17/06/2020 09:09 GMT+7

Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 5: Truy tìm 6 tàu 'ma' khét tiếng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong lịch sử săn lùng các đội tàu đánh bắt bất hợp pháp trên thế giới, không thể bỏ qua câu chuyện "loại khỏi vòng chiến" 6 tàu cá hoạt động dài ngày nhất ở Nam Đại Dương. Đây là một trong những chiến công vang dội trong lịch sử bảo tồn biển.

Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 5: Truy tìm 6 tàu ma khét tiếng - Ảnh 1.

Hai thuyền trưởng Siddharth Chakravarty và Peter Hammarstedt (trái) với một phần lưới rê tầng đáy dài 72km của tàu Thunder - Ảnh: Sea Shepherd

Sáu tàu mang tên Songhua, Kunlun, Yongding, Thunder, Perlon và Viking đều của các công ty Tây Ban Nha. Chúng được đặt biệt danh là nhóm Bandit 6 (tạm dịch là nhóm "Sáu tàu cướp") đánh bắt cá tuyết Patagonia trong gần hai thập niên. Chúng thay đổi xoành xoạch tên tàu và quốc gia đăng ký nên rất khó nhận dạng.

Điều lạ lùng khó tin là thuyền trưởng tàu Thunder lại vỗ tay hoan hô khi tàu chìm hẳn.

Thuyền trưởng PETER HAMMARSTEDT

Săn lùng tàu "ma"

Lần đầu tiên, hải quân một nước đối đầu với nhóm Bandit 6 ở Nam Đại Dương xảy ra đầu năm 2015. Sau bốn ngày lùng sục với sự trợ giúp của máy ghi hình Toplite độ nét cao bố trí trên cột buồm cao 30m, đại úy Matthew Wilson trên tàu hải quân hoàng gia Wellington của New Zealand chú ý đến một điểm sáng đi lẻ trên màn hình rađa giữa hàng trăm điểm màu nhạt chỉ các tảng băng trôi cách Nam Cực 50 hải lý. Anh reo lên: "Thấy nó rồi!". Thuyền trưởng Graham MacLean nhận ra đúng đó là "con mồi" mà tàu đang lần theo dấu vết.

Tàu Wellington nấp sau các tảng băng trôi cao sừng sững bí mật tiếp cận mục tiêu. Sáu binh sĩ trang bị máy ảnh bước xuống xuồng hơi với nhiệm vụ bắt quả tang và thu thập chứng cứ. 45 phút sau, xuồng hơi tiếp cận tàu săn trộm Songhua treo cờ Guinea Xích Đạo (Tây Phi). Thuyền trưởng MacLean gọi trên tần số VHF thông báo tàu Songhua đang đánh bắt bất hợp pháp trong khu vực của Ủy ban Bảo tồn tài nguyên sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) và sử dụng ngư cụ trái phép nên yêu cầu tàu rời đi. Tàu Songhua ngang ngược trả lời Guinea Xích Đạo không phải là thành viên CCAMLR nên không bị ràng buộc gì về pháp lý.

MacLean kiểm tra giấy tờ của tàu và phát hiện đó là giấy tờ giả. Theo đúng quy trình, MacLean đề nghị Bộ Ngoại giao New Zealand liên hệ với Guinea Xích Đạo để xác minh. Vào lúc này, rađa tiếp tục phát hiện tàu thứ hai trong nhóm Bandit 6 cách đó 25 hải lý. Đó là tàu Kunlun cũng treo cờ Guinea Xích Đạo. Sau khi thu thập đủ chứng cứ trên tàu Songhua, tàu hải quân Wellington bám theo tàu Kunlun. Trong năm ngày, tàu hải quân New Zealand đã ghi hình mọi hoạt động đánh bắt của tàu Kunlun và bàng hoàng trước kiểu đánh bắt tận diệt bằng lưới rê tầng đáy. Hầu hết cá đánh bắt không phải là cá tuyết Patagonia.

Sáu ngày sau vụ kiểm tra tàu Songhua, thuyền trưởng MacLean nhận được tin về vị trí con tàu Yongding, tàu thứ ba trong nhóm Bandit 6. Trong lúc MacLean kiểm tra tàu, Bộ Ngoại giao New Zealand nhận phản hồi từ Guinea Xích Đạo cho biết ba tàu Songhua, Kunlun và Yongding đều không đăng ký ở nước này và không phản đối hải quân New Zealand ngăn chặn. Song do sóng lừng cao đến 3m, trời lạnh âm 10ºC, băng trôi và nhiên liệu cũng gần hết, MacLean đành cho tàu hải quân quay về.

Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 5: Truy tìm 6 tàu ma khét tiếng - Ảnh 3.

Tàu Kunlun đánh bắt cá tuyết Patagonia bất hợp pháp ở Nam Đại Dương - Ảnh: Hải quân New Zealand

Chấm dứt thời kỳ tự do tung hoành

Cá tuyết Patagonia là loài cá quý hiếm, được xem như "vàng trắng" đại dương. Chúng sống trong vùng nước lạnh dưới đáy biển sâu 1.000m, có thể đạt kích cỡ và trọng lượng như con người. Có nhiều yếu tố khiến nhóm tàu Bandit 6 có thể tung hoành một thời gian dài ở Nam Đại Dương. Đầu tiên là quyền tài phán đối với vùng biển Nam Cực. Vùng biển này do CCAMLR gồm 25 quốc gia quản lý, nhưng quy định của CCAMLR chỉ áp dụng đối với tàu của 25 nước thành viên. Các tàu bên ngoài nếu có giấy phép đánh bắt quốc tế hợp lệ đều có thể đánh bắt thoải mái.

Tháng 11-2014, Bộ chỉ huy Bảo vệ biên giới Úc cho phép sử dụng máy bay và tàu chiến truy đuổi tàu săn trộm cá tuyết Patagonia từ Nam Cực về ngang qua quần đảo Cocos của Úc để đến các cảng Đông Nam Á. Song song đó, Tòa án quốc tế về luật biển tại Hamburg (Đức) phán quyết các nước phải có nghĩa vụ bảo đảm tàu treo cờ quốc gia mình không đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. 

Tại Tây Ban Nha, do các tổ chức bảo vệ môi trường và ngành khai thác thủy sản gây sức ép, chính phủ đã thông qua đạo luật nghiêm cấm công dân Tây Ban Nha trục lợi từ đánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài.

Trong bối cảnh thuận lợi ấy, tổ chức phi chính phủ quốc tế Sea Shepherd (trụ sở chính ở Canada) đã mở chiến dịch Icefish điều động hai tàu lên đường săn lùng nhóm Bandit 6 ở Nam Đại Dương. Tàu Bob Barker phụ trách săn đuổi do Peter Hammarstedt, người Mỹ gốc Thụy Điển, làm thuyền trưởng và tàu Sam Simon do Siddharth Chakravarty, người Ấn Độ, làm thuyền trưởng. Hai tàu phụ trách thu gom lưới làm chứng cứ sai phạm để trao lại cho Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol).

Lưới đánh cá bất hợp pháp dài... 72km

Trong khi tàu hải quân Wellington của New Zealand quay về cảng và ba tàu Songhua, Kunlun và Yongding vẫn thả lưới, một chuyện bất ngờ đã xảy ra cách Nam Đại Dương 3.400 hải lý. Cuối tháng 12-2014, tức vào ngày truy lùng thứ 28, tàu Bob Barker của Tổ chức Sea Shepherd phát hiện tàu Thunder treo cờ Nigeria gần Nam Cực. Đây là con tàu thứ tư trong nhóm Bandit 6. Tàu Thunder tháo chạy về hướng châu Phi. Tàu Bob Barker bám theo. Tàu Sam Simon đến ngư trường thu gom được năm tay lưới rê dài 72km. 1.200 con cá tuyết Nam Cực dính lưới nặng trung bình 42kg/con, tức năm lần hơn số cá tuyết Patagonia đánh bắt thương mại hợp pháp. Nhưng cá tuyết cũng chỉ chiếm 1/4, phần còn lại gồm các loài cá khác đã thối rữa phần lớn.

Sáng 6-4-2015, tàu đánh bắt bất hợp pháp Thunder dừng lại cách đảo quốc São Tomé và Príncipe 80 hải lý. Những người trên tàu mặc áo phao và thổi phồng ba xuồng cứu sinh trong lúc thời tiết tốt và không có sóng lừng. Tàu Bob Barker bán tín bán nghi bèn gọi điện hỏi. Thuyền trưởng tàu Thunder báo tin tàu sắp chìm và đề nghị giúp kéo xuồng cứu sinh.

Sau khi đưa người trên tàu Thunder vào bờ, thủy thủ tàu Bob Barker leo lên tàu Thunder kiểm tra và phát hiện dấu hiệu tàu cố tình bị đánh đắm. Cửa hầm và các cửa boong đều mở toang. Hầm chứa cá gần như trống rỗng.

Thuyền trưởng tàu Thunder và hai thuyền viên đã bị đảo quốc São Tomé và Príncipe kết án ba năm tù về các tội đánh chìm tàu để che giấu chứng cứ và sử dụng giấy tờ gian lận, đồng thời bị phạt 15 triệu euro. Các bị cáo ngồi tù và không trả tiền phạt.

Tàu Thunder bị đánh đắm đã kết thúc một trong những vụ truy đuổi ngoạn mục nhất lịch sử hàng hải kéo dài 110 ngày đêm trên chặng đường dài 11.533 hải lý qua bốn đại dương. Cuộc truy đuổi đã được thể hiện qua bộ phim tài liệu "Săn đuổi tàu Thunder" của hai đạo diễn Mỹ khởi chiếu năm 2018. Tính ra tàu Thunder bị bắt quả tang 17 lần đánh bắt bất hợp pháp, thay đổi cờ 12 lần, đổi tên 8 lần và đổi chủ 6 lần.

Bốn ngư dân Indonesia chết do nghi ngờ bị ngược đãi trên tàu cá Trung Quốc. Cuộc điều tra đang tiến hành. Tàu cá Hàn Quốc Oyang 70 bị chìm. Kết quả điều tra đã phơi bày nạn bóc lột lao động trên biển.

Tháng 5-2015, hai tàu Songhua và Yongding dù đã đổi tên và mang cờ Sierra Leone nhưng vẫn bị phát hiện ở quần đảo Cape Verde (Tây Phi). Trong khi đó, tàu Perlon bị bắt giữ ở Malaysia.

Sáu tháng sau, tàu Kunlun vào cảng Dakar (Senegal) với tên mới là Asian Warrior và treo cờ Saint Vincent và Grenadines. Các thuyền viên chuyển cá lên tàu nhỏ chạy trốn. Tàu Viking là con tàu cuối cùng trong nhóm Bandit 6 bị bắt giữ tại Indonesia cuối tháng 2-2016. Indonesia đã quyết định đánh chìm tàu này. Như vậy trong 15 tháng, sáu tàu thuộc nhóm Bandit 6 đều đã bị tóm gọn. Cuộc truy lùng sáu con tàu khét tiếng kết thúc hoàn hảo.

Kỳ tới: Đời nô lệ trên biển

Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 4: Tàn sát thủy sản giữa biển khơi Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 4: Tàn sát thủy sản giữa biển khơi

TTO - Đầu tháng 5-2020, Bộ Môi trường, lâm nghiệp và ngư nghiệp Nam Phi cho biết sáu tàu giã cào Trung Quốc đã bị nộp phạt vì đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Nam Phi trái phép. Trước đó, các tàu này từng bị Namibia và Mozambique trục xuất.


HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên