15/02/2020 11:47 GMT+7

Sản xuất văcxin ngừa virus corona không dễ

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Đã có những thông báo về sự tiến triển của quá trình bóc tách, tìm hiểu virus corona hướng đến việc bào chế văcxin. Nhưng các phân tích cho thấy thực tế không hề đơn giản.

Sản xuất văcxin ngừa virus corona không dễ - Ảnh 1.

Nghiên cứu tìm kháng thể chống virus corona chủng mới ở phòng thí nghiệm Regeneron tại New York (Mỹ) ngày 10-2 - Ảnh: Reuters

"Điều mấu chốt là sự đoàn kết, đặc biệt liên quan tới việc chia sẻ mẫu phẩm và chuỗi virus. Để chiến thắng dịch bệnh này, chúng ta cần cởi mở và chia sẻ công bằng tuân theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng". Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã lên tiếng kêu gọi khi phát biểu khai mạc cuộc họp kéo dài hai ngày tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) hôm

11-2. Cuộc họp được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thuốc điều trị, phương pháp chẩn đoán và văcxin phòng ngừa. Nhà lãnh đạo của WHO bày tỏ hi vọng cuộc họp sẽ đạt được một lộ trình nghiên cứu chung cho các chuyên gia và các nhà tài trợ.

“Phải tìm được ít nhất 1 triệu đôla để sản xuất thử nghiệm bước đầu loại văcxin đủ chất lượng cho các thử nghiệm lâm sàng.

Gary Kobinger (nhà nghiên cứu văcxin thuộc ĐH Laval, Canada, và là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên tìm kiếm văcxin chống lại COVID-19)


Có lời tỉ đô?

Theo Đài BBC, thông thường khi có dịch bệnh lớn, người ta thường nghĩ ngay đến các công ty dược lớn sẽ kiếm hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD, bằng cách gấp rút phát triển văcxin.

Nhưng thực tế không như ta nghĩ. Nhà phân tích dữ liệu Statista cho biết doanh số bán văcxin trên toàn thế giới đạt 54 tỉ USD vào năm 2019, tăng gần gấp đôi kể từ năm 2014. Lý do của sự tăng vọt này là sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm như cúm, cúm heo, viêm gan và Ebola. 

Thậm chí thị trường dự kiến sẽ tăng lên 60 tỉ USD trong năm nay, nhưng phần lợi nhuận cũng không quá chắc chắn.

"Phát triển được loại văcxin phòng ngừa hoặc chấm dứt một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng khó khăn hơn ta nghĩ. Việc này thường tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc - ông Brad Loncar, một nhà đầu tư công nghệ sinh học và giám đốc điều hành của Loncar Investments, giải thích - Kể cả với những công ty thành công trong việc điều chế ra sản phẩm, lợi nhuận cũng ít, chứ không phải hàng tỉ USD như mọi người vẫn tưởng tượng".

Trong thời gian qua, nhiều hãng dược đầu tư điều chế văcxin để chống chọi các khủng hoảng y tế nhận thấy rằng khi có được thương phẩm thì dịch bệnh đã hết. Như vậy họ gánh chịu khoản chi phí đầu tư rủi ro khổng lồ bởi khi sản phẩm được cấp phép thì nhu cầu thị trường đã không còn.

Ngành công nghiệp văcxin toàn cầu bị chi phối bởi những tay chơi lớn như Pfizer, Merck, GlaxoSmithKline (GSK), Sanofi và Johnson & Johnson. Nhưng đến nay các tập đoàn hàng đầu chưa đề cập ý định làm văcxin phòng virus corona chủng mới kể từ khi đại dịch bùng phát. 

"Không một ai trong bốn đại gia cho thấy mong muốn đầu tư cả" - tiến sĩ Ellen 't Hoen, giám đốc luật và chính sách y tế tại Đại học Y Groningen ở Amsterdam (Hà Lan), chỉ ra.

Rủi ro cao

Một trong các lý do khiến việc nghiên cứu bào chế văcxin trở nên tốn kém là quá trình cấp phép rất dài hoặc dễ bị rút phép do những tác dụng phụ của nó. Những điều này cũng có thể xảy ra ngay cả khi một loại thuốc đã được phê duyệt.

Văcxin Pandemrix ngừa cúm heo do GlaxoSmithKline sản xuất từng được tiêm cho 6 triệu người Mỹ trong mùa dịch 2009 - 2010, nhưng đã bị ngừng lưu hành sau đó do tác dụng phụ gây buồn ngủ nhiều lần trong ngày cho một số người. 

Văcxin ngừa Ebola do Merck sản xuất, được sử dụng theo kiểu "thử nghiệm nhân đạo" khắp Guinea, khu vực Tây Phi, năm 2015 khi dịch nổ ra. Đến cuối năm ngoái nó mới được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép.

Phát biểu tại sự kiện của Viện Aspen tổ chức tuần trước, tiến sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về dị ứng và bệnh truyền nhiễm - cho biết thấy "rất khó khăn và rất hụt hẫng" do không có công ty dược phẩm lớn nào lên tiếng sẽ sản xuất văcxin ngăn COVID-19. 

"Có các công ty có đủ năng lực làm được việc này, nhưng không phải lúc nào họ cũng dành sẵn nguồn lực dự trữ để lập tức làm ra văcxin cho anh ngay khi anh cần", tiến sĩ Fauci phát biểu.

Tiến sĩ Fauci cho rằng phải ít nhất một năm nữa văcxin ngừa virus corona mới có bán trên thị trường. Đó là trong một kịch bản tốt, khi có một hãng dược lớn nào đó quyết định làm hoặc khi có được các khoản quyên góp từ thiện hỗ trợ các công ty dược phẩm hành động trong cuộc chạy đua tìm văcxin.

Tên chính thức của bệnh do virus corona mới là Covid-19, có văcxin sau 18 tháng Tên chính thức của bệnh do virus corona mới là Covid-19, có văcxin sau 18 tháng

TTO - "Chúng tôi đã có tên cho căn bệnh và nó là Covid-19" - Hãng tin AFP tối 11-2 dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ.

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên