18/08/2020 10:45 GMT+7

Samsung bác bỏ thông tin chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thông tin cho Tuổi Trẻ Online, đại diện Samsung Việt Nam khẳng định thông tin về việc Samsung có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật.

Samsung bác bỏ thông tin chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ - Ảnh 1.

Samsung Việt Nam phủ nhận thông tin chuyển dịch một phần sản xuất sang Ấn Độ - Ảnh: Samsung

Theo đó, hiện các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường và không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ.

"Ngoài ra, Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn" - đại diện Samsung khẳng định.

Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo Samsung đánh giá Việt Nam không chỉ là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và hiệu quả mà đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của tập đoàn.

Sau 12 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV năm 2008, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng gấp gần 26 lần, lên tới trên 17,3 tỉ USD.

Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á và SVMC là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.

Cùng với những đóng góp lớn về kinh tế, hiện nay Samsung Việt Nam đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 130.000 người lao động với mức thu nhập ổn định và các phúc lợi xã hội khác.

Theo đó, Samsung bắt đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào năm 2008, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và những nhà máy ở đây đã trở thành những cứ điểm sản xuất của tập đoàn trên toàn cầu.

Về định hướng trong 10 năm tới, bên cạnh sản xuất, lãnh đạo Samsung cho hay sẽ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong đó, trung tâm R&D ở Tây Hồ Tây hiện đang trong quá trình xây dựng, dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022 và sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người hiện nay lên 3.000 người.

"Tại đây, chúng tôi sẽ nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển các công nghệ mới như 5G, AI, big data đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chúng tôi mong đợi trung tâm này sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền công nghệ thông tin và kinh tế của Việt Nam" - lãnh đạo Samsung nói.

Trước đó, tờ Economic Times cho hay Samsung đã trình kế hoạch đa dạng hóa dây chuyền sản xuất smartphone với chính phủ Ấn Độ. Kế hoạch này thuộc chương trình Ưu đãi các dự án liên quan đến sản xuất (PLI) trị giá 40 tỉ USD trong 5 năm tới của chính phủ Ấn Độ.

Theo đó, Samsung có thể sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam và các nước khác sang Ấn Độ. Trong số này, điện thoại thông minh giá xuất xưởng trên 200 USD có thể chiếm giá trị đến 25 tỉ USD và hầu hết được dùng để xuất khẩu.

Bộ Công thương bắt tay Samsung đẩy mạnh thị trường khuôn mẫu 1 tỉ USD Bộ Công thương bắt tay Samsung đẩy mạnh thị trường khuôn mẫu 1 tỉ USD

Việc Bộ Công thương hợp tác với Tập đoàn Samsung để đào tạo 200 chuyên gia về khuôn mẫu được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng, tiêu chí kỹ thuật và giá trị cho ngành sản xuất khuôn mẫu có quy mô lên tới 1 tỉ USD/năm.



NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên