Đà Lạt từ lâu là khí quyển nghệ thuật cho văn nghệ sĩ đắm mình. Theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 300 ca khúc viết về thành phố này. Nhiều nhạc phẩm đã trở nên bất hủ, chỉ cần dạo lên vài nốt nhạc, người nghe sẽ liền nhẩm theo.
Đến lượt mình, những tác phẩm còn mãi với thời gian này có thể trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo mới. Lời ca, ý nhạc, cảm xúc gửi trao, câu chuyện tác giả - tác phẩm... cấp ý tưởng phong phú để thiết kế nên các điểm check-in, mô hình, tiểu cảnh, công trình biểu tượng... cho các điểm du lịch, cũng như không gian công cộng, cảnh quan kiến trúc thành phố nói chung.
Mới đây (31-10), Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ở lĩnh vực âm nhạc. Còn rất nhiều việc phải làm để thành phố giới thiệu niềm tự hào này, cũng như thực hiện cam kết với UNESCO.
Thiết thực đóng góp vào điều đó, Đà Lạt hoàn toàn có thể hiện thực hóa ý tưởng trên bằng tác phẩm điêu khắc, hội họa, nghệ thuật sắp đặt... thể hiện chân dung các nhạc sĩ, ca sĩ, tờ nhạc, máy hát băng đĩa hay bất cứ thứ gì khác gợi nên từ âm nhạc của/về Đà Lạt.
Hãy thử hình dung...
Bên hồ Xuân Hương, góc nhỏ nào đó, có tiểu cảnh nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Hàn Mặc Tử, làm nền là bản nhạc Đà Lạt trăng mờ phổ từ bài thơ cùng tên: "Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều / Để nghe dưới đáy nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió / Và để xem trời giải nghĩa yêu...".
Trong rừng thông ở khu du lịch nào đó, bất ngờ hiện ra tiểu cảnh nhắc về ca khúc Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương: "Thành phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già...".
Ở khoảng nào đó trên đồi cỏ hồng Đan Kia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương), có tiểu cảnh truyền tải được ý niệm trừu tượng từ ca khúc Cỏ hồng của Phạm Duy: "Mời em lên núi cao thanh bình / Cỏ non phơn phớt ôm chân mình...".
Giữa rừng mai anh đào Mộng Đào Nguyên (huyện Lạc Dương), có tiểu cảnh nói lên "tâm tư mơ ước mộng đào nguyên" trong ca khúc Ai lên xứ hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên: "Ôi màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào / Ôi màu hoa đào như môi hồng người mình yêu...".
Hoặc đơn giản thôi, trên nhiều bờ ta luy ở Đà Lạt hiện trang trí bích họa về cảnh đẹp Đà Lạt. Chỉ cần tinh tế điểm thêm lên đó những "nét nhạc" sâu lắng, đủ thức dậy trong lòng người lướt qua biết bao cảm thức nostalgia hoài nhớ: "Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ / Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ..." (Đà Lạt hoàng hôn, Minh Kỳ - Dạ Cầm), "Ngàn thông xanh vi vu reo vui đón những người con về đây / Rộng vòng tay rộn ràng lời ca tình anh em..." (Nồng nàn cao nguyên, Krazan Dick), "Phố bên đồi đứng chờ em tới..." (Phố mùa đông, Bảo Chấn - Dalena)...
Những ý tưởng nho nhỏ đó không quá khó để làm ngay, có thể góp phần quảng bá phong cảnh, con người, văn hóa Đà Lạt theo cách riêng, đồng thời lan tỏa giá trị của Thành phố sáng tạo về âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam.
Âm nhạc vốn có sức mạnh đặc biệt. Tưởng vô hình, song sẽ có cách để âm nhạc hiển hiện hữu hình trong lòng thành phố.
Diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững
Nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, UBND thành phố Đà Lạt sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên gia từ chuỗi hoạt động trong diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững".
Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được các bài viết và ý kiến đóng góp từ quý độc giả.
- Thời gian: Từ tháng 10-2023 đến ngày 20-11-2023
- Thông tin đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online
- Lễ trao giải kết hợp hội thảo để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận…
HÌNH THỨC:
- Bài viết tối đa 1.200 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng;
- Bài thiết kế hình ảnh: từ 3 - 8 tấm, kèm chú thích;
- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (nếu là người nước ngoài);
- Các bài, clip hiến kế sẽ được lựa chọn để đăng trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn… Các tác phẩm được chấm nhuận bút. Qua đó, ban tổ chức sẽ xét duyệt chấm giải và trao thưởng;
- Bài dự thi, hiến kế chưa từng tham gia cuộc thi nào được tổ chức trước đây, không tham gia bất kỳ cuộc thi nào đang diễn ra, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội;
- Người tham gia chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như yêu cầu của ban tổ chức.
- Bài dự thi gửi về địa chỉ email: hienkedulichdalat@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:
Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xét chấm các ý kiến góp ý, hiến kế chất lượng, có tính góp ý xây dựng cho du lịch Đà Lạt trong tương lai. Qua đó sẽ xét giải cho các bài chất lượng:
- 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 10 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận