24/04/2018 15:29 GMT+7

Sao không khoan ngầm thay vì đào đường hở?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Các công trình đào đường hở để lắp đặt công trình ngầm tại TP.HCM đa số khiến mặt đường kém chất lượng sau khi tái lập. Nhiều người đặt câu hỏi sao không ứng dụng công nghệ đào ngầm?

Sao không khoan ngầm thay vì đào đường hở? - Ảnh 1.

Dùng khoan kích ngầm thi công trên đường Mai Chí Thọ, Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: VĂN CHÍN

Theo Thanh tra Sở GTVT, vừa qua đã cải tạo nâng cấp tuyến ống cấp nước trên đường Trịnh Văn Cấn, Phan Văn Trọng (Q.1), sau khi thi công nhà thầu đã không hoàn trả mặt đường nguyên trạng, mặt đường lồi lõm, lún sụt.

Tương tự, tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), đơn vị sửa chữa ống nước cũng không tái lập mặt đường theo nguyên trạng...

Người dân và Nhà nước đều thiệt

Ông Nguyễn Văn Dung, phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết qua thống kê có rất nhiều sai phạm trong việc đào hở mặt đường. Nhà thầu chậm hoàn trả mặt đường, vỉa hè; phui đào bị lún sụt, lồi lõm, đọng nước; vật tư và thiết bị tập kết tràn lan trên vỉa hè; thi công quá thời gian quy định...

Nhiều nhà thầu thi công còn không tái lập mặt đường đúng chất lượng. Cụ thể như chỉ tái lập mặt đường bằng một lớp nhựa hạt trung dày 12cm, không tái lập mặt đường theo quy định là hai lớp nhựa (một lớp 7cm nhựa hạt trung và một lớp 5cm nhựa hạt mịn). Hoặc nhà thầu tái lập vỉa hè bằng gạch không bảo đảm chất lượng nên gạch bong tróc...

Một chuyên gia về giao thông cho rằng đào đường hở khiến kết cấu mặt đường không còn nguyên vẹn nên mau xuống cấp. Thực tế cho thấy phần lớn công trình đào đường hở có bề rộng 0,5 - 0,7m (thuộc các dự án lắp đặt cáp điện lực, cáp viễn thông...), còn đào đường hở có bề rộng 1 - 2,5m (thuộc dự án lắp đặt ống cấp nước, cống thoát nước) đều gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trong đó công trình đào hở mặt đường có bề rộng 2 - 2,5m phải dựng "lô cốt" và thi công kéo dài vài tháng, khiến người dân đi lại khó khăn và gặp bất tiện trong buôn bán.

Ông Nguyễn Bật Hận, phó chánh Thanh tra Sở GTVT, cho rằng việc đào đường hở khiến Nhà nước cũng bị thiệt hại. "Những công trình đào đường hở có làn phui đào hẹp lại thiếu thiết bị thi công lu lèn, thiết bị không bảo đảm độ nén nền đường khiến mặt đường lún sụt" - ông Hận nói.

Dự kiến năm 2019 dùng công nghệ khoan kích ngầm

Ông Nguyễn Bật Hận cho rằng hiện nay số lượng xe cá nhân tăng nhanh khiến mật độ giao thông trên đường đông đúc, nên việc đào đường hở dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng tăng. Vì vậy, giải pháp khoan kích ngầm thay thi công đào hở cần được nhanh chóng áp dụng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dung cho rằng việc thi công khoan ngầm sẽ khắc phục được những tồn tại của việc đào đường hở.

Theo ông Dung, thời gian qua, một số công trình đã sử dụng công nghệ khoan kích ngầm hoặc khoan định hướng lắp đặt công trình ngầm như dự án vệ sinh môi trường, dự án lắp cống thoát nước băng ngang quốc lộ 1 và trên một số tuyến đường cấm đào. Vì vậy, các đơn vị chủ quản cần nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới này thay việc đào đường hở.

Ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT, cho rằng việc ứng dụng công nghệ khoan kích ngầm tại các công trình ngầm hóa sẽ hạn chế ảnh hưởng đến người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như đẩy nhanh được tiến độ thi công so với đào đường hở.

Theo ông Hưng, để áp dụng công nghệ mới này, sở sẽ đề nghị Viện Kinh tế tính toán, đưa ra dự toán định mức đơn giá để các chủ đầu tư đưa vào dự án. Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ bàn bạc với các đơn vị điện lực, cấp nước, thoát nước... tính toán việc áp dụng công nghệ mới này thi công trên những tuyến đường phù hợp để không ảnh hưởng đến các công trình ngầm rất phức tạp đã được lắp đặt cách đây hàng chục năm.

Cũng theo ông Hưng, Sở GTVT dự kiến trong năm 2019 sẽ ứng dụng công nghệ khoan kích ngầm thi công lắp đặt các công trình ngầm.

Khoan kích ngầm thi công nhanh

Theo ông Võ Khánh Hưng, hiện nay ở TP.HCM có Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMC Tech ứng dụng khoan kích ngầm trong thi công các công trình hạ tầng giao thông. TP.HCM khuyến khích có thêm nhiều nhà thầu thi công bằng công nghệ mới này để tạo ra sự cạnh tranh.

Vừa qua, VMC Tech đã thực hiện dự án khoan kích ngầm 500m đường ống băng qua đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2) trong 35 ngày, trong khi đó nếu đào đường hở phải kéo dài đến 70 ngày.

Đồng thời, đơn vị đã thực hiện dự án lắp đặt camera giám sát giao thông trên quốc lộ 1 (từ An Sương đến vòng xoay An Lạc) dài 14km bằng công nghệ khoan kích ngầm với thời gian 56 ngày, trong khi đào đường hở phải mất 1 năm.

Ứng dụng công nghệ khoan ngầm tránh kẹt xe Ứng dụng công nghệ khoan ngầm tránh kẹt xe

TTO - Ngày 7-11, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương vừa thử nghiệm công nghệ khoan định hướng ngầm (HDD) để lắp đặt đường ống thoát nước mà không phải đào đường.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên