồ người thợ làm ghế đá đưa cho anh khi hỏi bác xe ôm tốt bụng mới biết "Phải đi gần 100km về phía núi mới tới. Thế là tôi nằm ngủ bên hiên nhà chờ trời sáng", anh Hà nhớ lại.
Bây giờ, nhìn những chiếc ghế đá mài granito qua tay Hà trở nên sang trọng, ấn tượng với công nghệ phủ bóng 2K tạo thêm sự tinh tế và bền bỉ theo thời gian, thời tiết, chúng tôi mới thấm hành trình tầm sư khắp cả nước của anh.
Anh Hà giờ đã là ông chủ thật sự, sản phẩm của anh có mặt khắp nơi. Dĩ nhiên, đó cũng là nguồn thu nhập cho 10 nhân công đồng hành cùng anh. Dù trả lương nhưng anh Hà chưa bao giờ phân biệt chủ tớ. Với anh, không có những người đồng hành thì ngày anh khăn gói học nghề chắc chắn sẽ trở thành sự bồng bột của tuổi trẻ.
"Tôi yêu quý anh em, tôi vui khi được trả lương cho mọi người mỗi tháng. Điều ấy thật tuyệt vời, tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, ít nhất tôi đã tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội", anh Hà chia sẻ.
Nở nụ cười hiền lành, anh Bùi Tấn Truyền (37 tuổi), là thợ chính của xưởng, kể lại trước đây anh làm thợ sơn ôtô, "Hà rủ làm ghế đá, tin tưởng rồi qua làm. Rồi anh em vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi nâng cao tay nghề. Bây giờ thì mình tin con đường mà Hà lựa chọn là đúng đắn. Thu nhập của anh em ổn định quanh năm, không bấp bênh như các nghề khác. Như tôi được trả lương 10 triệu đồng/tháng", anh Truyền nói.
Bây giờ, ngoài những sản phẩm lâu nay và cải tiến mẫu mã phù hợp với mọi không gian, anh Hà còn hợp tác với họa sĩ, tạo linh hồn cho ghế đá. Đó là những bộ bàn ghế đá có hình ảnh sơn thủy hữu tình, hay xa hơn, anh muốn vẽ lên mặt bàn hình Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và vây xung quanh các chiếc ghế là những trận đánh mang tính lịch sử của dân tộc.
"Tôi muốn hợp tác với họa sĩ vẽ linh hồn cho bàn ghế đá, cũng là vẽ lại tuổi trẻ của tôi thêm đẹp", anh Hà chia sẻ.
Con đường ghế đá
Anh Hà nói vẫn còn trẻ, vẫn còn muốn cống hiến. Sau gánh lo cơm áo cho anh em và chính mình, anh đang ấp ủ kế hoạch hợp tác với các nhà tài trợ để thực hiện con đường ghế đá. Ý tưởng của anh nhận được sự đồng hành của nhiều người. Anh Hà chia sẻ: "Tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt. Quê mình có hai con đường dọc bờ sông Trà Khúc rất đẹp là Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu đặt những ghế đá đầy màu sắc dọc dòng sông cho người dân ngồi, du khách thư giãn, ngắm cảnh sẽ rất tuyệt vời, góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch tỉnh".
Khi nghe ý tưởng này, ông Hà Hoàng Việt Phương, chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho biết: "Tôi hoàn toàn đồng ý với con đường ghế đá mà Hà và nhiều bạn trẻ đang ấp ủ. Nếu hoàn thành, con đường không chỉ đẹp, mà giá trị lớn hơn là có những câu chuyện thật tuyệt vời về những người trẻ nhiệt huyết, sống có hoài bão và khát vọng cống hiến như Hà đã và đang làm".
Lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Sẽ có khoảng 25 - 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong tháng 3-2022. Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" sẽ là nơi cho các bạn trẻ, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp trên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, Tân Hiệp Phát, An Hòa...
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận