Riêng trong tháng 11 đã chứng kiến ít nhất 25.563 người lao động trong ngành công nghệ ở Mỹ mất việc - Hình minh họa: Thinkstock
Theo các chuyên gia, làn sóng cắt giảm nhân sự của các ông lớn công nghệ như Meta (công ty mẹ của Facebook), Microsoft, Salesforce, Amazon, Twitter... sẽ không lan truyền đến các ngành nghề khác.
"Cú đấm muộn" của COVID-19
Theo Đài CNBC, HP cho biết lý do giảm nhân sự vì doanh số bán máy tính của hãng bị sụt giảm rõ rệt nên doanh thu quý 4-2022 giảm so với cùng kỳ năm trước. Công ty đưa ra "kế hoạch chuyển đổi sẵn sàng cho tương lai" để tiết kiệm chi phí vận hành hằng năm từ ít nhất 1,4 tỉ USD trong 3 năm tới.
Trong nửa cuối năm 2022, hàng loạt hãng công nghệ công bố và thực hiện nhiều kế hoạch ngừng tuyển dụng hoặc cắt giảm nhân sự mạnh mẽ. Hết đợt sa thải này đến đợt khác diễn ra, trong khi kinh tế Mỹ giảm tốc và lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng.
Riêng trong tháng 11 đã chứng kiến ít nhất 25.563 người lao động trong ngành công nghệ ở Mỹ mất việc, trong đó Meta và Twitter "góp" hơn một nửa số đó. Còn trong 11 tháng của năm nay, 121.413 nhân viên của 789 hãng công nghệ lớn nhỏ ở Mỹ mất việc, theo số liệu của Layoffs.fyi - trang web thống kê lượng cắt giảm nhân sự của các công ty lớn toàn cầu.
Các đợt sa thải gần đây được nhận định là "cú đấm muộn" của đại dịch COVID-19 với các hãng công nghệ. Trước đây khi các ngành du lịch, dịch vụ... bị ảnh hưởng nặng trong đại dịch thì doanh thu ở mảng công nghệ cất cánh. Nhưng 2 năm sau, khi du lịch, dịch vụ... phục hồi, các hãng công nghệ lại bắt đầu cảm nhận tác động của đại dịch.
Doanh số bán hàng trực tuyến giảm, các công ty giảm chi tiêu quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến trong bối cảnh lãi suất tăng, lạm phát cao, cạnh tranh và chi phí tăng cùng nguy cơ suy thoái kinh tế và khủng hoảng địa chính trị.
Ông Bob O’Donnell, chủ tịch Công ty TECHnalysis, nói với trang Yahoo Finance: "Tôi nghĩ các công ty đang nhận ra họ đã tuyển dụng quá mức trong thời gian quá dài do kỳ vọng mức tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch sẽ còn tiếp tục".
Dữ liệu: Hồng Vân. Nguồn: layoffs.fyi - Đồ họa: TUẤN ANH
Ảnh hưởng nhưng không lan rộng
Theo giới chuyên gia, mặc dù có thể xem các thông báo sa thải gần đây là yếu tố mang tính cảnh báo chung với các công ty bị giảm doanh thu nhưng tới nay việc sa thải hầu như chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ. Đây không nhất thiết là dấu hiệu về các đợt sa thải lớn trong các lĩnh vực khác. Đã và sẽ có những tác động lan tỏa nhỏ nhưng chủ yếu tại các cộng đồng đặc trưng về công nghệ như ở San Francisco, Seattle do người lao động bắt đầu rời đi hoặc giảm chi tiêu và sử dụng dịch vụ.
Ông Jason Furman, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, cho biết: "Khi một người bị mất việc, họ sẽ chi tiêu ít hơn ở khu vực mình sinh sống. Nhưng tôi cho rằng hiệu ứng dây chuyền trực tiếp nhỏ hơn nhiều so với việc sa thải hàng loạt trong lĩnh vực sản xuất".
Các nhà kinh tế khác cũng đồng tình. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, ông Jan Hatzius, thông báo với khách hàng trong tuần qua rằng "làn sóng sa thải trong ngành công nghệ không phải dấu hiệu của một cuộc suy thoái sắp xảy ra". Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng chưa đến 0,3% ngay cả khi phần lớn nhân sự trong ngành công nghệ cùng mất việc.
Bà Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng của Công ty ADP - chuyên về trả lương, cho biết việc sa thải tại Twitter và Meta là "những sự kiện mang bản chất riêng của công ty, không nhất thiết gắn liền với toàn bộ thị trường lao động".
Theo Bộ Lao động Mỹ, báo cáo về tình hình lao động việc làm trong tháng 10 ở Mỹ vẫn tươi sáng với hơn 261.000 việc làm mới được bổ sung. Với tỉ lệ có gần hai cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp, người lao động tiếp tục có thể yêu cầu mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.
Làn sóng sa thải của ngành công nghệ tới nay vẫn chưa dẫn đến sự gia tăng đáng kể số đơn yêu cầu thanh toán bảo hiểm thất nghiệp hằng tuần. Điều này chứng tỏ họ đã có việc làm mới ở đâu đó. Họ đi đâu? Câu trả lời là các công ty nhỏ hơn. Trước đây, các công ty nhỏ rất khó cạnh tranh với Meta, Twitter, Microsoft... về nhân sự, nhưng giờ thì khác.
Bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của công ty giới thiệu việc làm ZipRecruiter, nhận định: "Vẫn có nhu cầu cao về nhân tài công nghệ trong các ngành công nghiệp, từ chính phủ, bán lẻ, nông nghiệp... Đây là những ngành trong những năm qua chưa được chú ý nhiều".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận